Cách đây không lâu, tin nhắn của “ông em Chợ Rẫy” khiến bà vợ tin đồn xất bất xang bang suốt hai ngày. Tin nhắn cho biết tại thành phố sắp tới, người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà.
Ông chồng nhiều kinh nghiệm lập tức phản xạ: “Tin đó ai đưa? Có chính thống không?”. Bà nói chắc nịch: “Chị Thắm chuyển tin, là em chị ấy nhắn”. Chị Thắm là người hàng xóm thân thiết ở ngay tầng dưới, thật đáng tin cậy nên bà vợ tin đồn đã kịp nhắn cho 500 chị em, kèm 500 lời thúc giục tích trữ đồ ăn.
Mỗi ngày bà gọi chục lượt đến các nơi để hỏi dịch vụ bán hàng ship ngay và luôn. Rồi gọi thêm chục lượt nữa để kiểm tra các đầu mối họ hàng, bạn bè thân thiết xem đã mua đủ đồ ăn chưa, dư thiếu thế nào.
Bà tiếp tục làm trung tâm điều phối để lấy chỗ dư điều sang chỗ thiếu. Đội ngũ shipper trong thành phố chắc phải tốn một mớ nguồn lực để phục vụ chiến dịch vận chuyển của bà.
Sau hai ngày dự bị, lệnh từ chính quyền vẫn chưa xuống. Bà vợ tin đồn ngẩn ngơ khi biết hàng ngàn người nhận được tin nhắn của ông em Chợ Rẫy nọ, không riêng chị Thắm. Bà bắt đầu bận rộn tra cứu tất cả tin bài liên quan đến “ông em Chợ Rẫy”, xem ổng thật hay giả.
Thành viên nhóm chat “gia đình mình” thấy bà tẽn tò đưa tin: “Vụ ông em Chợ Rẫy chắc là tin giả rồi, Bệnh viện Chợ Rẫy không có người nào làm ở cái bệnh viện dã chiến như trong tin nhắn”.
Khi đó, mọi người cũng đã trữ đầy đồ ăn cho 14 ngày ở ẩn. Lời đính chính không còn giá trị. Nhưng đó là đặc điểm của bà vợ tin đồn. Ở chỗ, bà rất tích cực đưa mọi thông tin về nhà, và cũng rất trách nhiệm, chịu khó nói lời phủ định khi nó trót… sai.
Chỉ khổ một nỗi, bà vợ tin đồn không có kháng thể sau mỗi lần bị lừa bởi tin giả. Còn nhớ thời ông chú Viettel còn rầm rộ, bà cũng đứng vào hàng ngũ nạn nhân trước nhất. Thời đó đang mốt “mình có ông chú làm ở Viettel bật mí…”.
Bí mật là một cú pháp nhắn tin để nhận tiền vào tài khoản điện thoại của khổ chủ. Bí mật đó hay đi kèm một điều kiện “tài khoản của bạn phải có sẵn 300.000 đồng”. Bà vợ tin đồn sốt sắng như một người được chọn, lập tức gửi bật mí kia đi khắp để chia sẻ may mắn. Nhưng chẳng mấy ai có sẵn 300.000 đồng trong tài khoản điện thoại.
Thêm nữa, một “bí mật” trên trời rớt xuống khiến ai nấy đều bán tín bán nghi. Riêng bà vợ tin đồn là thiện chí hơn cả. Bà yêu cầu chồng nạp thêm tiền vào điện thoại cho đủ 300.000 đồng.
Thả xong con săn sắt, bà tiến hành bắt con cá rô. Nhưng cú pháp tin nhắn gửi đi, tài khoản bà bị trừ sạch tiền. Cái dãy số bí mật đó té ra là cú pháp chuyển tiền sang một số điện thoại khác.
Tất nhiên sau đó bà vợ tin đồn không tin “ông chú Viettel” nữa. Bất cứ nơi đâu có dấu vết của trò lừa này, bà đều vào cảnh báo bà con, góp phần đẩy lùi nạn lừa đảo và tin giả. Thế nhưng, sự nhạy cảm nào đó lại khiến bà tiếp tục va vào những tin đồn, những bí mật và vô số bí kíp không chính thống khác.
Như một trò đùa của luật hấp dẫn, Facebook của bà hiện toàn những trang mạng chuyên đưa tin giả, nào những liệu pháp chữa ung thư giai đoạn cuối không dùng thuốc, nào chuyện cướp hiếp giết bí ẩn và ngoài vùng pháp luật, rồi mấy tin rùng rợn về ngày tận thế…
Bây giờ, khi tin đồn từ “ông em Chợ Rẫy” được xác định là giả, rau trong tủ lạnh đã bắt đầu hư hỏng, củ thì lên mầm.
|
Ảnh minh họa |
Các kênh phân phối thực phẩm trong thành phố đã đa dạng trở lại, giá cả cũng rẻ hơn nhiều so với những ngày chạy đua trước đó. Bà vợ tin đồn lại tất bật xử lý, chắt chiu từng chút thực phẩm mua vào thời còn đắt xắt ra miếng, để bảo quản tốt nhất.
Niềm an ủi duy nhất của bà lúc này, là xung quanh cũng đầy rẫy những nạn tương tự, cũng hóng tin nghe tin rồi… sấp ngửa đi lo liệu. “Ông em Chợ Rẫy” hạ màn thì lại vô số thông tin, hình ảnh khác lan truyền trên các kênh không chính thống về “bí mật tăm tối của dịch bệnh”.
Hình mẫu bà vợ tin đồn thường rơi xuống những người thiện chí và nhạy cảm với tin tức. Trong nhà, người đó thường là mẹ, vợ… vì bản tính chu toàn, hay lo xa và nhiều áp lực trong việc quản lý rủi ro của gia đình.
Các chị thường nói “lo thì không thừa”. Mùa này, mọi sự lo lắng đều dễ hiểu và đáng được cảm thông. Thế nhưng, chính các tin đồn khiến họ hoang mang, bận bịu và kiệt quệ hơn. Vậy, để bảo toàn năng lượng mà đi đường dài, chị em cần đặt một chiếc “barie” giữa “vùng nhu cầu” và “vùng quan tâm”.
Tin đồn sẽ xâm chiếm vùng quan tâm, khiến chị em tò mò rồi nảy sinh ý muốn ứng phó với những viễn cảnh vô căn cứ. Còn khi chú tâm vào “vùng nhu cầu”, chị em sẽ đủ tỉnh táo để xác định những nhu cầu tối giản nhất của bản thân và gia đình.
Việc đáp ứng nhu cầu thực tế luôn dễ và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, so với việc chạy theo những mối quan tâm không trọng tâm và không có điểm dừng trong thời đại này.
Nam Yên