Kháng thể ngừa COVID-19 có thể truyền cho con qua sữa mẹ

10/04/2021 - 07:00

PNO - Nhiều nghiên cứu cho thấy sữa của người mẹ đã chích vắc-xin ngừa COVID-19 cũng chứa kháng thể. Điều này khiến một số phụ nữ bắt đầu lại việc cho con bú và chia sẻ nguồn sữa với bạn bè.

Sữa mẹ được chứng minh là phương thức chia sẻ miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi mối nguy hiểm từ bên ngoài
Sữa mẹ được chứng minh là phương thức chia sẻ miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi mối nguy hiểm từ bên ngoài

Ngay sau khi trở về nhà từ cuộc hẹn tiêm mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên, chị Courtney Lynn Koltes vội đi tìm chiếc máy hút sữa cũ. Tuy đã bỏ việc cho con gái bú mẹ khoảng hai tháng trước vì điều trị bệnh, gần đây Courtney tình cờ đọc được rằng người mẹ đã tiêm phòng COVID-19 có thể truyền kháng thể cho con qua sữa.

Để sữa chảy trở lại là một quá trình không dễ dàng, nhưng vợ chồng nhà Koltes rất mong muốn được giới thiệu con gái 4 tháng tuổi với các thành viên khác trong gia đình, và để bé tiếp xúc với những đứa trẻ chưa đủ điều kiện tiêm chủng khác.

Ngược lại với điều Courtney tin tưởng, các diễn đàn chăm sóc trẻ và nuôi con bằng sữa mẹ trên internet lại xuất hiện bình luận bày tỏ lo lắng rằng sữa từ người mẹ mới tiêm phòng có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Vậy sữa từ một người mẹ đã tiêm phòng có khả năng ngăn chặn bệnh COVID-19 ở trẻ nhỏ hay không. Nếu sữa thật sự có tác dụng, các bà mẹ có nên lén bỏ sữa mẹ vào ngũ cốc của trẻ lớn hơn hoặc chia sẻ sữa thừa của họ với bạn bè có con nhỏ hay không?

Câu trả lời hiện tại là các bà mẹ mới được tiêm phòng có quyền cảm thấy như thể họ có một “siêu năng lực”. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các kháng thể được tạo ra sau khi tiêm chủng có thể truyền qua sữa mẹ.

Rebecca Powell - nhà miễn dịch học chuyên về sữa mẹ tại Trường Y Icahn, Mount Sinai ở Manhattan, New York - đã phân tích sữa của 6 phụ nữ tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech và 4 người khác nhận vắc-xin Moderna.

14 ngày sau khi các bà mẹ tiêm chủng liều thứ hai, Rebecca tìm thấy một số lượng đáng kể loại kháng thể đặc biệt, được gọi là IgG, trong tất cả các mẫu sữa mẹ. Nhiều nghiên cứu khác trên thế giới cũng có kết quả tương tự.

Yariv Wine - một nhà miễn dịch học ứng dụng tại Đại học Tel Aviv, Israel - viết trong email gửi đến tờ New York Times: “Sữa mẹ có khả năng ngăn chặn sự phát tán của virus và ngăn chặn khả năng virus lây nhiễm sang các tế bào vật chủ dẫn đến bệnh tật”.

Rebecca Powell (trái) và nhóm nghiên cứu của cô đã thu thập các mẫu sữa mẹ để phân tích
Rebecca Powell (trái) và nhóm nghiên cứu của cô đã thu thập các mẫu sữa mẹ để phân tích

Tuy nhiên, còn quá sớm để các bà mẹ đã tiêm phòng đang cho con bú có thể tự tin rằng con của họ được bảo vệ hoàn toàn khỏi COVID-19.

Theo các chuyên gia, lợi ích bảo vệ của sữa mẹ giống như một liều thuốc mà bạn phải uống hàng ngày hơn là một mũi tiêm có tác dụng kéo dài cả thập niên. Sự bảo vệ ngắn hạn này - được gọi là bảo vệ thụ động - có thể chỉ kéo dài vài giờ hoặc vài ngày kể từ lần bú sữa cuối cùng của em bé.

Trước khi được chấp thuận và triển khai, không có bất kỳ loại vắc-xin COVID-19 nào trên thế giới được thử nghiệm trên phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Dù vậy gần đây, cả Pfizer và Moderna đều đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin của họ trên trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi.

Linh La (theo NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI