Khẳng định vị thế

17/01/2023 - 06:43

PNO - Năm 2022, thế giới khá hỗn loạn. Trong đó, chiến tranh Nga - Ukraine là tâm điểm chú ý của cả thế giới.

4 đối tượng của cuộc chiến này là Nga, Mỹ, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đều là những quốc gia, khối có quan hệ với Việt Nam. Năm 2022, quan hệ Mỹ - Trung Quốc cũng xuống mức thấp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn thúc đẩy được quan hệ ngoại giao với nhiều điểm sáng. Chúng ta có quan hệ với 190 quốc gia, vùng lãnh thổ về mặt kinh tế, chính trị, duy trì tốt 2 mối quan hệ quan trọng bậc nhất là Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Mỹ. 

Chuyến công du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc đã tạo một dấu ấn đặc biệt và có ý nghĩa lâu dài, tạo điều kiện củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt - Trung, tạo môi trường hòa bình, ổn định để Việt Nam phát triển.

Cũng trong năm 2022, quan hệ Việt Nam - Mỹ được củng cố và phát triển. Việt Nam  tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị với Lào, Campuchia và các nước ASEAN. 

Ngay sau chuyến công du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, có thể thấy, việc hợp tác kinh tế xuyên biên giới đã có chuyển biến tích cực. Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề khác, nhưng chính chuyến đi đã tạo môi trường thuận lợi trong giao thương Việt Nam - Trung Quốc. 

Việc củng cố quan hệ ngoại giao với Mỹ cũng góp phần thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam. Với châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) cũng thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế với thị trường gần 600 triệu dân. 

Ngoại giao Việt Nam với các nước không chỉ củng cố an ninh quốc phòng về mặt chính trị mà còn trực tiếp phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, tạo điều kiện để các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. 

Đặc biệt, năm 2022, chúng ta được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc với tỉ lệ phiếu thuận rất cao. Đây là sự khẳng định của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề dân chủ nội bộ, tổ chức xã hội lành mạnh, tốt đẹp của Việt Nam.

Tháng 11/2022, hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ lần thứ mười đã quyết định nâng cấp quan hệ Mỹ - ASEAN thành đối tác chiến lược toàn diện. Đây là lần đầu tiên, Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN. Năm 2021, Trung Quốc - ASEAN cũng đã nâng quan hệ lên cấp này. 

Trong chiến lược an ninh quốc gia 2022 do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 12/10/2022, Mỹ xác định “Trung Quốc là đối thủ chính trong cạnh tranh chiến lược ở thập niên này và trong cả thế kỷ XXI”. 

Lần đầu tiên, văn bản quan trọng bậc nhất của Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất. Và ASEAN chính là một trong những địa bàn cạnh tranh. Chiến lược “Vành đai và con đường” của Trung Quốc cũng đi qua ASEAN. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cũng đi qua ASEAN. Vì thế, hơn bao giờ hết, ASEAN có một vị trí quan trọng, kết nối các trung tâm quyền lực trên thế giới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tranh thủ ASEAN, vừa tạo môi trường thuận lợi để ASEAN phát triển, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức.

Do đó, các nước ASEAN cần đoàn kết nội khối. Vai trò, vị thế của ASEAN chỉ thực sự nâng lên khi nội bộ đoàn kết, tạo ra nhận thức chung đối với những vấn đề chung của thế giới và khu vực. 

Việt Nam cũng như ASEAN cần tỉnh táo để đứng vững trên lập trường luật pháp quốc tế, yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện theo Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế để tạo ra chỗ đứng bền vững nhất. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương

(nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI