Hàng thiếu, giá tăng
3 ngày sau khi 200m2 tôn nhà xưởng chế biến gỗ bị bay nham nhở bởi cơn bão số 3, chị Trần Thương (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) vẫn chưa thể lợp lại do không mua được tôn. Chị đành phải mua bạt che tạm để bảo vệ tài sản, giá bạt 5.000 đồng/m2.
Chị Thương kể, không riêng nhà chị mà nhiều nhà ở TP Hải Phòng bị tốc mái, hư hại. Do mọi người đổ xô mua vật liệu để sửa chữa nhà nên các cửa hàng vật liệu xây dựng hoặc báo hết hàng, hoặc không thể vận chuyển do đường chưa thông. Ngoài vật liệu xây dựng hiếm và đắt, rau xanh cũng hiếm, giá tăng gấp đôi do bị mưa bão làm dập nát, khó vận chuyển. Hiện tại, rau muống có giá 20.000 đồng/kg, giá đậu xanh 40.000 đồng/kg.
|
Nhiều siêu thị lớn ở TP Hà Nội có đủ hàng hóa, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân - Ảnh: Mai Ca (chụp tại siêu thị Winmart Times City, quận Hai Bà Trưng) |
Chị Nguyễn Ngọc Hoàn (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) cho biết, đến 10g30 ngày 10/9, khu nhà chị vẫn chưa có lại điện, nước máy, mạng viễn thông. Chị phải cùng 2 con vào trung tâm thành phố thuê phòng khách sạn với giá 800.000 đồng/ngày để ở và làm việc tạm thời, chờ có lại điện, nước, sóng điện thoại mới mua vật liệu, sửa chữa nhà, dọn dẹp cây cối gãy đổ.
Qua những dòng tin nhắn (chat) gián đoạn do mạng viễn thông chưa phục hồi, chị Nguyễn Thanh Hà (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) kể, sau bão, giá cả mọi thứ đều tăng vọt, nhất là tiền công thợ sửa chữa nhà: “Thường ngày, tiền công sửa chữa mái nhà khoảng 400.000-500.000 đồng/người/ngày, nay tăng gấp 3 mà thợ còn hẹn 3-4 ngày sau do kín lịch. Cả gia đình phải sang nhà bà ngoại tá túc” - chị nói.
Ngày 10/9, nhiều khu vực của tỉnh Hưng Yên vẫn chưa có điện. Ông Nguyễn Văn Biển (thôn Chùa, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm) cho hay, 2 xưởng may của ông bị tốc mái tôn nhưng không mua được vật liệu để sửa chữa: “Các cửa hàng thông báo ít nhất 1 tuần nữa mới có thể vận chuyển tôn đến được nên tôi phải chi gần 3 triệu đồng để mua bạt che tạm, giá loại bạt thường 5.000 đồng/m², loại may sẵn 9.000 đồng/m²”.
Từ ngày 8/9, công ty tạm ngưng vận chuyển khăn giấy, giấy vệ sinh đi các tỉnh lân cận do giao thông trắc trở; việc cung cấp hàng trong tỉnh và khu vực Hà Nội cũng chậm hơn so với bình thường. Do mưa lớn kéo dài, công ty phải mua bạt che tạm phần mái tôn bị bão đánh bay, đồng thời mua cát đóng bao, đắp quanh nhà xưởng đề phòng lũ. Ông Nguyễn Trọng Đại - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đại Thành (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) |
Bà Vũ Thị Dung (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, giá nhiều mặt hàng - đặc biệt là rau xanh - đã tăng mạnh do các vùng trồng rau bị mưa bão tàn phá. Trước đây, giá rau muống 10.000 đồng/bó, nay tăng lên 40.000 đồng/bó; giá cải chíp tăng từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/bó; giá rau mồng tơi tăng 7.000-8.000 đồng/bó, lên 15.000 đồng/bó; giá rau dền tăng 6.000-7.000 đồng/bó, lên 17.000 đồng/bó; giá bắp cải tăng 5.000-6.000 đồng/kg, lên 20.000 đồng/kg; giá cà chua tăng 10.000 đồng/kg, lên 45.000 đồng/kg; giá hành lá, rau thì là tăng vọt lên 100.000 đồng/kg.
Khẩn trương chuyển hàng hóa, thực phẩm ra Bắc
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - cho hay, trước khi bão Yagi đổ bộ, các siêu thị Co.opmart ở phía Bắc đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường, tập trung vào các loại rau củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt…
Cơn bão đã gây mất điện, ngập lụt ở nhiều khu vực, ảnh hưởng đến việc vận chuyển và cung ứng hàng hóa. Ở các khu vực chưa có điện, Co.opmart dùng máy phát điện dự trữ để cung ứng hàng hóa bình thường. Co.opmart linh động bán thịt heo đông lạnh, gà đông lạnh nhập khẩu thay cho thịt “nóng”, tăng vận chuyển rau củ quả từ miền Trung và Tây Nguyên đến những điểm bán cần thiết.
WinEco là đơn vị có vùng nguyên liệu lớn với sản lượng trên 3.000 tấn rau củ thành phẩm/tháng, phân phối đến hơn 3.600 siêu thị, cửa hàng Winmart, Winmart+, Win trên toàn quốc. Ông Hà Long Thành - Giám đốc vận hành sản xuất WinEco - thông tin, ngay từ ngày 8/9, WinEco vận chuyển mỗi ngày gần 100 tấn rau củ thiết yếu từ miền Nam và Tây Nguyên ra miền Bắc, gồm mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu, bí, mướp đắng…
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, những ngày qua, Bộ Công Thương thường xuyên liên hệ và chỉ đạo các sở công thương, doanh nghiệp phân phối, cung cấp hàng hóa quy mô lớn, cập nhật diễn biến thị trường ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão, lũ - đặc biệt là các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và những nơi bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra - để tập trung hỗ trợ, cung ứng hàng hóa thiết yếu. Bộ đã gửi Công văn số 6813/BCT-TTTN đến sở công thương 35 tỉnh, thành phố để chỉ đạo việc này.
Ông nói: “Tính đến 9g sáng 9/9, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, riêng giá một số loại rau xanh tăng là do khó bảo quản. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn đã chủ động nhập hàng từ trước vào các kho, bể chứa, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu, gas cho việc sản xuất và sinh hoạt”.
Ngành điện dốc sức khắc phục hậu quả mưa bão Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), tính đến 6g ngày 10/9, EVNNPC đã khôi phục 114/173 đường dây 110kV, đạt tỉ lệ trên 65%; khôi phục 1.296/1.535 đường dây điện trung thế, đạt tỉ lệ 84,4%; khôi phục 70/89 trạm biến áp; cấp điện trở lại cho 90% trạm bơm và khoảng 4,3 triệu khách hàng, đạt tỉ lệ 74% tổng số khách hàng bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Các đơn vị trong tổng công ty đã cử các đội xung kích, các nhà thầu đến hỗ trợ các công ty điện lực của tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Tuy nhiên, từ đêm 9/9 đến sáng 10/9, mưa lớn đã gây ngập lụt thêm 7 khu vực, gây mất điện khoảng hơn 500.000 hộ dân ở các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng và Lào Cai. |
Xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý Ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký công điện yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, các cục quản lý thị trường tỉnh, thành phố tăng cường giám sát thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão. Công điện yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng sự biến động về cung cầu hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi để thu lợi bất chính; yêu cầu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước bám sát diễn biến của thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng vật tư phục vụ nhu cầu sửa chữa, phục hồi sau bão; yêu cầu thủ trưởng cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng khác kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng sự biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão Yagi gây ra để thu lợi bất chính. |
Mai Ca - Hà Duyên