Khẩn trương nhưng phải bền vững

23/11/2024 - 06:38

PNO - Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để TPHCM trở thành “thành phố điện ảnh”, nhưng không thể vì thấy thử thách mà từ bỏ hay ngại bắt đầu.

Hoạt động chiếu phim ngoài trời thu hút nhiều khán giả ở TPHCM - Ảnh do ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế TPHCM năm 2024 cung cấp
Hoạt động chiếu phim ngoài trời thu hút nhiều khán giả ở TPHCM - Ảnh do ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế TPHCM năm 2024 cung cấp

Với những thành tích mà điện ảnh TPHCM đạt được trong thời gian qua, theo tôi, mục tiêu trở thành “thành phố điện ảnh” là hoàn toàn có thể nghĩ đến.

Ngoài những bộ phim đạt doanh thu cao, TPHCM có một đội ngũ các nhà làm phim trẻ, sáng tạo. TPHCM có hệ thống rạp chiếu, phim trường, các bối cảnh đa dạng, trang thiết bị làm phim hiện đại và đặc biệt, công chúng cũng dành sự quan tâm, yêu thích điện ảnh... Từ những ưu điểm này, điện ảnh TPHCM còn có thể phát triển hơn nữa nếu biết cách tận dụng nguồn lực sẵn có cộng với những chính sách, sự đầu tư từ Nhà nước.

Có 2 điểm cần phải sớm hoàn thiện, trang bị, đó là kế hoạch và tài chính. Nếu không có một kế hoạch bài bản từ chính những người có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực điện ảnh và đơn vị quản lý nhà nước thì e rằng sẽ rất khó để hướng tới danh hiệu “thành phố điện ảnh”. Muốn làm được, cần hợp lực từ nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức để soạn thảo một chương trình hành động sát với thực tế nhưng cũng phù hợp với nguồn lực và quan trọng là phải bền vững.

Không thể cố đạt danh hiệu bằng mọi giá để rồi sau đó thấy nền móng chưa được vững chắc. Hiện UBND TPHCM đã đưa điện ảnh vào làm 1 trong 8 lĩnh vực mũi nhọn trong định hướng phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là cơ sở để thúc đẩy điện ảnh của thành phố phát triển hơn nữa với những chính sách kêu gọi đầu tư cả trong và ngoài nước.

Về ý thứ hai, nếu thiếu thành tố tài chính thì nỗ lực tới đâu cũng chưa đủ sức để tạo ra kỳ tích. Tôi thấy hiện tại, nguồn vốn đầu tư cho điện ảnh chưa mạnh, đa phần do các cá nhân chủ động đầu tư hoặc kêu gọi vốn làm phim. Nếu chúng ta có quỹ để chi cho các dự án tiềm năng thì rất có thể sẽ hái được những “quả ngọt”.

Đó là các tác phẩm được thực hiện để mang đến những cuộc thi, những sự kiện liên hoan nhằm lấy danh tiếng về cho điện ảnh của thành phố. Khi quốc tế biết đến điện ảnh Việt Nam nhiều hơn, họ sẽ chủ động tìm hiểu, đưa ra những lời mời hợp tác.

Ngoài ra, sự chuẩn bị tài chính cũng giúp thành phố trang bị về cơ sở vật chất, đầu tư nguồn lực con người. Chưa kể, nếu có tài chính, thành phố có thể tổ chức những sự kiện điện ảnh quy mô, chất lượng để từ đó quảng bá hình ảnh của địa phương, điện ảnh của thành phố và kêu gọi sự đầu tư, hợp tác từ những nhà làm phim quốc tế.

TPHCM có thể trở thành phim trường để các nước chọn làm bối cảnh quay thay vì sang một số nước Đông Nam Á khác. Nhưng để lời mời gọi hấp dẫn, cần có các chính sách thúc đẩy phù hợp.

Việc TPHCM nỗ lực để đạt danh hiệu “thành phố điện ảnh” là đáng hoan nghênh. Nếu thành công, điều này sẽ tạo động lực để các nhà làm phim nỗ lực hơn nữa trong việc nâng chất lượng, giúp điện ảnh TPHCM nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục khởi sắc.

Nhưng, hành trình để đạt được danh hiệu khó một thì việc giữ danh hiệu khó mười. Ở đây, tôi muốn nói đến tính đường dài, độ bền vững. Chỉ khi nào danh hiệu đạt được dựa trên nội lực và sự cố gắng không ngừng thì may ra, giá trị của danh hiệu mới duy trì được sức bền.

Nhưng thay vì dành quá nhiều thời gian bàn bạc, tôi nghĩ nên tập trung nhiều hơn vào quá trình thực hiện. Điện ảnh TPHCM đang khởi sắc và ở thời điểm có nhiều tín hiệu vui.

Tôi tin rằng, nếu có những lời kêu gọi phù hợp, các nhà làm phim, các đơn vị sẽ hưởng ứng thực hiện. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để TPHCM trở thành “thành phố điện ảnh”, nhưng không thể vì thấy thử thách mà từ bỏ hay ngại bắt đầu.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam

Diễm Mi (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI