Khẩn trương khôi phục sản xuất ở vùng bão, lũ

20/09/2024 - 06:24

PNO - Cơn bão số 3 (Yagi) kèm lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cây cối bị xô ngã, đánh gãy, ruộng vườn bị ngập úng khiến nông dân trắng tay. Thế nhưng, họ không buông xuôi mà bắt tay ngay vào việc sản xuất.

Vườn đào Phú Thượng, Nhật Tân xơ xác

Gần 1 tuần chìm trong biển nước, sau khi lũ rút, những cây đào ở làng hoa Nhật Tân, Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) chết đứng.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, gia đình bà Lê Thị Lụa (phường Phú Thượng) có 300 gốc đào. Hơn 2 tuần trước, bà còn mừng thầm, nhẩm tính sẽ thu lãi vụ tết sắp tới 200 triệu đồng. Bão vào, lũ lên, bà bất lực nhìn những cây đào chết khô sau nhiều tháng chăm bẵm. Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Thơm phải chặt các gốc đào vứt đi: “Khi nước lên, tôi ra xem vườn đào hơn 400 gốc giữa biển nước mà rơi nước mắt. Tài sản của gia đình tôi nằm đó cả mà giờ không còn gì”.

Làng đào tết Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) có tới 90% diện tích cây trồng bị thiệt hại sau bão, lũ - ẢNH: ANH NGỌC
Làng đào tết Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) có tới 90% diện tích cây trồng bị thiệt hại sau bão, lũ - Ảnh: Anh Ngọc

Đầu tư cả tỉ đồng vào vườn đào, chị Mai Thị Thu Hương (phường Phú Thượng) đỏ hoe mắt khi nhìn 1.000m2 vườn hoang tàn. Chị cho hay, đầu tháng Chín vừa qua, chị hoàn tất các giai đoạn chăm, bón, định trong tháng Mười sẽ khoanh gốc, tuốt lá, chờ bán đào tết, nhưng giờ đào úng nước mấy ngày, chết hoặc thoi thóp cả. 90% cây đào của làng hoa Phú Thượng đã chết khô. Còn ở làng đào Nhật Tân, dù nền đất cao hơn Phú Thượng, vẫn có 50% gốc đào hư hỏng.
Những ngày này, từ sáng sớm đến chiều tối, ông Trần Văn Duy - ở thôn 1, xã Quảng Châu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên - miệt mài trong vườn để cứu cây và thu dọn tàn tích do bão, lũ gây ra. Vườn ông có 3.500 gốc chuối, 2ha cam canh, khoảng 4ha bưởi, hơn 1ha lá dong và 1ha nhãn lồng. Tất cả đều bị ngập nặng. Vườn chuối của ông được đầu tư với chi phí cao, nhằm cung cấp sản phẩm loại 1 ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán, ước tính 3.500 buồng chuối sẽ thu về 700 triệu đồng. Tới nay, sau khi cứu cây, ông cho hay, cả vườn chỉ còn 40 cây có thể cho trái bán tết.

“Lũ lụt gây hại cho gia đình tôi khoảng 1,2 tỉ đồng. Phải mất 3-5 năm nữa, tụi tôi mới phục hồi được vườn bởi ngoài cây chuối ngắn ngày, hầu hết bưởi trong vườn này có tuổi đời 10 năm, có những cây nhãn hơn 20 năm” - ông Duy xót xa.

Dù bị thiệt hại nặng, ông Trần Văn Duy cũng như nhiều hộ nông dân ở xã Quảng Châu vẫn gắng sức khắc phục khó khăn, không để ruộng vườn, chuồng trại hoang phế. Ông nói: “Ngư dân sau khi gặp bão vẫn bám biển. Là nông dân, giá nào chúng tôi cũng phải bám lấy đất”.

Ông Duy đã lên kế hoạch sẽ trồng lại chuối, dặm lại những cây cam, bưởi bị hư hại. Những người trồng đào ở Phú Thượng, Nhật Tân cũng lo dọn dẹp cây chết, đảo đất để chuẩn bị ươm mầm cho vụ mùa mới. Nhưng, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm cây giống, hạt giống đạt chất lượng.

Bảo đảm đủ giống, giá không tăng

Theo Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cả nước có 312.000ha cây trồng bị ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão, trong đó có 51.000ha rau màu, 200.000ha lúa, 36.000ha hoa các loại và 61.000ha cây ăn quả, cây công nghiệp. Bộ NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo các sở rà soát, thống kê nhu cầu giống cây trồng để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Qua thống kê, cả nước cần khoảng 15.000 tấn hạt giống lúa (trong kho dự trữ quốc gia còn hơn 4.100 tấn, bằng với nhu cầu của các tỉnh phía Bắc), cần khoảng trên 100 tấn hạt giống rau nhưng trong kho dự trữ quốc gia chỉ còn 0,25 tấn, cần hơn 1.000 tấn hạt ngô nhưng trong kho dự trữ quốc gia còn hơn 257 tấn.

Lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ người dân  ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) thu hoạch lúa sau bão  - Ảnh do Huyện đoàn Sóc Sơn cung cấp
Lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ người dân ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) thu hoạch lúa sau bão - Ảnh do Huyện đoàn Sóc Sơn cung cấp

Lượng hạt giống trong kho dự trữ quốc gia không đủ so với nhu cầu, nhưng ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - cho hay, đã có rất nhiều doanh nghiệp cam kết hỗ trợ hạt giống, cây giống - đặc biệt là ngô và lúa - cho các vùng bị thiên tai. Tại hội nghị hỗ trợ phục hồi sản xuất, trồng trọt sau bão, lũ ở các tỉnh phía Bắc, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 18/9, Tập đoàn ThaiBinh Seed cam kết sẽ hỗ trợ 50 tấn giống cây trồng, trị giá khoảng 30 tỉ đồng; nhiều công ty phân bón, giống cây trồng khác cam kết hỗ trợ 2-3 tỉ đồng tiền phân, giống.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho hay, cục đã có văn bản gửi các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, đề nghị căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình mà hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Đặc biệt, cục đề nghị các đơn vị không tăng giá vật tư đầu vào, đặc biệt là giống cây.

Theo UBND quận Tây Hồ, đợt mưa lũ vừa qua đã làm ngập 105ha vườn của 2 phường Nhật Tân và Phú Thượng, thiệt hại khoảng 85,26 tỉ đồng, trong đó phường Nhật Tân bị ngập 80ha, phường Phú Thượng bị ngập 25ha.

Sau khi mực nước sông Hồng hạ xuống, UBND quận Tây Hồ đã cử người đến từng nông hộ để rà soát diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, thông báo mỗi hộ trồng đào được vay vốn với mức 100 triệu đồng không lãi suất trong 3 năm. Sau bão, Thành ủy TP Hải Phòng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tăng vốn ủy thác để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, đồng thời xem xét các biện pháp khoanh nợ, gia hạn nợ cho những người bị thiệt hại nặng. UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm, thủy sản và danh sách được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP (về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh); chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, ưu tiên cho các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ trồng rừng vay vốn.

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và cam kết không tăng giá tại hội nghị Hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão, lũ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18/9 - ẢNH: MINH QUANG
Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và cam kết không tăng giá tại hội nghị Hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão, lũ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18/9 - Ảnh: Minh Quang

Tập trung sản xuất, bảo đảm nguồn hàng tết

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, các loài cây ăn trái có múi (bưởi, cam) và chuối bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt lũ vừa qua. Đây cũng là những sản phẩm rất cần cho thị trường dịp tết Nguyên đán. Do cây ăn trái cần thời gian dài để cho trái, không thể trồng mới để cho thu hoạch trong dịp tết tới nên ông đề nghị các địa phương gặp ít thiệt hại hơn tập trung đầu tư, chăm sóc cây để nâng sản lượng nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, bộ đang nỗ lực triển khai ngay các giải pháp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây ăn trái… để đảm bảo nguồn cung dịp cuối năm. Trong tuần tới, bộ sẽ tổ chức hội nghị về sản xuất cây vụ đông ở các tỉnh phía Bắc. Với diện tích sản xuất vụ đông khoảng 400.000ha, việc sản xuất tốt sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm trong nước dịp tết Nguyên đán.

Sớm phục hồi ngành nuôi trồng thủy sản

Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, ngành nuôi trồng thủy sản ở TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 xây dựng, sửa chữa công trình trước, hoàn thiện thủ tục sau. Ngoài ra, các đơn vị bảo hiểm cần hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp có dòng tiền phục hồi sản xuất. Hiệp hội cũng đề nghị ngân hàng xem xét chuyển khoản vay ngắn hạn thành trung hạn để kéo giãn áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - cho biết, ngày 21/9, bộ sẽ tổ chức hội nghị khôi phục sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, qua đó vận động các tổ chức, các địa phương hỗ trợ các địa phương bị thiên tai sớm phục hồi việc sản xuất, giữ sản lượng ổn định như trước khi bị thiên tai.

TPHCM: Cứu trợ chú trọng tái thiết cuộc sống

Sáng 19/9, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - đã có buổi làm việc với các đoàn thể chính trị và cơ quan báo chí liên quan đến công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Ông cho biết rất ủng hộ các cơ quan, đơn vị đặt trọng tâm hướng hoạt động cứu trợ đến trường học, trẻ em, hỗ trợ điều kiện sinh sống, khắc phục sau bão cho người dân.

Việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm về nội dung, đối tượng thụ hưởng, sản phẩm thụ hưởng theo hướng phát triển cộng đồng, giúp người dân chủ động được điều kiện sinh sống tốt và lâu dài.

Công tác truyền thông, vận động nhân dân đóng góp phải sát, hợp với điều kiện và nhu cầu thực sự của người dân bị tổn thương, thiệt hại ở những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ về phương tiện, điều kiện làm nhiệm vụ, cũng như động viên, biểu dương kịp thời các lực lượng tham gia trực tiếp giúp dân, trong đó có lực lượng vũ trang, lực lượng tại chỗ, điều phối viên, tình nguyện viên…

Diễm Trang

Minh Quang - Anh Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI