Khẩn trương giải ngân hơn 14.000 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

05/04/2022 - 13:31

PNO - Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ, triển khai tổ chức thực hiện, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao...

Đó là một trong các nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội thảo "Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long" diễn ra ở tỉnh Sóc Trăng, ngày 5/4. 

Phó thủ tướng trao kinh phí hỗ trợ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số cho đại diện các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Phó thủ tướng trao kinh phí hỗ trợ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số cho đại diện các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Dự kiến, trong năm 2022 sẽ giao kế hoạch vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 14,4 nghìn tỷ đồng (gồm 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp) và chỉ còn hơn 8 tháng, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ... triển khai tổ chức thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao, đặc biệt lưu tâm tới các giải pháp lồng ghép về nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, đề án khác để thực hiện nội dung có cùng mục tiêu trên cùng một địa bàn bảo đảm tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực...

Một nông dân đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng xót xa bên ruộng lúa bị ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn năm 2020
Một nông dân đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng xót xa bên ruộng lúa bị ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn năm 2020

Được biết, đây là lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao và bố trí nguồn lực hơn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó, năm 2022 là 14.400 tỷ đồng).

Mục tiêu chương trình nhằm "thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn". Chương trình có 10 Dự án thành phần, 14 Tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025. Qua đó, góp phần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn có đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của nhân dân cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI