Khàn tiếng kéo dài có phải ung thư thanh quản?

10/10/2022 - 06:29

PNO - Khàn tiếng do nhiều nguyên nhân. Khàn tiếng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư thanh quản, nhưng tỷ lệ ung thư thanh quản ở nữ ít hơn nam giới.

* Tôi 43 tuổi, bị khàn tiếng đã hai tháng, giọng giống như bị cảm. Tôi không bị ho, không đau họng và không kèm bất cứ triệu chứng gì khác.  Về sinh hoạt, tôi thường thức đến 1g sáng và đi tắm muộn, khoảng 23g. Ngoài ra, tôi bị nhiễm COVID-19 vào tháng 12/2021. Lúc đó, tôi bị khàn tiếng và mất mùi, sau một tháng thì hết. Hiện, tôi có bị bệnh lý nhân giáp đã 5 năm nay. Liệu việc bị khàn tiếng của tôi có liên quan đến sinh hoạt, hoặc hai bệnh lý trên? Ngoài ra, tôi tìm hiểu thông tin thấy khàn tiếng kéo dài có liên quan đến ung thư thanh quản. Vậy tôi có nên đi tầm soát ung thư thanh quản không?

Ngọc Trang (phường An Lạc, quận Bình Tân)

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Lộc, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhân dân Gia Định: Khàn tiếng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó hậu COVID-19 có thể xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, khàn tiếng hậu COVID-19 thường không kéo dài vài tháng. Khàn tiếng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư thanh quản, nhưng tỷ lệ ung thư thanh quản ở nữ rất ít (nam giới bị nhiều hơn vì hút thuốc lá). 

Trường hợp khàn tiếng của bạn, không loại trừ nguyên nhân bệnh lý nhân giáp. Vì nhân giáp to có thể chèn ép thần kinh quặt ngược thanh quản cũng gây khàn tiếng. Bạn đã bị khàn tiếng hơn hai tháng, cũng khá dài.

Vì vậy, bạn nên đi khám và nội soi tai mũi họng và làm một số xét nghiệm chức năng tuyến giáp để phát hiện sớm bệnh lý bất thường.

Về bệnh nhân giáp, bạn nên theo dõi định kỳ (6-8 tháng/lần). Bác sĩ sẽ cho bạn siêu âm, xét nghiệm máu, nếu cần thiết chọc hút qua siêu âm để chẩn đoán chính xác tình trạng của nhân giáp. 

Còn việc thức khuya, tắm muộn thì không nên. Vì tắm khuya, sau 23g, lúc này thời tiết chuyển lạnh, có thể gây cảm lạnh. Để giữ sức khỏe, bạn không nên tắm khuya và phải ngủ đủ giấc, phải hơn 6 giờ/đêm.

Thùy Dương (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI