Khăn lụa Việt Nam 90% là hàng Trung Quốc

25/10/2017 - 07:38

PNO - Khăn lụa đang tràn ngập thị trường. Lụa Việt Nam cũng được nhiều du khách biết tới, nhưng vì sao “90% người tiêu dùng” lại đang bị mua nhầm khăn lụa không rõ xuất xứ?

Giá “khăn lụa tơ tằm” đang được rao bán 120.000 -1.430.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, một chiếc khăn tơ tằm thật của Việt Nam thường có giá bán từ 400.000 đồng tùy kích cỡ, kiểu dáng và luôn có đặc trưng  là rất mềm, nhẹ, mỏng, khi chạm vào có cảm giác mát nhưng không lạnh, sợi tơ tằm bóng, bắt sáng rất tốt. 

Mới đây, một khách hàng tên Đ.N.Q. công bố đoạn clip quay 60 chiếc khăn lụa của thương hiệu KhaiSilk. Trong đó có một sản phẩm gắn mác “KhaiSilk Made in Viet Nam”, nhưng bên cạnh lại có thêm mác “Made in China” và 59 chiếc còn lại có dấu hiệu bị cắt bỏ mác “Made in China”, và có thêm mác “KhaiSilk Made in Viet Nam”.

Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ, dấy lên một làn sóng hoài nghi của người tiêu dùng về xuất xứ của lụa tơ tằm trên thị trường hiện nay.   

Khan lua Viet Nam 90% la hang Trung Quoc
90% người tiêu dùng đang xài lụa tơ tằm Trung Quốc.

Nhập nhèm xuất xứ khăn lụa

Khảo sát tại TP.HCM, khăn lụa tơ tằm đang được bày bán ở nhiều quầy sạp, cửa hàng. Đặc biệt, nhiều du khách nước ngoài rất chuộng sản phẩm này vì tơ tằm 100% thiên nhiên, được sản xuất thủ công tại các làng nghề truyền thống. 

Dọc theo đường Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) có rất nhiều cửa hàng được cho là bán lụa cao cấp. Tại cửa hàng L.Shilk (đường Lý Tự Trọng), khăn và quần áo bằng lụa được bài trí… theo nghệ thuật sắp đặt sang trọng và bắt mắt.

Có khăn căng ra như một bức tranh độc đáo với hình ảnh cánh đồng sen, chim cò, đồi núi, phố cổ Hội An, sinh hoạt của người dân TP.HCM… Có khăn trơn được xếp thành chồng, xen lẫn các màu, để đều tăm tắp trên kệ. Kích cỡ sản phẩm cũng đa dạng: cỡ lớn (80cm- 220cm) hay cỡ  nhỏ (70cmx70cm).

Ba cô nhân viên phục vụ tại đây đang rối rít tiếp 5-6 khách nước ngoài. Bằng tiếng Anh, các nhân viên này giới thiệu, đây là sản phẩm dệt thủ công, nhuộm màu tự nhiên, vẽ tay, chất liệu 100% tơ tằm từ làng Vạn Phúc, Hà Đông.

Trong khi đó, thấy chúng tôi có hiểu biết về lụa, nhân viên lại cung cấp thông tin khác hẳn, rằng chất liệu 100% tơ tằm thiên nhiên song sản phẩm được dệt bằng máy dệt kiếm, họa tiết được in công nghiệp mới đảm bảo độ sắc nét. 

Đa dạng giá cả hơn, tại chợ Bến Thành có hàng chục gian hàng treo bán khăn lụa tơ tằm. Để thuyết phục khách tin đây là lụa thủ công Việt Nam 100%, chị H. - một người bán hàng - cầm chiếc khăn trên tay và sẵn sàng rút một sợi chỉ cho khách đốt thử.

Đem sản phẩm được mua từ chỗ chị H., chúng tôi nhờ một chuyên gia trong ngành sản xuất lụa tư vấn, vị này khẳng định: khăn Trung Quốc. Cách thử này là đúng, vì nếu sợi chỉ bị đốt có mùi khét như tóc và tan thành bụi than thì đây là lụa thật, còn nếu hàng giả sẽ vón cục và không có mùi.

Song, chị tiểu thương đó có thể đã cầm trên tay chiếc khăn thật để rút chỉ đốt chứng minh với du khách, nhưng sản phẩm bán cho khách là lụa Trung Quốc. 

Lụa tơ tằm Việt Nam giá cao  đang gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh của tơ tằm giả, tơ tằm pha và tơ tằm Trung Quốc giá rẻ vì nước này có công nghệ dệt tiên tiến, giá thành rẻ hơn, nguyên liệu thường là tơ tằm pha. 

Muốn mua khăn lụa có giá rẻ hơn, chúng tôi ghé cửa hàng Thế Giới Khăn Choàng Cổ (đường Sư Vạn Hạnh, Q.10). Các sản phẩm đều gắn mác có chữ “100% silk - 100% tơ tằm, made in Vietnam”.

Lấy một chiếc khăn có kích thước 40cmx100cm, bà chủ cửa hàng nói: lụa tơ tằm Vạn Phúc chỉ có kích thước nhỏ cỡ này, nếu rộng và dài hơn thì đều là của Trung Quốc. Tuy nhiên, khăn lụa tơ tằm này lại có giá rất rẻ, chỉ 120.000 đồng/sản phẩm. 

Lụa Việt Nam đang lụi tàn?

Theo một chuyên gia về lụa tơ tằm, trên thị trường đang có loại tơ tằm “hàng dựng”, tức doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng Trung Quốc hoặc một số nước khác dệt theo đúng mẫu mã, họa tiết mẫu. Chất liệu sử dụng thường là cotton pha lụa nên nhìn sản phẩm “dựng” sẽ đẹp không thua lụa tơ tằm thật, chỉ có những chuyên gia trong nghề mới phát hiện, trong khi giá thành được giảm tới 2/3. 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, đánh giá: nghề sản xuất lụa tơ tằm ở Việt Nam đang dần mất đi, chỉ một số rất ít các hộ còn bám trụ với nghề ươm tơ, dệt lụa. Người dân không dễ mua được lụa Hà Đông chính gốc, nhất là mua với giá rẻ, vì hầu hết các sản phẩm này được liệt vào hàng thủ công cao cấp và được xuất khẩu với giá thành cao.

Lụa tơ tằm Việt Nam giá cao cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh của tơ tằm giả, tơ tằm pha và tơ tằm Trung Quốc giá rẻ vì nước này có công nghệ dệt tiên tiến, giá thành rẻ hơn, nguyên liệu thường là tơ tằm pha. 

Ông Phạm Phú Bình, Giám đốc Công ty tơ tằm Phú Cường (xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cũng cho biết: doanh nghiệp Trung Quốc mở xưởng dệt ở Việt Nam rồi thu mua nguyên liệu tơ với giá cao khiến nguyên liệu này đều rơi hết vào doanh nghiệp Trung Quốc. Họ cũng  đang thanh lý máy dệt cũ từ Trung Quốc đưa sang cho nhiều hộ dân, doanh nghiệp Việt Nam với giá gần như cho không nên nhiều xưởng mới mở ra.

Vùng trồng dâu, nuôi tằm lại không được mở rộng nên nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Tình hình này, khoảng 5-10 năm nữa, nước ta sẽ không có nguyên liệu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp dệt lụa Việt Nam đã chịu lỗ suốt 2-3 năm qua, nếu không cầm cự được, sắp tới buộc phải đóng cửa.

Lúc đó, nếu Trung Quốc hạ giá thu mua nguyên liệu, người nông dân sẽ chịu thiệt vì không có đầu ra. Còn doanh nghiệp Việt muốn gầy dựng lại nhà máy dệt thì phải đầu tư lại từ đầu.

“Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cần thúc đẩy phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa; kết hợp du lịch, lễ hội tại làng nghề để du khách tham quan quá trình sản xuất. Có như vậy, thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam mới có cơ hội phục hồi” - ông Phạm Phú Bình đề xuất. 

Để phân biệt dệt tay và dệt máy, nhà thiết kế Linh Trần, có kinh nghiệm khoảng 10 năm trong ngành thiết kế khăn và sản phẩm may mặc từ thiên nhiên cho biết: lụa tơ tằm dệt bằng thoi có giá trị độc đáo, còn dệt bằng máy kiếm có chất lượng tốt.

Sản phẩm nếu dệt thoi thường có hoa văn truyền thống đơn giản như trúc, hoa mai, hoa cúc, tròn, vuông hoặc trơn một màu… nhuộm màu tự nhiên và hoa văn vẽ tay nên phải đầu tư chi phí rất lớn.

Tuy vậy, sản phẩm thường nhàu, dễ bị xô dạt chỉ nếu co kéo mạnh. Nếu được dệt bằng máy kiếm, khăn lụa tơ tằm không nhàu, không phai, mịn, óng và đa dạng kích thước.

Nguyên liệu tơ dùng cho máy dệt kiếm đòi hỏi thường là loại tốt mới phù hợp yêu cầu của khâu xe sợi tơ.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI