Khăn gói quả mướp

09/10/2020 - 11:00

PNO - Trong giáo dục, có một thứ văn hóa ứng xử rất khó gọi thành tên, nhưng cực kỳ quan trọng, ấy là đảm bảo sự công bằng tối thiểu cho mọi đối tượng.

Cứ xong mỗi mùa thi cử, hàng ngàn sĩ tử đỗ đạt lại khăn gói quả mướp lên đường đến thành phố nhập học. Dẫu đời sống đã đổi thay và hiện đại hơn rất nhiều, thì gần như 100% các bậc cha mẹ đều cố gắng chuẩn bị cho con đầy đủ nhất có thể, từ quần áo, gói mì, chai nước cho đến ít tiền giắt lưng để sống tạm nơi thành thị đắt đỏ. Trong khoảnh khắc lần đầu xa nhà, không ít sĩ tử sẽ đầm đìa nước mắt. Và đoạn đường rất có thể chỉ một mình ấy, từ con kinh nhỏ trước nhà đến bến xe nườm nượp người xa lạ, sẽ mãi lưu dấu trong ký ức tuổi trẻ vô tư. 

Văn hóa khoa cử của người Việt được định hình một phần bởi những tần tảo, chắt chiu của ruộng đồng. Những huyền thoại về hiền tài xuất thân nghèo khó đầy ắp trong lịch sử đến mức nhiều quan chức ngành giáo dục hôm nay còn tự xếp mình vào đó. Ngày mò cua bắt ốc, đêm chong đèn đom đóm đọc sách là mẫu số phổ biến, thiêng hóa các nỗ lực và ý chí học hành từ đời này qua đời khác. 

Đưa con vào đại học, cha mẹ nào cũng ngổn ngang nỗi lo (ảnh minh họa)
Đưa con vào đại học, cha mẹ nào cũng ngổn ngang những nỗi lo (ảnh minh họa)

Có thể hơi quá lời nhưng sự thật là, xưa cũng như nay, chuyện hiếu học gây ấn tượng nhất thường xuất phát từ gia cảnh khó khăn, túng thiếu. Truyền thông, báo chí không năm nào là không kể vài câu chuyện sâu sắc về các thủ khoa chân lấm tay bùn, tự học tự ôn mà điểm thi chót vót.

Dĩ nhiên, các bạn trẻ thuộc “hội con nhà giàu” vẫn có thành tích đáng nể, nhưng thường không được xã hội “cộng điểm” ngưỡng mộ. Tâm lý chuộng người bần hàn thành tài ấy, có lẽ không chỉ nảy sinh từ bối cảnh văn hóa nông nghiệp, mà chắc chắn, còn đôi phần gốc gác từ đạo đức nhà Nho đề cao thanh sạch, chăm lo sách vở hơn là phú thương buôn bán. Kể cũng chí lý, nhưng chị em chúng tôi vẫn mang máng nhớ rằng, hình như thành tựu giáo dục và văn hóa nhân loại luôn có sự thúc đẩy của rất nhiều thân danh giàu nứt đố đổ vách, của tầng lớp quý tộc được ăn học đến nơi đến chốn. 

Chủ ý nhấn mạnh vào hoàn cảnh sĩ tử để nhận được sự đồng cảm từ cộng đồng là điều nên làm. Nhưng cũng như một thứ áp lực vô hình, không ai muốn trở thành tâm điểm quá lâu của tình thương lẫn lòng ái ngại. Người Việt dễ bề động viên, an ủi lẫn nhau, nhưng lại nhạy cảm quá mức trước lời lẽ bình phẩm gây tổn thương. Không ít sĩ tử đành buông giấc mơ đại học chỉ vì khó xoay xở học phí và cũng có thể vì khó vượt qua ràng buộc phải trả nghĩa cho cuộc đời tốt đẹp.

Trong giáo dục, có một thứ văn hóa ứng xử rất khó gọi thành tên, nhưng cực kỳ quan trọng, ấy là đảm bảo sự công bằng tối thiểu cho mọi đối tượng. Mà chính ra, giảng đường đại học phải là nơi bắt đầu rõ ràng nhất các ý niệm công bằng, thay vì phải chiều theo dư luận xã hội cho cái gọi là đặc cách, ưu tiên và nâng đỡ.

Con em lên phố bắt đầu sự học hành luôn làm cha mẹ thấp thỏm lo lắng mọi bề. Mong ước lớn lao nhất đôi khi lại không nằm ở tấm bằng xuất sắc mà ở năng lực giữ được tâm tính, đạo đức hiếu thuận thiện lương. Văn hào Nga vĩ đại Dostoyevsky đã từng cảnh tỉnh tất cả các sinh viên nông thôn rằng, có thể trở thành một sát nhân bất cứ lúc nào nếu dễ phẫn uất trước tình trạng bất công, phi nghĩa của xã hội.

Anh chàng Raskolnikov trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt sâu sắc ấy, thật ra, khá tương đồng với nhiều sinh viên tuổi đôi mươi ở các đô thị Việt Nam hiện nay, đặc biệt khi họ luôn bị bủa vây bởi đủ loại hiệu cầm đồ mọc san sát như nấm sau mưa.

Do đó, cùng niềm hân hoan chào đón hiền tài, thì cha nghèo mẹ khó ở thôn quê luôn trông cậy trường học phải là một chốn an toàn. Nếu không, rất có thể sau bốn năm đại học, họ lại khăn gói quả mướp về quê với bao muộn phiền, đau khổ. Mẹ cha vẫn đứng mòn chân bên thửa ruộng ngày càng khô hạn. Nhưng nước mắt đã không còn mặn mòi, mà đắng chát nuốt lặn vào trong.

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI