edf40wrjww2tblPage:Content
Hướng vở diễn dựa theo yếu tố tâm linh hoặc những vấn đề về liên quan đến tâm lý, tâm thần của nhân vật thay cho những vụ án hình sự đang là cách làm của một số vở diễn gần đây.
Thoát khỏi vòng lẩn quẩn của tội ác và sự trả thù, Đôi mắt âm dương (TG, ĐD Bùi Quốc Bảo), Đình cõi âm (TG Lâm Viên - Lê Quốc Nam, ĐD Lê Quốc Nam), Người vợ ma 3 (TG Minh Hoàng, ĐD NSND Hồng Vân) dù mạch kịch vẫn có cái chết bí ẩn của một nhân vật, nhưng những diễn biến tiếp theo lại chỉ là ám ảnh về những câu chuyện được thêu dệt hay sự liên tưởng đến những lời đồn đại trong dân gian về cõi âm dương…
Đình cõi âm - vở diễn mùa kịch tết 2014 vẫn tiếp tục thu hút khán giả ở SK Hồng Vân
Nỗi sợ hãi của khán giả vì thế không còn là sự sợ hãi về những hình ảnh chết chóc, giết người mà là ám ảnh mơ hồ về những hiện tượng không thể giải thích, để cuối cùng tất cả được lý giải ma quỷ thực chất chỉ là suy nghĩ xấu xa, hẹp hòi, ích kỷ trong mỗi con người.
Một số vở diễn đã đặt được những vấn đề xã hội, gia đình khiến người xem phải trăn trở, suy nghĩ. Vở diễn Tử hình (TG Đăng Minh, ĐD NSND Trần Ngọc Giàu) đề cập vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm: những vụ án oan sai. Cái chết của một cô gái trẻ chỉ là cái cớ để dẫn dắt câu chuyện theo hướng tâm linh. Người bị oan đã gõ mọi cánh cửa trong vô vọng, hy vọng cuối cùng, ông cố bám víu là cầu xin linh hồn cô gái đã chết hãy minh oan cho mình. Thủ phạm cũng sống trong ám ảnh không nguôi với những giấc mơ về người đã bị mình giết hại, dù chỉ là hành động ngoài ý muốn.
Giếng oan hồn (TG,ĐD Bùi Quốc Bảo) cũng mang nhiều dáng dấp của một vở chính kịch trước thực trạng con người đối xử với nhau ngày một vô cảm, lạnh lùng và cay nghiệt hơn. Chính sự vô cảm đó là nguyên nhân đẩy những số phận bất hạnh vào đường cùng, không lối thoát. Thoát xác (TG,ĐD Xuân Trang) lại là bi kịch của đời sống hôn nhân. Mỗi con người đang trở nên cô độc hơn trong chính thế giới của mình. Khi thế giới tinh thần của con người cứ mãi lạc lối trong bóng đêm của sự cô độc, không chỉ chính họ không thể tìm được lối thoát mà họ còn đẩy cả những người thân vào bế tắc.
Là phần ba của vở kịch ma ăn khách Người vợ ma, nhưng Ảnh ảo không còn yều tố bạo lực và sự chết chóc
Thực tế chứng minh, những vở kịch kinh dị, kịch ma nhưng lại không khai thác theo hướng các vụ án hình sự và tội ác thường khó có thể thỏa mãn nhu cầu của khán giả thích cảm giác mạnh. Hơn nữa, làm kịch ma theo xu hướng này cũng là cách các tác giả đạo diễn tự làm khó mình. Nếu không có một mạch kịch chắc và khả năng đạo diễn “cứng” nghề, vở diễn dễ bị sa đà theo kiểu chút hài, chút ma mà thiếu tính nhất quán trong phong cách kịch.
Thêm nữa, trên chất liệu chính của một kịch bản thiên nhiều về tâm lý hoặc các vấn đề xã hội, nếu các mối nối không sắc sảo, những lớp diễn có ma xuất hiện trở nên rất “công thức”. Người xem khi đó không giật mình vì tình huống kịch mà thót tim vì âm thanh, âm nhạc bất ngờ được mở hết âm lượng.
Có trường hợp, sự lắp ghép vụng đến nỗi âm nhạc chát chúa bất ngờ được xếp chồng lên âm thanh nhẹ nhàng của nhạc nền diễn tả tâm trạng của nhân vật khi bóng trắng xuất hiện. Bóng trắng biến mất, nhạc nền lại trở về “vị trí” ban đầu! Một vở diễn khác, khi khán giả đăng căng mình chờ đợi diễn tiến tiếp theo của mạch kịch khi nhân vật đuổi theo bong trắng mất dạng, thì bỗng dưng được thưởng thức một lớp diễn hài không ăn nhập gì với tình huống kịch…
Nhìn ở góc độ nào, việc “làm mới” kịch kinh dị vẫn là nỗ lực rất đáng được ghi nhận của ê kíp tác giả, đạo diễn và bầu SK, nhất là trong điều kiện làm SK ngày một khó như hiện nay. Cơm áo, gạo tiền cho vài chục diễn viên, nhân viên đang là gánh nặng khiến các ông bà bầu đau đầu.
Vẫn thuộc đề tài kịch ma nhưng Giếng oan hồn không có những cái chết bí ẩn và khiến người xem suy nghĩ về cách con người đối xử với nhau
Nhưng thay vì chạy theo thị hiếu đơn thuần của khán giả, một số người làm nghề đã tỉnh táo, dừng lại kịp thời và tìm hướng thay đổi, dù biết con đường mà họ chọn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hù cho khán giả giật mình dễ hơn nhiều so với tìm cách gửi gắm thông điệp và chạm vào cảm xúc của người xem.
Bà bầu Hồng Vân, người khởi xướng dòng kịch kinh dị và cũng là người đầu tiên chuyển hướng khai thác nội dung các vở diễn kinh dị cho biết: “Không làm kịch ma thì không có khán giả, nhưng làm kịch ma lại dễ rơi vào cảnh bạo lực. Không thể vướng hoài vào cái vòng lẩn quẩn, tôi nghĩ mình phải chủ động vượt lên chính mình. Với mong muốn “dùng ma, giết ma”, chúng tôi chú trọng hơn đến việc xây dựng tình tiết câu chuyện, sự trăn trở, khắc khoải trong nội tâm nhân vật, yếu tố ma quỷ chỉ được thêm thắt để đáp ứng nhu cầu của người xem chứ không khai thác như tuyến chính của vở. Với cách làm này chúng tôi kỳ vọng có thể “kéo” khán giả gần hơn với chính kịch”.
Con số thống kê ở hai SK của bà bầu Hồng Vân cho thấy, nếu có những khán giả đi xem các vở diễn kinh dị, kịch ma có yếu tố bạo lực đến 5 - 6 lần thì giờ đây họ chỉ xem kịch ma không bạo lực tối đa đến lần thứ 2. Nhưng “kiên định” với hướng đi đã chọn, thời gian gần đây cách làm mới này ít nhiều cũng đã có những thành công. Một số vở diễn kinh dị dù không có bạo lực, không có những cái chết liên tiếp nhưng vẫn thu hút khán giả với những đánh giá khá tốt từ dư luận như Đình cõi âm, Thoát xác, Mắt âm dương…
Liệu có lạc quan quá sớm khi Giếng oan hồn - vở diễn kinh dị không bạo lực mới nhất của TG,ĐD Bùi Quốc Bảo trên SK Thế Giới Trẻ luôn có khoảng 50% ghế được khán giả đặt mua trước xuất diễn?
THẢO VÂN