Khán giả “rối não” với tên ca sĩ, tựa bài hát Việt

07/12/2023 - 07:12

PNO - Nhiều ca sĩ ra sản phẩm với tên gọi khó hiểu, đánh đố khán giả. Trong khi đó, vô số nghệ danh khiến công chúng đặt câu hỏi liệu đó có phải ca sĩ Việt Nam?

Sau 10 năm vắng bóng, Á quân Giọng hát Việt nhí 2013 Trần Ngọc Duy trở lại hoạt động chuyên nghiệp. Anh ra mắt EP LO2E DOC gây không ít thắc mắc cho khán giả. Trong EP này có ca khúc mang tên Ngày thứ CCC mất em. Ca sĩ giải thích C là số 100 trong chữ số La Mã. Đồng thời, Ngọc Duy cũng đổi nghệ danh thành DUYBI.

Ca sĩ Việt, ra sản phẩm Việt nhưng phải giải thích thì khán giả mới có thể hiểu. Và ngay cả khi ca sĩ đã giải thích, khán giả vẫn bị “rối não” vì những cái tên, tựa nhạc quá kỳ lạ. Chẳng hạn Erik phát hành EP <3RIK. Chữ E hay còn được ghi theo kiểu ngôn ngữ tuổi teen là số 3, thêm dấu < phía trước để tạo ra hình trái tim (theo kiểu gõ biểu tượng trên Facebook). Có thể hiểu là yêu Rik hoặc đơn giản là Erik. Thay vì Nuông chiều, anh và cộng sự đặt tên bài hát là Nuông chìll, cũng xuất phát từ ngôn ngữ tuổi teen.

Ca sĩ Erik đặt tên EP ra mắt hồi tháng 7/2023 là <3RIK
Ca sĩ Erik đặt tên EP ra mắt hồi tháng 7/2023 là <3RIK

Ca sĩ, nhà sản xuất (NSX) W/n (Nguyễn Quý Cao Nguyên, sinh năm 1998) có một loạt ca khúc mà khi đọc tên thật khó có thể hiểu được đang nói về vấn đề gì: id T41104, id 072019… Hay gần đây, Lou Hoàng cũng cho ra mắt EMOI EMOI, khiến khán giả thắc mắc có phải là “em ơi em ơi” hay mang một ý nghĩa nào khác. Số bài hát có chèn vài chữ, vài câu tiếng Anh ở giữa thì không thể đếm xuể.

Nghệ danh Tây hóa, không thuần Việt ngày càng phổ biến trong giới ca sĩ, NSX trẻ. Các tên gọi không chỉ Tây hóa, mà còn lộn xộn trong cách viết chữ in hoa, chữ thường, bỏ dấu; không theo quy tắc chính tả.

Đơn cử có thể kể như: V# (Phạm Thị Yến Vi, sinh năm 2000), 24k.Right (Vũ Ngọc Chương, 1997), Czee (Lương Trần Phú Thiện, 1996), Hooligan. (Lê Công Thành, 1994), Lamoon (Nguyễn Lê Diễm Hằng, 2003), O.lew (Phan Thị Thùy Linh, 1999), MiiNa (Phan Lê Mi, 2002), Saabirose (Trần Thùy Dương, 2002), GDucky (Đặng Mai Việt Hoàng, 1998), JUUN D (Đặng Quang Dũng, 1993), HIEUTHUHAI (Trần Minh Hiếu, 1999), RHYDER (Nguyễn Quang Anh, 2001), MONO (Nguyễn Việt Hoàng, 2000)… 

Từ tên sản phẩm đến nghệ danh, theo các ca sĩ, NSX này, đều có ý nghĩa nhất định. Bên cạnh đó, nhiều người cũng ôm giấc mơ bước ra thị trường quốc tế, nên cho rằng cần “Tây hóa”. Tuy nhiên, điều này gây khó cho khán giả trong việc ghi nhớ, tìm kiếm, viết đúng tên nghệ sĩ, hoặc sản phẩm. Một số ký tự đặc biệt rất ít được sử dụng, càng cản trở khán giả tiếp cận bài hát, album.

Đây cũng chính là điểm bất lợi cho ca sĩ, NSX trong bối cảnh cạnh tranh hiện tại, do thị trường hoạt động chính của họ vẫn là Việt Nam, sản phẩm phục vụ khán giả Việt là chủ yếu.

Có thể hiểu các ca sĩ, NSX trẻ đang cố ý chơi chữ, dùng ký tự lạ… để gây ấn tượng. Thế nhưng cách làm này đang khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng. Chưa kể các nghệ danh, tựa bài hát rối rắm, khó hiểu, gây “rối não” như vậy còn gây ra tác dụng ngược với khán giả. 

Hà Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI