Khán giả “phụ” phim vì… vai phụ

04/10/2024 - 06:13

PNO - Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ đã đi gần nửa chặng đường phát sóng. 45 tập trôi qua kể từ khi nữ chính Pu rời bản lên Hà Nội trọ học, phim không còn khiến người xem háo hức nữa.

Lý do là câu chuyện bắt đầu lan man qua mối quan hệ của Pu và Thái cùng chuyện khởi nghiệp của Thái. Không chỉ mệt mỏi vì thời lượng dành cho nhân vật phụ như Thái lấn át cả nam chính Chải, người xem còn ngán ngẩm với cách xây dựng nhân vật này và diễn xuất của diễn viên Vương Anh Ole.

Nhân vật Thái (Vương Anh Ole đóng) phim Đi giữa trời rực rỡ gây ức chế cho khán giả
Nhân vật Thái (Vương Anh Ole đóng) phim Đi giữa trời rực rỡ gây ức chế cho khán giả

Theo kịch bản, Thái được xây dựng là “soái ca”, đẹp trai, tài giỏi, song những gì người xem thấy là một chàng trai học kinh doanh ra nhưng không có năng lực quản lý và xử lý vấn đề. Ngay như làm marketing cũng ngơ ngác, phải đi cầu cứu người khác. Diễn viên Vương Anh Ole trong mọi cảnh quay luôn lạm dụng rướn mày nhăn trán, đôi mắt vô hồn và cách nhả thoại không chút biểu cảm.

Phim Hoa sữa về trong gió đang phát cũng có một nhân vật phụ gây ức chế không kém là Thuận - con gái bà Trúc. Nhân vật được xây dựng theo hướng đẩy “drama” nên khá quá quắt trong từng lời ăn tiếng nói, cách hành xử. Ngay từ khi lên sóng, Thuận đã không được lòng khán giả bởi cô luôn khắt khe, áp đặt chuyện học hành của con gái.

Ở tập 1, Thuận không cho con thời gian ăn sáng mà liên tục giục tới lớp luyện thi. Giữa bữa ăn, Thuận cũng mắng con vì điểm kiểm tra kém dù đã đi học nhiều nơi. Thuận còn sống ích kỷ, ỷ lại vào mẹ đẻ, đố kỵ với chị dâu và hay mách lẻo gây mâu thuẫn cho gia đình anh trai. Với một tác phẩm có màu sắc nhẹ nhàng, mang tính “chữa lành” như Hoa sữa về trong gió và nhân vật cũng xuất thân trong một gia đình được người mẹ dịu dàng, nhân hậu như bà Trúc nuôi dưỡng thì cách xây dựng nhân vật Thuận bị lệch tông, không logic.

Tính logic ở nhân vật là điểm thuyết phục người xem, cho dù nhân vật đó là người tốt hay xấu. Nhưng một số phim chưa làm tốt điểm này. Nếu rơi vào các nhân vật phụ, khán giả chỉ càng muốn “phụ” phim. Như trong phim Người một nhà, nhân vật phụ Khanh, ở một vài diễn biến của phim trước đó cho thấy, dù là người rất tính toán với Trí - người anh cùng mẹ khác cha với chồng mình - nhưng cô vẫn quan tâm đến Trí. Khanh từng mua cơm gửi đến cho anh khi Trí ra ở gầm cầu và cũng nhiều lần áy náy xin lỗi khi cư xử không phải phép với anh. Nhưng để đẩy cuộc đời nhân vật chính Trí thêm bi kịch, kịch bản cho Khanh quay ngoắt thành kẻ máu lạnh với anh chồng.

Phim Cuộc đời vẫn đẹp sao có nhân vật Thạch được miêu tả là thủ khoa của trường đại học, nhưng khi túng tiền chỉ biết đi rửa chén thuê và phục vụ. Cách xây dựng nhân vật “nửa nạc nửa mỡ” như Khanh hay thiếu thực tế như Thạch khiến phim có “sạn”.

Xây dựng nên một nhân vật để khán giả tranh cãi giúp tạo sự hấp dẫn, kịch tính cho phim. Nhưng diễn biến tâm lý phải phù hợp, nhất quán. Thông thường, biên kịch hay tập trung vào nhân vật chính, tuyến vai phụ có xu hướng ít được chăm chút bằng, trong khi tuyến này lại gánh vai trò thúc đẩy sự phát triển của nhân vật chính. Do đó, một khi tay nghề biên kịch chưa “tới”, không biết cách sắp xếp tình huống cho thực tế, hợp logic mà cứ cố gồng lên cho kịch tính thì người xem sẽ có cảm xúc tiêu cực với nhân vật. Trong trường hợp người nhập vai diễn kém, nhân vật càng trở thành “thảm họa” của phim.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI