Khán giả Hàn Quốc phẫn nộ khi phim bom tấn có sản phẩm cộp mác xứ Trung

31/03/2021 - 14:03

PNO - Những sản phẩm mang cộp mác xứ Trung xuất hiện trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc thông qua chiêu thức đầu tư vốn khiến công chúng xứ kim chi lên án mạnh mẽ.

Bên cạnh những sai lầm của các nhà làm phim Hàn Quốc vì thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng các chi tiết sử dụng trong phim cổ trang, dẫn đến những tranh cãi sai lệch lịch sử thì những chiêu thức quảng cáo của các công ty nước ngoài trong các tác phẩm truyền hình gần đây cũng gây bức xúc không kém trong dư luận xứ kim chi.

Việc nguồn vốn Trung Quốc đang can thiệp và ảnh hưởng vào thị trường phim Hàn Quốc trở thành điểm nóng tranh luận từ đầu năm 2021. Nhiều sản phẩm cho đến không gian mang cộp mác xứ Trung xuất hiện trong các bom tấn xứ kim chi như Vincenzo, Sisyphus: The Myth... khiến người xem Hàn Quốc khó chịu. Đặc biệt là trong tình hình căng thẳng văn hóa gần đây giữa hai nước, khi Trung Quốc tuyên bố nguồn gốc của kim chi và hanbok xuất phát từ quốc gia tỷ dân.

Không gian cửa hàng đậm chất Trung Quốc trong Sisyphus: The Myth.
Không gian cửa hàng đậm chất Trung Quốc trong Sisyphus: The Myth

Mối e ngại ngày càng lớn dần khi cảnh quay hai nhân vật chính - Vincenzo (Song Joong-ki thủ vai) và Hong Cha-young (Jeon Yeo-bin) đang ăn bibimbap - một món cơm phổ biến của Hàn Quốc - mới đây trong Vincenzo. Mọi chuyện chẳng có gì ồn ào cho đến khi máy ảnh phóng to những chiếc hộp, xuất hiện thương hiệu của nhà tài trợ Trung Quốc Zihaiguo khiến khán giả xứ Hàn tức giận, cho rằng cảnh quay chứa đựng có sự chiếm đoạt món ăn Hàn Quốc từ Trung Quốc.

Bộ phim tình cảm hài True Beauty gần đây cũng vướng chỉ trích vì quảng cáo quá mức các sản phẩm và thương hiệu Trung Quốc. Thậm chí, Sisyphus: The Myth còn bê nguyên không gian Trung Quốc qua hình ảnh cửa hàng Asian Mart, một trong 3 bối cảnh chính trong tác phẩm.

Asian Mart nằm ở Seoul nhưng không có bất kỳ biển hiệu tiếng Hàn, các nhân viên siêu thị còn chào khách bằng tiếng Trung và toàn bộ sản phẩm chưng bày trên kệ hàng đều xuất xứ từ quốc gia tỷ dân. Tất cả những điều này khiến công chúng và truyền thông xứ kim chi không giấu được sự bức xúc.

JTBC Studio, đơn vị sản xuất Sisyphus: The Myth, đã thu hút được khoản đầu tư 100 tỷ won từ Tencent, một tập đoàn lớn của Trung Quốc. Do đó không quá bất ngờ khi các thương hiệu, phong cách Trung Quốc được lồng ghép vào trong dự án.

Dẫu vậy, tần suất lên hình khiến các chuyên gia trong ngành giải trí Hàn Quốc bắt đầu đặt ra những e ngại về sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các siêu tập đoàn Trung Quốc lên thị trường phim truyền hình và e ngại sẽ gây ra những sai lệch và chiếm đoạt văn hóa trong tương lai.

Khán giả chỉ trích 'Vincenzo' sau khi nhìn thấy một sản phẩm bibimbap của Trung Quốc
Khán giả chỉ trích Vincenzo sau khi nhìn thấy sản phẩm bibimbap của thương hiệu Trung Quốc

Ngày càng nhiều tác phẩm truyền hình Hàn Quốc nhắm đến khán giả trên khắp thế giới thông qua Netflix và các dịch vụ phát trực tuyến, điều này đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc và Đông Nam Á đầu tư vào tác phẩm nhằm đưa sản phẩm của họ vào dự án. 

Theo Korea Times, sau những quảng cáo đầy tranh cãi liên quan đến sản phẩm của thương hiệu Trung Quốc trong các tác phẩm K-Drama, Ủy ban Tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc (KCSC) sẽ có những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm hạn chế sự sai lệch văn hóa trong tương lai.

Trước đó, Hàn Quốc đã thực hiện một loạt các chiến dịch tuyên bố chủ quyền văn hóa khi một số bộ phim xứ Trung sử dụng những đặc trưng truyền thống của xứ củ sâm như kim chi, hanbok… và đưa ra những tuyên bố lệch lạc.

Chung Thu Hương (theo Korea Times và Chosun )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI