Khán giả đội mưa xem cải lương "Chuyện tình Lan và Điệp"

16/05/2022 - 14:04

PNO - Cơn mưa tầm tã trước giờ diễn vẫn không thể làm chùn chân khán giả đến xem kịch bản kinh điển, được công diễn tối 15/5.

 

Nhiều khán giả đội mưa đến xem vở Chuyện tình Lan và Điệp tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tối 15/5
Nhiều khán giả đội mưa đến xem vở Chuyện tình Lan và Điệp tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tối 15/5

Suất đầu tiên của vở giới thiệu tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Trước giờ diễn khoảng 1 tiếng, trời đổ mưa nặng hạt, kéo dài. Dẫu vậy, nhiều khán giả vẫn đội mưa để đến xem. Bà Hà (Q.7), đi cùng mẹ và em gái. Mẹ bà năm nay đã lớn tuổi, đi lại hơi khó khăn. 3 thành viên đi taxi đến nhà hát, mất khoảng 30 phút do mưa lớn dẫn đến kẹt xe. Bà Hà kể: "Tôi đã xem Lan và Điệp qua các video trên mạng. Đây là lần đầu tiên xem vở này thực tế. Mẹ tôi cũng rất thích kịch bản này nên cố gắng đưa bà đi xem. Chúng tôi lại yêu thích giọng hát ngọt ngào của Thanh Ngân nữa".

Bà Tuyết (ngụ Q.8) đi xe ôm đến xem buổi diễn. Bà kể thuở còn trẻ đã ấn tượng với bản thu âm tuồng cải lương này, qua giọng hát của cố NSƯT Thanh Kim Huệ và NS Chí Tâm. Nay bà muốn xem trên sân khấu vở diễn được dàn dựng ra sao và cách thể hiện của nghệ sĩ trẻ sau này như thế nào. Vở diễn mở màn muộn khoảng 15 phút do chờ khán giả ổn định. Có người vì mưa nên đến trễ khoảng 30 phút. 

Em gái của bà Hà dìu mẹ già vào sân khấu
Em gái của bà Hà dìu mẹ già vào sân khấu

Chuyện tình Lan và Điệp được chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt lửa lòng (1933) của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Năm 1936, vở diễn này xuất hiện trên sân khấu cải lương. Qua gần 90 năm, câu chuyện nổi tiếng này đã có rất nhiều bản dựng trên sân khấu lẫn truyền hình (video cải lương, phim ảnh). Ngần ấy thời gian đã đủ minh chứng cho sự đặc sắc của kịch bản này, điều mà sân khấu cải lương sau này vẫn đau đầu, đỏ mắt đi tìm.

Với câu chuyện đã quá quen thuộc, kịch bản hay, thì điểm mấu chốt nằm ở hai điều: dàn dựng và diễn xuất của nghệ sĩ để thuyết phục công chúng. Vở diễn do NSND Trần Ngọc Giàu dựng. Ông đã chẻ nhỏ kịch bản thành 10 đoạn, trong đó có rút gọn một số tình tiết, nhưng vẫn đảm bảo để khán giả nắm bắt được. Một số tình tiết còn được sử dụng làm mạch nối khi sân khấu chuyển cảnh, rất thú vị.

Một cảnh trong đoạn cuối của vở diễn
Một cảnh trong đoạn cuối của vở diễn

Lan và Điệp phiên bản 2022 được "pha" sự hài hước ở nhiều đoạn, tập trung phần lớn ở nửa đầu kịch bản, giúp khán giả thấy thoải mái khi theo dõi. Cô Lan, hình mẫu trong tâm trí khán giả gắn liền với sự thẹn thùng, e ấp đôi lúc cũng trở nên đáng yêu bởi những tình tiết đó. Điều thú vị nhất trong cách dàn dựng nằm ở đoạn cuối tác phẩm, cũng là cảnh cao trào nhất. NSND Trần Ngọc Giàu vẫn giữ nguyên nội dung nhưng cách truyền tải lại khác đi, khiến không ít khán giả bất ngờ, vỗ tay tán thưởng.

Các nghệ sĩ bắt đầu tập luyện từ tuần cuối tháng 4. Vở diễn đánh dấu sự tái ngộ của NSND Thanh Ngân và nghệ sĩ Nguyễn Văn Khởi sau Tiếng trống Mê Linh. Với thế mạnh ở vai đào thương, không khó để Thanh Ngân hoàn thành vai diễn này. Chị mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả từ hình ảnh cô gái đầy mộng mơ, hy vọng về tình yêu, hạnh phúc cho đến những đổ vỡ, tan nát trong lòng khi mộng không thành.

Hình ảnh Lan và Điệp trong đoạn đầu tác phẩm
Hình ảnh Lan và Điệp trong đoạn đầu tác phẩm, khắc họa hình ảnh những người trẻ mộng mơ về tình yêu đẹp, hạnh phúc về sau

*Trích đoạn Chuyện tình Lan và Điệp:

 

Lúc mới lên sàn tập để ráp vở, Nguyễn Văn Khởi chia sẻ rất hồi hộp, áp lực khi nhận vai này, vì đã có nhiều tiền bối thành công. Với đêm diễn mở màn, anh gần như trút bỏ được điều đó để vào vai khá "ngọt". Với 5 năm kinh nghiệm trong nghề, sự thể hiện của anh đáng được ghi nhận, nhưng một số đoạn nhỏ vẫn cần được bồi thêm cảm xúc để đáp ứng được chiều sâu của nhân vật, đặc biệt trong nửa cuối tác phẩm.

Dàn nghệ sĩ đóng vai phụ như: Dũng Nhí, Thanh Ngọc, Tô Tấn Loan... tạo nên dàn bao vững cho tác phẩm. Họ mang đến nhiều tình huống, câu thoại hài hước giúp không khí tác phẩm được thay đổi. Trong đó, điểm sáng phải kể đến Diễm Thanh, với vai Thuý Liễu. Nữ nghệ sĩ có giọng hát khoẻ, vang, có màu riêng nên dễ gây ấn tượng với khán giả. Sân khấu được đầu tư phần nhìn chỉn chu. Trong đó, một số cảnh khá ấn tượng bởi cách bố trí cảnh trí, ánh sáng. Chúng giúp không khí, phần ca diễn của nghệ sĩ càng được đong đầy cảm xúc trong khán giả.

Nghệ sĩ Diễm Thanh vào vai Thuý Liễu gây ấn tượng với khán giả
Nghệ sĩ Diễm Thanh vào vai Thuý Liễu gây ấn tượng với khán giả
Cảnh mưa rơi trên sân khấu giúp tác phẩm thêm sống động
Cảnh mưa rơi trên sân khấu giúp tác phẩm thêm sống động

Gần 90 năm, cô Lan, anh Điệp năm nào vẫn khiến khán giả thổn thức. Khi đêm diễn khép lại, một số khán giả lấy tay lau vội nước mắt. 

Trong suất diễn đầu, khán giả ngồi kín khán phòng nhà hát
Trong suất diễn đầu, khán giả ngồi kín khán phòng nhà hát

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI