Kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm sút
Dệt may là ngành hàng chịu tác động nặng nề với mức thuế mới này do xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 40% doanh thu. Ông Trần Như Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) - cho biết, thuế suất chung 46% sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu dùng hàng Việt tại Mỹ, khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm sút. Ngay trong sáng 3/4, TCM đã có cuộc họp với đối tác bên Mỹ để thương lượng lại chính sách giá trên tinh thần cùng nhau chia sẻ khó khăn.
Ông Vũ Thái Sơn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều tỉnh Bình Phước - thông tin, năm 2024, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt doanh thu trên 4,3 tỉ USD, 30% là bán sang Mỹ. Do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về thuế quan của Mỹ đều tác động tới doanh nghiệp (DN) ngành điều.
 |
Mức thuế đối ứng 46% của Mỹ sẽ khiến ngành dệt may của Việt Nam lao đao - Ảnh chụp tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 - ẢNH: T.H. |
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM - cho biết, đến ngày 9/4, mức thuế 46% mới có hiệu lực thi hành, nghĩa là phía Việt Nam có 1 tuần để thương thảo. Trong cuộc họp khẩn của hội sáng nay, các chủ DN đều lo lắng và hy vọng tình hình sẽ thay đổi. Theo ông, hàng dệt may Việt Nam chiếm khoảng 46 - 50% thị phần ở Mỹ và mức thuế 16% hiện hành đã là quá cao. Nếu mức thuế mới được áp dụng, hàng dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ giảm sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ, kéo theo sự sụt giảm đáng kể lượng đơn đặt hàng. “Các DN Việt đang ráo riết theo dõi tình hình và tìm giải pháp, như mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Âu hoặc tìm kiếm các thị trường ngách khác. Nhưng thị trường Mỹ vẫn là “miếng bánh” lớn không thể bỏ qua và việc thay thế nó là một thách thức không hề nhỏ” - ông nói.
Mỹ cũng là thị tường tiêu thụ 70% lượng đồ gỗ, đồ nội thất xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) - vừa qua, Viet Products đã mất một số khách hàng ở châu Âu do không thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Nếu thuế suất 46% có hiệu lực, đồ gỗ, đồ nội thất Việt sẽ khó bề cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên thị trường Mỹ.
Có nhiều lô hàng đang trên đường xuất sang Mỹ nên khi nghe mức thuế đối ứng 46%, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng) - choáng váng: “Chúng tôi chưa biết ứng phó thế nào, thảo luận với đối tác ra sao. Tôi có tính đến giải pháp triệu hồi hàng về để chịu thiệt hại ít hơn so với mức chịu thuế”.
Khẩn trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - tin rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán với phía Mỹ để tìm giải pháp thích hợp. Nếu mức thuế cao như vậy vẫn được duy trì thì đơn hàng xuất khẩu sẽ sụt giảm, ảnh hưởng nặng nề đến DN và đời sống người lao động. Theo ông, các DN và cơ quan nhà nước cần nhanh chóng tìm kiếm các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á để thay thế thị trường Mỹ. Song song đó, DN cần chuyển đổi sản xuất, điều chỉnh mẫu mã sản phẩm và kết nối với các chuỗi giá trị khác để cùng nhau tìm kiếm thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ VAM Furniture - cho rằng, việc ngành gỗ Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ là một “sai lầm chiến lược”. Để giảm rủi ro, Việt Nam cần khẩn trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm đối tác mới. Mặc dù sẽ khó khăn trong ngắn hạn nhưng đây là bước đi cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành gỗ. Ông cũng đề xuất Chính phủ có biện pháp đàm phán với Mỹ, tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để cân bằng cán cân thương mại (làm cơ sở để phía Mỹ xem xét lại thuế suất), đồng thời thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Tiến sĩ Phan Phương Nam - Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM - nhận định, với thuế suất cao, lợi thế cạnh tranh giá rẻ của Việt Nam dựa trên nguồn lao động dồi dào có thể bị suy giảm đáng kể. Nếu hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ bị hạn chế, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ giảm sút. Theo ông, quyết định về thuế suất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Nếu Việt Nam chứng minh được chính sách tiền tệ không nhằm mục đích thao túng tỉ giá thì có thể thuyết phục phía Mỹ giảm thuế suất xuống còn 25 - 30%. Tuy nhiên, mức thuế 25 - 30% vẫn sẽ đẩy giá hàng hóa Việt Nam ở Mỹ lên cao, làm giảm sức cạnh tranh. “Giá có thể tăng 10 - 15% khiến người tiêu dùng Mỹ chuyển sang mua hàng từ các nước khác” - ông nói.
Trước những khó khăn của DN, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 - cho biết, Ngân hàng Nhà nước cam kết đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ DN nhằm giảm chi phí, tiếp tục tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp và ổn định tỉ giá.
Chính phủ thành lập Tổ phản ứng nhanh Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành. Ông yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả với mọi diễn biến. Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay Tổ phản ứng nhanh do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. |
Đừng để bị thiệt oan do tính sai giá trị thương mại Chính phủ Mỹ có thể giảm thuế đối với hàng Việt Nam xuống còn 20 - 25% nhưng mức này vẫn rất cao, tác động rất lớn đến Việt Nam bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam. Việc tiếp tục giảm thuế suất hay không phụ thuộc vào khả năng đàm phán. Đa dạng hóa thị trường là một giải pháp, nhưng thị trường Mỹ quá lớn và cần có thời gian để tìm kiếm thị trường thay thế. Đây là lúc để nhiều ngành hàng của Việt Nam thoát khỏi tình trạng gia công đơn thuần, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khẳng định năng lực sản xuất của mình. Thay vì né tránh, nên biến thách thức thành động lực, biến nguy cơ thành cơ hội để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ. Cần xây dựng một nền kinh tế tự chủ, nơi hàng hóa mang nhãn mác “made in Vietnam” chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Chính phủ Việt Nam cần tăng cường đối thoại mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ để có mức thuế thấp nhất có thể, giảm tác động tiêu cực từ thuế. Ngoài việc đàm phán thương mại, Chính phủ Việt Nam nên giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ. Việt Nam đã chậm trễ trong vấn đề này. Mới đây, Chính phủ Việt Nam có giảm thuế cho một số mặt hàng của Mỹ nhưng việc giảm còn hời hợt, chưa thể hiện thiện chí. Mặc dù Việt Nam cũng đã ký hợp đồng mua máy bay trị giá hàng chục tỉ USD từ Mỹ nhưng đó chỉ là hợp đồng, chưa có giá trị thực tế. Từ đó, Mỹ không tìm thấy lý do để không áp thuế cao đối với hàng Việt Nam. Chính phủ nên giảm thuế ô tô và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa Mỹ để tăng cường nhập khẩu từ Mỹ; tránh tình trạng “có tiếng mà không có miếng”, tức là tránh làm trung gian cho hàng hóa Trung Quốc bởi việc này gây tác động tiêu cực lớn. Ví dụ, nếu xuất sang Mỹ trị giá 300 tỉ USD nhưng 290 tỉ USD trong đó là hàng từ Trung Quốc thì Việt Nam đã chịu tiếng oan về cán cân thương mại với Mỹ. Chúng ta cần giảm con số này để thấy được giá trị thương mại thực sự của Việt Nam với Mỹ. Khi có con số thực tế, chúng ta có thể tiếp tục điều chỉnh để đạt mức cân bằng, từ đó tránh bị áp thuế cao. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TPHCM) |
Mai Ca - Thanh Hoa