Khẩn cấp ngăn dịch bệnh từ những điểm bán, giết mổ gia cầm tự phát

01/04/2024 - 13:09

PNO - Đã có bệnh nhân tử vong do vi rút cúm A/H5N1 nhưng tình trạng bày bán, giết mổ gia cầm sống vẫn còn phổ biến, tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn diễn biến phức tạp. Theo các cán bộ y tế, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi rút có trong gia cầm sống này phát triển, lây nhiễm và đe dọa tính mạng con người.

Tại TPHCM, trên đoạn vỉa hè đường 156 nối đại lộ Võ Văn Kiệt (phường 16, quận 8) dài chưa tới 1km đang có đến 3 điểm buôn bán gà, vịt, bồ câu, chim cút. Các điểm này có sẵn máy cắt tiết, máy làm lông, nước sôi để giết mổ, làm sạch lông tại chỗ theo yêu cầu của khách. Trời nắng nóng, gia cầm trong các lồng nhốt luôn trong trạng thái lừ đừ. Chốc chốc, lại có 1 người đi đường dừng xe, chọn gà, vịt và chờ. Sau khoảng 3-5 phút, khách đã được giao “thành phẩm”.

Chợ gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) hiện đang được kiểm dịch chặt chẽ - ẢNH: M.T.
Chợ gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) hiện đang được kiểm dịch chặt chẽ - ẢNH: M.T.

So với nửa năm trước, số điểm bán gia cầm sống ở đoạn đường trên đã tăng thêm 2 điểm. Còn trên lề đường An Dương Vương (giáp ranh giữa các quận 6, 8, Bình Tân), nửa năm trước, có khoảng 4 điểm bán gia cầm thì nay tăng lên 7 điểm bán. Trên những đoạn đường giáp ranh các quận, huyện như đường Hồ Học Lãm, đường Phạm Hùng, đại lộ Nguyễn Văn Linh, có hàng chục điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống, mùi chất thải bốc lên nồng nặc.

Các điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống cũng tồn tại quanh nhiều khu chợ dân sinh, chợ tự phát ở các quận nội thành, như chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Căn Cứ 26 (quận Gò Vấp). Các điểm bán này thường chật hẹp, người bán bày gia cầm làm thịt sẵn ở lề đường và giết mổ bên trong nhà.

Ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM - cho biết, đến nay, TPHCM vẫn được công nhận là vùng an toàn về cúm gia cầm. Trước tình trạng dịch cúm gia cầm có xu hướng phát triển, các điểm kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc ở vỉa hè, chợ tự phát là mối nguy. Các điểm này không trực thuộc sự quản lý của chi cục thú y mà do chính quyền cấp quận, huyện quản lý. Các quận, huyện đều có đoàn kiểm tra liên ngành, cũng thường xuyên ra quân xử lý tình trạng nuôi nhốt, mua bán, giết mổ gia cầm trái phép. Tuy nhiên những lúc như vậy các điểm kinh doanh thường tạm ngưng hoạt động 7-10 ngày, qua đợt kiểm tra lại bày bán. Theo ông, chính quyền địa phương cần khuyến khích người dân tố giác điểm giết mổ gia cầm trái phép thông qua đường dây nóng, tăng cường tuyên truyền để người dân không mua các sản phẩm trôi nổi này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, Việt Nam có nguy cơ cao về bùng phát, lây lan dịch bệnh cúm gia cầm do nhiều yếu tố như quy mô đàn gia cầm lớn, thời tiết diễn biến thất thường, có đường biên giới dài, phương thức giết mổ gia cầm nhỏ lẻ vẫn phổ biến. Hiện có các chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8... đang lưu hành ở nhiều địa phương. Về tổng thể, cúm gia cầm đang được kiểm soát tốt, hiện chỉ có một số ổ dịch nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin. Do đó, các địa phương cần chủ động phát hiện dịch sớm, xử lý kịp thời, không để lây lan.

Theo ông Phùng Đức Tiến, cả nước có trên 22.000 điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch. Do đó, bên cạnh ngành y tế, ngành nông nghiệp, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành, đề nghị tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm vào Việt Nam.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào Việt Nam. Nếu bắt được các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay. Trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.

Nắng nóng, vi rút cúm gia cầm dễ phát triển

Theo bác sĩ Lê Văn Nhân - giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - nhiều người vẫn mua bán gia cầm trôi nổi vì nghĩ rằng, thịt gia cầm đã nấu chín thì không còn vi rút cúm. Nhưng việc lây nhiễm vi rút cúm còn thông qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật phẩm nhiễm mầm bệnh khi dùng tay cầm nắm.

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi rút cúm gia cầm phát triển trong khi sức đề kháng của con người lại bị giảm. Sức đề kháng càng yếu thì nguy cơ nhiễm vi rút càng cao hơn. Vi rút cúm gia cầm đe dọa tính mạng con người không khác gì vi rút corona: khi nhiễm, bệnh nhân sẽ chuyển sang viêm phổi với diễn tiến rất nhanh. Đặc biệt, hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng vi rút cúm gia cầm.

Ông khuyến cáo, người dân không nên ăn các loại gia cầm không rõ nguồn gốc; nên tập thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; nếu có triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau họng, đau cơ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.

TP Hà Nội: Kiểm soát dịch nghiêm ngặt ở chợ đầu mối

Hà Vỹ là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc, nằm ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Ông Lê Văn Thắng - buôn bán hơn 20 năm ở đây - cho biết, trung bình mỗi ngày, ông bán 7-8 tấn gà nhập từ các trại nuôi ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn. Kể từ sau tết Nguyên đán, việc phòng, chống dịch cúm gia cầm ở chợ này được tăng cường. Có 4 vũng nước chứa dung dịch sát khuẩn lớn ở đường ra vào cổng chợ để ngăn mầm bệnh từ xe tải, xe máy. Trong chợ, hệ thống loa truyền thanh cũng thường xuyên nhắc nhở tiểu thương nâng cao cảnh giác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Lê Thanh Bình - Trưởng ban quản lý chợ Hà Vỹ - cho biết, cơ quan liên ngành đã lập chốt kiểm dịch động vật ở chợ gia cầm Hà Vỹ, cử người trực 24/24 giờ mỗi ngày, kiểm tra gia cầm về chợ, bắt buộc hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng; nhân viên thú y, quản lý thị trường phun thuốc khử trùng và kiểm dịch hằng ngày.

Thanh Hoa - Uông Ngọc - Lê Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI