Khẩn cấp bảo vệ trẻ em

31/05/2022 - 06:11

PNO - Tính khẩn cấp phải được đặt lên hàng đầu khi can thiệp, xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em, nhất là các vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ.

 

Năm 2016 được xem là dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em khi Quốc hội thông qua Luật Trẻ em. Theo luật, mọi cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương, mọi cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đều phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm cho trẻ thực hiện quyền và bổn phận của mình.

 Trẻ em là thành phần yếu thế nhất trong xã hội bởi chúng không thể tự bảo vệ, chăm sóc và lên tiếng khi bị ngược đãi, xâm hại. Do đó, bảo vệ quyền trẻ em không chỉ tạo cho trẻ môi trường phát triển tốt mà còn phòng ngừa trẻ trước các nguy cơ bị xâm hại thể xác, tinh thần. Bảo vệ quyền trẻ em cũng đồng nghĩa giải phóng sức lao động cho một bộ phận nữ giới - những người trực tiếp nuôi dạy con. 

Nhưng đến nay, theo đánh giá của nhiều cơ quan, công tác nâng cao nhận thức về quyền của trẻ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Văn hóa im lặng, ngại lên tiếng cũng góp phần làm cho nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra nhiều, hậu quả vô cùng nhức nhối. 

Việc can thiệp, giải quyết các vụ trẻ bị xâm hại, bạo hành vẫn còn nhiều bất ổn. Ngày 8/6/2020, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 2017 về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý các trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại, gồm sáu bước. Trong đó, bước đầu tiên là tiếp nhận và nhanh chóng phối hợp để xác định mức độ tổn hại của trẻ nhằm có biện pháp đảm bảo an toàn, bao gồm khẩn cấp cách ly đứa trẻ khỏi đối tượng xâm hại, kể cả đối tượng đó là cha mẹ, người thân của trẻ. Biện pháp giải quyết phải được báo cáo trong vòng hai giờ kể từ lúc tiếp nhận tin trình báo. 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phối hợp giữa các ngành, cấp và địa phương vẫn còn khá chệch choạc. Như vào tháng 3/2022, nhận tin một đứa trẻ nghi bị cha mẹ bạo hành ở Q.3, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) liền chuyển thông tin về địa phương để xác minh. UBND Q.3 nhanh chóng cử cán bộ đến hiện trường tìm hiểu. Kết quả, tuy nơi xảy ra vụ việc là ở Q.3 nhưng cháu bé sống với cha mẹ trong một chung cư cao cấp ở Q.10. Do đó, UBND Q.3 phải làm báo cáo gửi tổng đài 111 để đơn vị này chuyển cho UBND Q.10 xử lý. 

Về vụ việc trên, một đại biểu HĐND TPHCM nhận xét: “Quy trình quá chậm, thừa đến ba bước: làm báo cáo, chuyển tổng đài 111, tổng đài lại chuyển cho UBND Q.10”. Theo vị đại biểu này, để can thiệp, xử lý vụ việc liên quan đến trẻ em, nhất là các vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ, tính cấp tốc phải được đặt lên hàng đầu. Thực tế, có những vụ việc, chỉ cần một cuộc gọi giữa lãnh đạo các địa phương là đã có thể can thiệp kịp thời.

Nhiều luật sư cho rằng, các vụ bạo hành trẻ “chìm xuồng” là do người bạo hành hầu hết là cha mẹ, người thân của nạn nhân. Trong khi đó ở những nước phát triển, chỉ cần trẻ bị tai nạn do sự bất cẩn của cha mẹ, cảnh sát lập tức cảnh báo phụ huynh và có hình thức xử lý nếu tình trạng này tái diễn. Các vụ xâm hại tình dục trẻ ít được khởi tố, xử lý hình sự là do luật quy định phải có “chứng cứ vật chất” trong khi việc đưa trẻ đi giám định thường chậm trễ khiến chứng cứ không còn. Thậm chí, có trẻ bị người quen xâm hại nhiều lần dẫn đến hoảng sợ nhưng thủ phạm vẫn “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” do không có chứng cứ. Ở nhiều nước, chỉ cần trẻ tố cáo và hoảng sợ khi thấy kẻ xâm hại mình, cơ quan chức năng liền cách ly đối tượng để điều tra, xử lý.

Theo Luật Trẻ em năm 2016, xếp hàng đầu trong 23 quyền của trẻ em là quyền sống, quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Cũng cần nhắc lại rằng, ngày 20/2/1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. 

Để bảo vệ trẻ, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ hệ thống pháp luật đến cách thức thực thi, trong đó có trách nhiệm của các tổ chức được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ. Các bậc cha mẹ cũng cần phải biết trẻ có những quyền gì để bảo vệ trẻ tốt hơn, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển của trẻ. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI