Ở thế đã rồi
Ngày 17/9, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cùng đoàn công tác đã đến khảo sát toàn bộ công trình Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97-97A Phó Đức Chính, Q.1), sau khi Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản đề xuất, cho biết công trình đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dự án The Spirit of Saigon đang thi công tại tứ giác Bến Thành.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho hay: “Bảo tàng đang cùng các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh quá trình tìm cách khắc phục sau khi công trình bị ảnh hưởng do dự án thi công bên cạnh. Sở Xây dựng đã tiến hành khảo sát và sẽ sớm có kết luận”.
|
Bảng cảnh báo ngay tại cổng 1 hướng đường Lê Thị Hồng Gấm |
Rõ ràng, chỉ đến khi những dấu hiệu hỏng hóc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hữu hình hơn, tiếng kêu cứu từ người đứng đầu công trình mới được “khuếch đại”. Nhưng, động thái này cũng là quá chậm, bởi các dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng từ công trình xây dựng tại tứ giác Bến Thành tới Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã xuất hiện cách đây vài năm.
Từ năm 2017, một vài chi tiết tại công trình có dấu hiệu nứt gãy như phù điêu “cá hóa long” ở đầu mỗi ống thoát nước mái nhà đã bị rơi xuống, một số bức phù điêu khác bị đứt. Sau đó, bảo tàng tìm cách khắc phục, sửa chữa, nhưng đến hiện tại, không chỉ các bức phù điêu không còn nguyên vẹn, mà tình trạng hư hại đã... tăng cấp.
Cả ba khối nhà của bảo tàng và nhà bảo vệ đều bị nứt lún, trong đó, khối nhà số 1 bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều khu vực thuộc công trình bong tróc, các bức phù điêu có dấu hiệu bị gãy đổ, nứt toác. Phần tường rào phía đường Lê Thị Hồng Gấm bị nghiêng. Phần khuôn viên của công trình hướng này cũng bị lún, gạch nền bong tróc. Bên ngoài cổng, một bảng cảnh báo lớn có nội dung “Cảnh báo khu vực nguy hiểm vui lòng không đến gần” được treo lên.
|
Phần chân cột tại khối nhà 2 bị nứt, lún nghiêm trọng |
“Cách đây ba tới bốn năm, trong quá trình đào móng, dự án này đã làm chấn động nhà số 2, rớt mái nhà số 1. Sau đó, trong quá trình thi công, vì một số sự cố, đơn vị làm ngã tường, đổ tượng. Tới nay, công trình tiếp tục bị xâm phạm mà vẫn chưa có biện pháp khắc phục, mọi thứ đã chậm trễ từ ngày đó” - ông Hứa Thanh Bình, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nói.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được xây dựng năm 1929 và hoàn thành năm 1934. Đây là một trong những biểu tượng kiến trúc của thành phố, là di sản chứng kiến bao biến thiên lịch sử; giờ đây như một chốn “nguy hiểm, cấm tới gần”. Lẽ dĩ nhiên, những người nhìn thấy hình ảnh một biểu tượng - một điểm hẹn văn hóa đang bị xâm hại, đều không khỏi xót xa, tiếc nuối.
Từng có bốn triển lãm tại đây, NSND Trà Giang chia sẻ: “Tôi rất buồn khi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một cổ vật của thành phố bị xâm hại. Trước khi tổ chức các buổi triển lãm tại đây, tôi từng đi khắp các tầng trưng bày để nhìn ngắm tranh, các di vật và dừng lại khi thấy có một cửa sổ có dấu hiệu bị nứt. Hình ảnh đó thật đáng buồn cho công trình mang ý nghĩa lịch sử của thành phố”.
|
Cổng số 1 phía đường Lê Thị Hồng Gấm của Bảo tàng Mỹ thuật bị lệch nhau do nền sụt lún |
Tiếng kêu khẩn thiết
Trong dòng hồi ức về nơi làm việc cũ, ông Hứa Thanh Bình cho biết, lúc đương nhiệm, ông cho làm một banner đặt ở hướng đường Lê Thị Hồng Gấm để những ai đi từ phía chợ Bến Thành thấy được thông tin hoạt động của bảo tàng. Ông hạn chế đặt banner cao, cũng như phản bác mọi đề xuất xây dựng thêm trong khuôn viên, nhằm tránh che chắn tầm nhìn về khối kiến trúc. Giãi bày để thấy, ông tiếc nuối nhiều, khi không gian xung quanh công trình văn hóa - kiến trúc - lịch sử đặc biệt của thành phố phải là “bất khả xâm phạm” thì giờ đây đã bị xâm hại.
“Một bên là di tích, một bên là công trình hiện đại, sự xung đột về mặt thẩm mỹ có thể thấy rõ, chưa cần nói tới những tác động về cấu trúc. Tình trạng này không chỉ nên báo động mà phải báo động mạnh để có hướng xử lý nhanh chóng”. Ông Hứa Thanh Bình đặt dấu hỏi cấp thiết: “Bảo tàng Mỹ thuật đã được công nhận là di tích cấp thành phố từ năm 2012, sao không nhanh chóng bảo vệ ngay?”.
Về việc quy hoạch đô thị để đảm bảo mỹ quan chung, tránh che chắn tầm nhìn và gây ra những cuộc “xung đột” thẩm mỹ là điều đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua. Cho tới khi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM kêu cứu, vấn đề này được nói lại một lần nữa nhưng như một câu chuyện không hồi kết.
|
Khu vực tường tại khối nhà 1 bị nứt xé nghiêm trọng |
“Vấn đề ở đây là TP.HCM tiếp tục cho thấy việc thiếu tầm nhìn mỹ quan ở diện rộng, nên dẫn đến những tranh luận, tranh chấp không cần thiết. Ví dụ trước đây xây dựng cao ốc gần dinh Độc Lập, cao ốc gần nhà thờ Đức Bà… đều dẫn đến những mâu thuẫn, tranh luận giống như vậy. Chỉnh thể của một thành phố không chỉ có luật pháp điều chỉnh, kiểu được cấp phép là được xây dựng, mà còn là tương quan về lịch sử, mỹ quan và cả tự tình văn hóa”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nói.
Khi những bất đồng giữa phát triển và bảo tồn tại một đô thị vừa hiện đại, vừa mang trong mình nhiều trầm tích văn hóa vẫn đang xảy ra, liệu sẽ còn bao nhiêu công trình như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phải kêu cứu? Điều đó khó có thể nghĩ đến, nhưng ngoài những sự vụ cấp thiết trước mắt, cần những chính sách mang tính tầm nhìn, thể hiện cái tầm, cái tâm của các nhà quản lý.
Trước đó, trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Đỗ Đình Hậu - Phó chủ tịch UBND P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 cho biết, phường đã lập biên bản vụ việc và báo cáo quận có phương án đảm bảo an toàn cho bảo tàng, không để tình trạng lún, nứt gia tăng. Phía phường sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ vụ việc. Theo tìm hiểu, dự án The Spirit of Saigon, tới hết ngày 17/9, vẫn chưa bị đình chỉ thi công. |
Diễm Mi