Khám phá nơi sản xuất vàng lá số một ở Nhật Bản

05/08/2023 - 19:30

PNO - Kanazawa nổi tiếng là nhà sản xuất vàng lá số một Nhật Bản, đây là địa điểm du lịch nổi tiếng với văn hóa chế tác vàng lâu đời.

Kanazawa là thủ phủ của tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) và là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách của đất nước mặt trời mọc. Nhiều người địa phương luôn tự hào giới thiệu nét văn văn hóa đặc sắc và lịch sử lừng lẫy về ngành thủ công chế tác vàng ở nơi đây. 

Nhiều thế kỷ trước, tại ngôi đền Oyama, cứ đến mỗi dịp xuân về người dân nơi đây lại thấy những tia vàng lấp lánh còn sót lại trong quá trình sinh hoạt ở bờ sông, cùng với những câu chuyện truyền miệng rằng người ta đào được vàng khối trong mảnh ruộng trồng trọt.

Khu vực này dần được biết đến như một trong những mỏ vàng lớn nhất Nhật Bản thời bấy giờ, và cái tên Kanazawa cũng bắt nguồn từ đó (hay còn gọi là suối vàng). Mặc dù vàng ở khu vực này đã được khai thác từ lâu nhưng thành phố vẫn nổi tiếng là nơi sản xuất vàng lá số một ở Nhật Bản.

Ao nuôi bằng nước sông tại  đền Oyama của Kanazawa
Ao nuôi bằng nước sông tại đền Oyama của Kanazawa

Lá vàng được sử dụng trong nhiều loại hình nghệ thuật trang trí ở Nhật Bản. Điển hình như trong kiến trúc của các ngôi đền, các bề mặt của byobo (vách bình phong), hộp hay các loại rương lớn nhỏ, cũng như các bức tượng và hình chạm khắc. Ngoài ra, trong nét văn hóa cổ, các chuyên gia cũng tìm thấy vàng được dùng trong chế tác đồ trang sức hoặc để trang trí cán kiếm samurai và các vật dụng truyền thống.

Từ đầu ở thế kỷ thứ III, sản xuất vàng là một quá trình tốn rất nhiều công sức và thời gian, với hàng loạt kỹ thuật được tinh chỉnh từ kỹ thuật của Trung Quốc, người Nhật Bản đã học được cách chế tác vật dùng từ vàng nguyên khối. Nhưng phải đến cuối thế kỷ thứ XVI, các nghệ nhân vùng Kanazawa mới tìm ra được phương pháp sản xuất vàng lá. Ngành nghề thủ công này đã sớm bị cướp đi, khi tướng quân Tokugawa nghiêm cấm các hoạt động sản xuất lá vàng ngoài kinh đô Edo của ông.

Kỹ thuật chế tác lại một lần nữa được lưu truyền cho vùng Kanazawa vào thế kỷ XIX, sau khi các hạn chế được nới lỏng, kể từ đó vùng Kanazawa đã đứng đầu lĩnh vực này và phương pháp sản xuất vàng lá được sử dụng như hiện nay đã được đăng ký là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Raijin, thần sấm sét, được khắc họa trên tấm byobu dát vàng lá
Raijin, thần sấm sét trong truyện dân gian Nhật Bản, được khắc họa trên tấm "byobu" dát vàng lá

Những nét văn hóa từ những nghệ nhân chế tác vàng của vùng Kanazawa vẫn hiện diện trên một số con phố hiện đại ngày nay.

Khi đặt chân đến đây, du khách sẽ không muốn bỏ lỡ một chuyến tham quan đến bảo tàng Kanazawa Yasue, ngay gần quận Higashi Chaya. Nơi lưu giữ lại những kỷ vật cũng như những câu chuyện về quá trình sản xuất của làng vàng, cho thấy cách một thỏi vàng biến thành hàng ngàn tấm vàng siêu mỏng sáng bóng.

Bảo tàng trưng bày các kỉ vật và lưu giữ quy trình sản xuất vàng lá truyền thống
Bảo tàng trưng bày các kỷ vật và lưu giữ quy trình sản xuất vàng lá truyền thống

Một thành phần quan trọng làm cho các nhà sử học vô cùng ngạc nhiên trong quy trình sản xuất là một loại giấy washi truyền thống của Nhật Bản, còn được gọi là haku Uchigami, được đặt giữa những tấm vàng vỏn vẹn 5cm2 và dày 1/20mm, để giữ chúng không bị dính hay rách khi các nghệ nhân bắt đầu giã mỏng đến mức chỉ còn 1/10.000mm độ dày.

Những chồng vàng lá được đánh mỏng bằng máy móc hiện đại.
Những chồng vàng lá được đánh mỏng bằng máy móc hiện đại

Bảo tàng còn có một phòng trưng bày tạm thời, sẽ luân phiên trưng bày những tác phẩm nghệ thuật và các vật dụng khác, bao gồm cả đồ gốm cổ, những bức tượng nhỏ hay bàn thờ, được làm bằng vàng khối và vàng lá.

Bên cạnh đó, du khách có thể chiêm ngưỡng những bộ kimono cổ vô giá được làm bằng vải đan xen với những sợi chỉ vàng cùng với các hình thêu bằng vàng tinh xảo.

Nếu du khách muốn mở mang tầm mắt với đủ các phương pháp ứng dụng chế tác vàng lá, hãy dạo quanh một góc phố để đến với Kinpakuya Sakuda, một cửa hàng bày bán vô số những sản phẩm thủ công từ vàng lá. Cửa hàng còn có một xưởng sản xuất tư nhân, nơi du khách có thể quan sát quy trình tạo ra những chiếc lá vàng được cắt tỉa cẩn thận và đóng gói. Điều thú vị là những mảnh vụn còn sót lại sau quá trình chế tác có thể được sử dụng để làm mảnh vàng ăn được (được ứng dụng một phương pháp khác để tạo ra món ăn thượng lưu đang nổi gần đây).

Lá vàng được cắt tỉa và đóng gói tại Kinpakuya Sakuda
Lá vàng được cắt tỉa và đóng gói tại cửa hàng Kinpakuya Sakuda

Ngoài ra, du khách đến Sakuda cũng có thể tự mình trải nghiệm công đoạn dát vàng lá lên đũa, dĩa nhỏ hoặc một số vật dụng thông dụng khác như một món quà lưu niệm của vùng Kanazawa.

Vẫn còn một địa điểm ở Higasahi Chaya nơi cho bạn một trải nghiệm ngắm lá vàng có một không hai mà du khách không thể bỏ qua: Hakuza Hikarigura.

Thoạt nhìn từ bên ngoài, đây trông chỉ như bao cửa hàng khác được trung bày các mặt hàng cao cấp được làm từ lá vàng. Các nghệ nhân rất sáng tạo trong việc cho ra đời nhiều sản phẩm đặc biệt tại đây, nhưng khoảng sân phía sau là địa điểm không thể bỏ qua, nơi ngắm nhìn vẻ đẹp của nhà kho, với bốn mặt bức tường được dát bằng vàng lá, đó cũng là nguồn gốc của cái tên Hikarigura (nhà kho lấp lánh).

Bức tường bên ngoài của nhà kho lấp lánh Hikarigura, được bao phủ bởi vàng lá
Bức tường bên ngoài của "nhà kho lấp lánh" Hikarigura, được bao phủ bởi vàng lá

Du khách đến đây sẽ dễ dàng bắt gặp vô số những món đồ lấp lánh ánh vàng ở khắp ngõ ngách của Kanazawa. Một ví dụ cuối cùng về sự phổ biến của lá vàng ở làng vàng Kanzawa, nếu du khách có cơ hội di chuyển bằng tàu điện ở ga Shinkansen, hãy để ý trên đầu của mình, ngay cả đỉnh của những cây cột cũng được dát vàng lá.

Tuấn Huy (theo Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI