Khám phá những điều thú vị từ nguồn gốc ngôn ngữ

09/04/2024 - 06:59

PNO - Tiếng Việt phong phú và giàu đẹp với những câu chuyện thú vị về nguồn gốc của ngôn ngữ, từ những tên riêng đến phương ngữ, thành ngữ - tục ngữ...

Gần đây, nhiều cuốn sách khai thác đề tài về tiếng Việt được phát hành, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Đó không phải là những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ mà là những câu chuyện, khám phá thú vị về tiếng Việt giàu đẹp.

Phunuonline chọn giới thiệu đến bạn đọc một số từ ngữ/thành ngữ đã được sử dụng phổ biến nhưng ít người biết nguồn gốc.

"Mè nheo" kết hợp từ cá mè và cá nheo

Tác giả Lê Trọng Nghĩa - chủ biên cuốn sách Tiếng Việt ân tình (Thái Hà Books và nhà xuất bản Thế Giới) - nói, một trong những từ khiến anh cảm thấy thú vị khi đọc sách của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đi trước là từ "mè nheo".

Cuốn sách Tiếng Việt giàu đẹp cho người đọc khám phá vẻ đẹp của ngôn ngữ ở nhiều khía cạnh
Cuốn sách Tiếng Việt giàu đẹp cho người đọc khám phá vẻ đẹp của ngôn ngữ ở nhiều khía cạnh - Ảnh: Thái Hà Books

Theo Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức: Mè nheo là ghép lại từ tên 2 loại cá: cá mè và cá nheo. Động từ này có nghĩa bóng: "quấy nhiễu, rầy rà" hoặc "vòi vĩnh, nhõng nhẽo". Tùy theo ngữ cảnh mà "mè nheo" mang hàm nghĩa tiêu cực hay tích cực.

Từ "mè" còn xuất hiện trong cụm từ "cá mè một lứa". Còn cá nheo cũng xuất hiện trong văn liệu với các từ: cờ đuôi nheo, đầu cua tai nheo..."Cá nheo có đặc tính gần giống cá mè, sống bầy đàn với số lượng đông đúc, tên cá nheo cũng đã góp mặt trong tính từ "nheo nhóc" - tác giả Lê Trọng Nghĩa giải thích thêm.

Vì yêu tiếng Việt, tác giả Lê Trọng Nghĩa đã sưu tầm, nghiên cứu tư liệu và lập fanpage Tiếng Việt giàu đẹp để chia sẻ vẻ đẹp của ngôn ngữ đến cộng đồng
Nhiều thông tin thú vị về tiếng Việt được tác giả Lê Trọng Nghĩa chia sẻ - Ảnh: Thái Hà Books

Ba gai, ba láp, ba gác, ba đào...

Người Việt hay dùng từ "ba gai" để nói về tính ương ngạnh, bướng bỉnh, kỳ cục, khó chịu...Nhưng "gai" ở đây không phải cái gai (cái gai trong mắt) mà là phiên âm từ tiếng Pháp.

Ba gai là cách đọc từ "pagaille", cũng như xe ba gác vốn là phiên âm của từ "bagage" (nghĩa là loại xe ba bánh để chở hành lý) và ba láp là từ "palabre" (nói chuyện dài dòng, không đâu vào đâu).

Riêng "ba đào" chỉ số phận chìm nổi của con người lại là từ Hán, với nghĩa là sóng lớn.

Nhiều tên riêng được dùng phổ biến: Chúa Chổm, Đạo Chích, Hai Lúa, Lưu Linh...
Nhiều tên riêng được dùng phổ biến: Chúa Chổm, Đạo Chích, Hai Lúa, Lưu Linh...Ảnh: Lục Diệp

"Dân chơi cầu Ba Cẳng". Vậy cầu Ba Cẳng ở đâu?

Trong cuốn sách Từ những tên riêng (nhà xuất bản Kim Đồng), nhà thơ - nhà báo Hồ Huy Sơn nhắc đến câu nói còn lưu giữ trong ký ức người Sài Gòn: "Dân chơi cầu Ba Cẳng".

Rất nhiều người nay không biết cầu này. "Đây là cầu do người Pháp xây dựng hồi đầu thế kỷ XX ở Sài Gòn - Chợ Lớn, có 3 hướng, hình vòm. Cầu Ba Cẳng tọa lạc ở góc đường Bãi Sậy xưa là nhánh kênh Hàng Bàng và đường Vạn Tượng, ngay khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ" - trích Từ những tên riêng.

Năm 1990, cầu bị sập nhưng vẫn còn ở lại trong ngôn ngữ của người Sài Gòn. Dân chơi cầu Ba Cẳng ngụ ý dân giang hồ "không tính toán mưu lược, chơi ẩu, cứ thấy có chuyện lạ là nhào vô, không nghĩ tới lợi hại" hoặc dám làm mà không dám chịu...

"Cáy" và "ba khía" từ tiếng Triều Châu

Cáy và ba khía đều thuộc họ cua. Cáy phổ biến ở miền Bắc, còn ba khía quen thuộc với miền Nam. "Nhát như cáy" là cụm từ so sánh lấy từ đặc tính của loài vật này, vì chỉ cần thấy hơi động là chúng lại rúc vào trong hang.

Cả hai tên loài vật này đều có nguồn gốc từ tiếng Triều Châu. Theo Tầm nguyên từ điển của tác giả Lê Ngọc Trụ thì "ba khía" đọc trại từ "bành kỳ" (nghĩa là cua nhỏ). Từ điển Hán Nôm chú giải bành kỳ là con cáy.

"Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cũng giảng, ba khía là loài xưa phổ biển ở tỉnh Sóc Trăng, nơi có nhiều người Triều Châu sinh sống. Vậy việc kết luận ba khía bắt nguồn từ tiếng Triều Châu là có cơ sở" - Lê Trọng Nghĩa Viết.

Lam Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI