Rất nhiều hiện vật cho thấy sự tinh xảo trong kỹ thuật chế tác và trình độ phát triển văn hóa, xã hội của nền văn minh vẫn còn nhiều bí ẩn này.
Tinh hoa của nghệ thuật kim hoàn
Kể từ khi di tích cảng thị Óc Eo - Ba Thê (H. Thoại Sơn, tỉnh An Giang) được nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret phát hiện vào năm 1944, đã có khoảng 18 điểm di tích phát hiện cổ vật là đồ trang sức Óc Eo, trải dài khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Theo tiến sĩ (TS) khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, “Óc Eo” là từ Khmer cổ, có nghĩa là “cánh đồng lầy lội nhưng có nhiều vật lấp lánh”.
|
Một số hiện vật bằng vàng tinh xảo được trưng bày trong triển lãm
|
Việc khai quật được nhiều hiện vật quý, tinh xảo, đặc biệt là vàng, ngọc cho thấy những đồ vật này không chỉ có ở những tầng lớp trên mà còn phổ biến trong xã hội có sự phát triển tương đối về kinh tế, đời sống tinh thần và mỹ cảm.
Chuyên đề Báu vật vương quốc cổ, nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo là nỗ lực của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cùng Bảo tàng Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang trong suốt một năm, giới thiệu đến công chúng hai nhóm sản phẩm kim hoàn của cư dân Óc Eo.
Nhóm thứ nhất là các sản phẩm dùng trong tín ngưỡng tôn giáo như: bệ linga - yoni; các biểu tượng ốc, rùa, bánh xe... các lá vàng dát mỏng với kỹ thuật chạm, khắc tinh xảo về nhiều đề tài: nhân thần, linh thú, biểu tượng, hoa sen, văn tự... thể hiện sự ảnh hưởng của Bà La Môn giáo và Phật giáo trong đời sống cư dân Óc Eo.
Nhóm thứ hai gồm các sản phẩm trang sức như nhẫn, hoa tai, mặt đeo, hạt chuỗi, mề đay… Phần chuỗi hạt rất phong phú về chất liệu như đá quý, đá màu, mã não, thủy tinh và đất nung. Loại hình vật đeo đặc biệt chủ yếu được làm bằng chì, thiếc ngoài ý nghĩa trang sức, bùa hộ mệnh còn kiêm thêm chức năng con dấu “chứng nhận uy tín” đóng trên các kiện hàng.
“Dù các sản phẩm kim hoàn và trang sức đều sản xuất trực tiếp tại địa phương, hình thức và phong cách của một số sản phẩm cho thấy thợ thủ công Óc Eo đã tiếp xúc với các đồ vật từ bên ngoài biên giới, mang ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, La Mã, Ba Tư, Trung Quốc, thông qua các kết nối văn hóa và thương mại đường biển mạnh mẽ ở Đông Á trong thời kỳ cổ đại” - TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết.
Câu chuyện phía sau “báu vật vương quốc cổ”
Theo TS Hoàng Anh Tuấn, từ đầu công nguyên, cảng thị Óc Eo của vương quốc Phù Nam là cảng thị lớn nhất Đông Nam Á, là thương cảng quốc tế nằm giữa Thái Bình
Bên cạnh các sản phẩm, triển lãm còn giới thiệu các vật dụng dùng trong hoạt động chế tác kim hoàn như nồi nấu kim loại, đá thử vàng, nguyên liệu, bụi vàng còn sót lại trong lòng đất, các khuôn đúc… |
Dương và Ấn Độ Dương - nơi giao lưu thương mại và tiếp xúc văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Thế nhưng, Óc Eo không đơn thuần là một thương cảng mà quanh nó còn có một hệ thống gồm những điểm quần cư và đô thị, những trung tâm chính trị, tôn giáo, văn hóa, hải cảng cùng những điểm sản xuất thủ công, buôn bán và những vùng nông nghiệp. Các hiện vật trong triển lãm lần này đã chứng minh sự thịnh vượng và nền văn minh rực rỡ của vương quốc cổ Phù Nam từ thế kỷ I-VII.
“Trưng bày đồ gốm, đồ đá, công chúng cũng quan tâm, nhưng sức hấp dẫn không bằng đồ vàng, đồ ngọc dù giá trị về mặt lịch sử của chúng là ngang nhau. Khi công chúng quan tâm hơn đến vàng, đá ngọc, trang sức thì sẽ quan tâm hơn đến lịch sử phía Nam. Nó là một tuyến phát triển ngang bằng với miền Trung, miền Bắc. Theo tôi, việc trưng bày này giúp công chúng nhận thức rõ hơn, vùng đất phía Nam này không chỉ có 300 năm như mình vẫn nói. Đây là bằng chứng cho thấy trước khi người Việt người Hoa vào khai hoang, vùng đất này đã có những tộc người khác sinh sống và phát triển khá rực rỡ” - TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.
Triển lãm mở cửa mỗi ngày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, đến hết ngày 31/3/2018.
TS Hoàng Anh Tuấn
Năm 2004, khi thực hiện cuộc trưng bày nhân kỷ niệm 60 năm khai quật văn hóa Óc Eo, dù các tỉnh rất nhiệt tình hỗ trợ, chúng tôi chỉ mượn được đồ gốm, sứ, thủy tinh hoặc ngọc còn vàng gần như là không mượn được, vì các tỉnh khi ấy còn chế độ bảo vệ hiện vật bằng cách gửi ở kho bạc, ngân hàng, bản thân bảo tàng không đủ điều kiện để bảo vệ, bảo quản. Khá nhiều hiện vật từng được trưng bày ở nước ngoài nhưng công chúng trong nước chưa được tiếp cận, khiến người làm bảo tàng ai cũng băn khoăn. Lần này trưng bày số lượng rất lớn và phong phú. Đó là cơ hội để chúng ta tìm hiểu lịch sử, tự hào về những gì người xưa đã làm được.
|
Lê Phan