Khám phá kỹ thuật in tranh độc đáo trên bề mặt nước: Thủy ấn họa

12/04/2021 - 13:33

PNO - Những tờ gác trong các ấn bản sách giới hạn lâu nay thu hút giới sưu tầm sách đẹp chính là được thực hiện bằng kỹ thuật độc đáo: Thủy ấn họa.

Nhiều ấn bản đặc biệt (dòng sách S100, phiên bản sách đẹp, giới hạn) của công ty sách Đông A thu hút bạn đọc lâu nay được áp dụng phương pháp thủy ấn (hay còn gọi là thủy ấn họa, nghệ thuật áng mây-cloud art).

Đây là phương pháp thiết kế hoa văn trên bề mặt nước tạo ra các mẫu giấy với những họa tiết đa dạng, được thực hiện bằng nước/dung dịch lỏng, màu, cọ vẽ và thuốc nhuộm.

Hình ảnh tờ gác với mẫu hoa văn đá hoa cương trong cuốn Bố già
Hình ảnh giấy được in mẫu hoa văn đá hoa cương trong cuốn Bố già

Lần đầu tiên, Đông A Books tổ chức buổi workshop giới thiệu với bạn đọc kỹ thuật làm giấy độc đáo này. Chương trình vừa được diễn ra tại Nhà sách Cá Chép, với sự chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thực hiện của “bác sĩ giấy” Bùi Tiến Phúc và họa sĩ Trần Bội Tuyền.

“Thủy ấn bắt nguồn từ Trung Quốc. Từ thời nhà Đường, thế kỷ thứ IX đã có tài liệu ghi chép về việc này. Nghệ thuật làm giấy độc đáo này sau đó được truyền sang Hàn Quốc, Nhật Bản, đến thế kỷ thứ XV xuất hiện ở Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối thế kỷ thứ 16, thủy ấn họa được truyền sang Tây Âu theo con đường mậu dịch. Ở mỗi nơi, mỗi dân tộc lại hình thành nên những nét đặc trưng riêng” – Bùi Tiến Phúc cho biết về nguồn gốc của kỹ thuật in tranh trên bề mặt nước. Anh cũng được giới làm sách gọi là “bác sĩ giấy” vì ngoài kỹ thuật thủy ấn, anh còn có thể phục hồi sách hỏng, tu bổ, phục chế tranh giấy…

Bác sĩ giấy Bùi Tiến Phúc và họa sĩ Trần Bội Tuyền cùng chia sẻ kinh nghiệm làm giấy bằng kỹ thuật thủy ấn
"Bác sĩ giấy" Bùi Tiến Phúc (trái) chia sẻ kinh nghiệm làm giấy bằng kỹ thuật thủy ấn

Phương pháp thủy ấn từng được công ty sách Đông A áp dụng sản xuất các tờ gác sách cho cuốn Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp…cùng nhiều ấn bản sách đặc biệt khác của đơn vị. Nguyên lý của kỹ thuật này là rắc màu lên bề mặt nước (đã được lọc sạch) hoặc dung dịch keo lỏng, sau đó tạo hoa văn theo phương pháp thủ công: quạt, thổi, rung chậu, chải lược, tạo hình…

Sau đó dùng giấy, hoặc vải thấm vào dung dịch, hong khô. Những sản phẩm in từ kỹ thuật này thường được dùng làm mặt giấy viết thư pháp, bìa sách hoặc các trang giấy hoa cương trong các quyển sách. Mỗi bản in đều là những chế tác độc nhất, không lặp lại. Đây cũng là kỹ thuật làm giấy mới được sử dụng trong xuất bản vài năm gần đây.

Một tác phẩm từ kỹ thuật thủy ấn
Một tác phẩm từ kỹ thuật thủy ấn

“Bác sĩ giấy” Bùi Tiến Phúc thành lập Hán Nôm Đường và bắt đầu đưa kỹ thuật thủy ấn vào xuất bản chuyên nghiệp từ năm 2020, sau khi anh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Bảo tồn và Phát huy Di sản Văn hóa tại Fo Guang University, Đài Loan. Anh hy vọng rằng thông qua những buổi chia sẻ, truyền kinh nghiệm, kỹ thuật thủy ấn có thể được mở rộng, phát triển và góp phần nâng cao tay nghề, kỹ thuật làm sách thủ công ở Việt Nam.

Dịp này, công ty sách Đông A và Hán Nôm Đường cũng ký hợp đồng hợp tác sử dụng độc quyền các sản phẩm thủy ấn giữa hai đơn vị. Phía Đông A cho biết, đây cũng là một trong các hoạt động hướng đến việc nâng cao chất lượng các ấn bản sách giới hạn, sạch đẹp của đơn vị trong thời gian tới.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI