2 robot lặn điều khiển từ xa có tên Romeo và Juliet được giao nhiệm vụ khám phá Titanic – con tàu đắm nổi tiếng nhất thế giới. Được trang bị máy quay và hai cánh tay, những robot này được điều khiển từ xa bằng cần joystick từ boong tàu nghiên cứu Freja.
 |
TàuTitanic ở thời điểm khoảng năm 1912 |
Hành trình xuống đáy biển sâu hơn 3.700m và nhiệm vụ của Romeo và Juliet là ghi lại hình ảnh của Titanic từ nhiều góc độ trong vòng ba tuần. 715.000 bức ảnh thu được được xử lý trong vòng 2 năm, là chất liệu chính cho bộ phim tài liệu mới nhất của National Geographic: Titanic: Digital Resurrection (Titanic: Phục dựng kỹ thuật số). Bản sao kỹ thuật số của Titanic có kích thước tỷ lệ 1:1 của xác tàu đắm, chính xác đến từng chi tiết.
Dự án này là sự phối hợp giữa Công ty công nghệ Magellan (Guernsey, Anh) và hãng phim từng đoạt giải Atlantic Productions. Phim do Anthony Geffen đảm nhận vai trò là nhà sản xuất, Lina Zilinskaite giữ nhiệm vụ sản xuất chính, Fergus Colville làm đạo diễn, Simon Raikes và Chad Cohen là giám đốc sản xuất. Bộ phim được mô tả là “dự án dưới nước lớn nhất lịch sử”.
“Song sinh ảo” đầu tiên của Titanic
Kể từ nửa đêm 14/4 đến rạng sáng 15/4/1912 – khi Titanic va phải băng trôi trên đường phá kỷ lục từ Anh sang Mỹ – con tàu này luôn là biểu tượng văn hóa đại chúng. Những năm 1980, nó xuất hiện trong Time Bandits của Terry Gilliam. Sang thập niên 1990, James Cameron đưa danh tiếng của nó lên tầm cao mới với bộ phim giành 11 tượng vàng Oscar.
 |
Hình ảnh minh họa CGI về đuôi tàu Titanic khi nó chìm. Ảnh: National Geographic |
Hệ thống hình ảnh dưới biển tiên tiến nhất thế giới, do Công ty Voyis (Canada) phát triển, sử dụng ánh sáng có công suất nửa triệu lumen để ghi lại từng chi tiết. Với 16 terabyte dữ liệu, Magellan dựng nên mô hình kỹ thuật số chính xác đến từng centimet, cho phép người xem khám phá rõ ràng, chi tiết nhất về con tàu Titanic.
Cả cuộc đời mình, chuyên gia Parks Stephenson đã cố lý giải chuyện gì thực sự xảy ra với Titanic trong đêm định mệnh đó. “Có lẽ lần này, chúng tôi sẽ tìm được câu trả lời cho những câu hỏi ám ảnh tôi suốt hàng chục năm qua”, Stephenson nói.
Tuy là một tác phẩm mãn nhãn, Titanic: Digital Resurrection cũng mang dáng dấp của một bộ phim kinh dị. Xác tàu nằm tách biệt thành hai phần, cách nhau hơn 500 mét. Titanic không “đóng băng trong thời gian” – mọi nơi đều in dấu vết của bạo lực. Những mảnh kim loại xoắn vặn, đồ dùng sinh hoạt vương vãi khắp nơi. “Nếu chỉ nhìn, bạn sẽ tưởng con tàu bị trúng tên lửa,” Hearn bình luận.
 |
Bên phải của tàu Titanic kỹ thuật số, nhìn từ trên cao |
Sự hy sinh âm thầm
Một trong những cảnh gây ám ảnh nhất là vết rách khổng lồ nơi khoang lò hơi – trái tim của Titanic. Đây cũng là nơi 35 kỹ sư chết khi đang cố giữ ánh sáng trên boong tàu và tín hiệu vô tuyến để kêu cứu. Nếu tín hiệu Marconi bị tắt, tàu Carpathia đã không bao giờ nhận được lời kêu cứu từ Titanic.
Chuyên gia phát hiện ra một chi tiết đặc biệt trên mô hình số hóa: một van hơi nước vẫn mở. Đó là đường dẫn hơi cuối cùng từ phòng máy đến hệ thống máy phát dự phòng. Joseph Bell, kỹ sư trưởng, đã mở van đó bằng tay, giúp duy trì ánh sáng suốt hai tiếng sau vụ va chạm. “Ông đã cứu sống hàng trăm người", Hearn nói.
Còn một sự thật khác đã được khám phá, giải oan cho sĩ quan của Titanic – William Murdoch. Theo câu chuyện được lưu truyền, một số nhân chứng khẳng định đã thấy một sĩ quan nổ súng bắn 1 hoặc 2 người trong lúc hỗn loạn tranh giành thuyền cứu sinh, sau đó tự sát. Tuy nhiên, các chuyên gia trong phim tin rằng những bản quét từ Magellan đã tìm ra bằng chứng “giải oan cho sĩ quan Murdoch,” người từ lâu đã bị mang tiếng là kẻ hèn nhát, bị cáo buộc bỏ nhiệm vụ để lên một trong những chiếc thuyền cứu sinh dành cho “phụ nữ, trẻ em và... sĩ quan”.
Chính vị trí của cần trục hạ thuyền cứu sinh đã làm sáng tỏ lại câu chuyện, nó cho thấy nhóm của Murdoch đang chuẩn bị hạ thuyền chỉ vài khoảnh khắc trước khi mạn phải bị nhấn chìm, điều này khớp với lời khai của sĩ quan Charles Lightoller rằng Murdoch bị cuốn trôi bởi làn sóng cuối cùng.
Trailer Titanic: Digital Resurrection :
Sự thật tàn khốc: Titanic không chìm trong yên bình
Nhờ công nghệ mô phỏng, nhóm nghiên cứu tính toán cú va chạm với tảng băng chỉ kéo dài 6,3 giây, rạch thủng 5,5 mét trên thân tàu dài gần 270 mét. Dù được thiết kế chỉ có 4 khoang ngập nước, nhưng cú đâm đã vô tình xuyên qua cả khoang thứ 5 và 6. “Tất cả là do hai lỗ thủng nhỏ. Nếu không có chúng, Titanic có thể đã không chìm”, Hooper nói.
Robot đã chụp toàn cảnh xác tàu, kết quả cho thấy thân tàu không gãy đôi một cách gọn gàng. Thay vào đó, gần 30 mét thân tàu đã bị “nghiền nát hoàn toàn”.
“Đây là một vết gãy thảm họa,” Hooper nhận định. “Từng bộ phận gãy như hiệu ứng domino. Chỉ trong vài giây, 20% con tàu bị phá hủy hoàn toàn”.
Dù bộ phim mang đến hình ảnh “song sinh ảo” đầu tiên của Titanic, vẫn còn nhiều điều chưa thể xác định. 3/4 mũi tàu bị chôn vùi trong bùn. Các robot bị cấm xâm nhập bên trong theo quy định quốc tế. Nhiều bí ẩn vẫn còn bỏ ngỏ: Titanic trượt xuống đáy một cách nhẹ nhàng, hay thực sự vỡ tung như các nhân chứng kể lại?
Với hàng triệu người say mê Titanic, sự thật vẫn còn nằm đâu đó giữa những mảnh vụn.
Tuấn Huy
*Titanic: Digital Resurrection đang phát trực tuyến trên Disney+ và Hulu; phát lúc 20g thứ Ba ngày 15/4 (giờ Anh) trên kênh National Geographic UK.