Khám phá “diện mạo” mới của sơn mài và lụa

30/06/2024 - 12:30

PNO - 2 chất liệu quen thuộc được 2 họa sĩ tái khám phá và trưng bày tại triển lãm đôi có tên “Ký thác hư không”.

15 năm gắn bó với tranh sơn mài, họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật đã mang đến cho những họa phẩm của anh những hình thái mới khi để sơn ta như trạng thái nó vốn có ban đầu.

Có thể nói, Nhật đã và đang từng bước khám phá những điều diệu kỳ trong chất liệu luôn luôn mới mẻ và đầy hấp dẫn này.

Không gian trưng bày tranh của họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật
Không gian trưng bày tranh của họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật

Về mặt chất liệu, tranh của Nhật là sự hòa trộn tài tình giữa sơn mài và sơn ta mộc, tạo nên độ tương phản cực kỳ sắc nét. Đây cũng là niềm đam mê lớn nhất của Nhật trong mỗi họa phẩm.

Tác phẩm của Nhật, khung tranh thường là sơn ta thô mộc trong khi tranh bên trong là sơn ta được mài tỉ mỉ, đòi hỏi độ dụng công và chính xác cao độ. Bởi nếu chỉ cần mất đi độ chú tâm một chút, bức tranh coi như hỏng. Mỗi bức tranh của Nhật vì thế, đòi hỏi thời gian sáng tác từ 3 tháng trở lên.

Tôn Thất Minh Nhật, Đêm long lanh, sơn ta trên gỗ
Tác phẩm Đêm long lanh, sơn ta trên gỗ. Tranh của Nhật có độ tương phản mạnh giữa thô mộc và mài dũa, giữa sơn ta nguyên thủy và sơn mài.

“Tôi yêu sơn mài vì độ tự nhiên và uyển chuyển của nó. Một lần nọ, có người khách hỏi tôi, tại sao lại phải mài sơn ta trong khi chất liệu nguyên thủy này vốn đã đẹp. Thắc mắc đó vô tình mở cho tôi một cánh cửa sáng tạo mới thay vì tiếp tục thực hành theo phương thức truyền thống” – Nhật chia sẻ.

Tại triển lãm đôi lần này, Tôn Thất Minh Nhật mang đến 14 bức tranh, là sợi dây xuyên suốt trong chủ đề thời gian, nắng mưa của vùng đất miền Trung. Trong những cơn mưa dai dẳng, cái nắng chói chang và cái gió lồng lộng ấy, mọi thứ, kể cả ký ức, kể cả di sản cũng đều được phủ lên lớp màu của thời gian, của sự phôi pha gợi nhắc nhiều hoài niệm. Nhật vô tình gợi nhắc đến một ý niệm hay đúng hơn là chân lý của cái Đẹp vốn tồn tại nhờ ký ức, nhờ thời gian, thay vì cái Đẹp của sự mới mẻ, tô vẽ.

Họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật tại triển lãm
Họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật tại triển lãm

Cũng ở loạt tranh này, chất Huế - quê hương của Nhật một lần nữa được tái sử dụng qua các chi tiết kiến trúc của đền, đình, của những cánh cổng im lìm theo năm tháng mà chứa đựng biết bao câu chuyện đang chờ khám phá, tùy thuộc vào trải nghiệm, ký ức cũng như trí tưởng tượng của mỗi người. Tranh của Nhật vì thế, tĩnh mà động, ngắm hoài không thấy chán.

Trong khi đó, Tuyền Nguyễn - vốn ghi dấu ấn bởi chất liệu acrylic và những bức tranh khổ lớn - lại khiến người xem ngạc nhiên ở lần đầu chạm ngõ lụa. 11 bức tranh trong chủ đề Chênh vênh là những “ghi chép” của họa sĩ về cuộc sống trong những chiều không gian khác nhau. Ở đó, các vệt màu chồng lên nhau, tái hiện những chuyển động khi rõ nét khi mờ ảo. Tuyền Nguyễn nói vui, vì lần đầu vẽ lụa nên thử thách lớn nhất chính là vẽ… hỏng rất nhiều!

Không gian trưng bày tranh của họa sĩ Tuyền Nguyễn
Không gian trưng bày tranh của họa sĩ Tuyền Nguyễn

Tranh lụa của Tuyền Nguyễn thoát khỏi những ước lệ thường thấy, cũng như bức phá khỏi những hình khối vốn đã được một vài họa sĩ đương đại thể hiện. Anh chọn vẽ 2 mặt để mang đến 2 chiều không gian khác nhau cho người xem. Tác phẩm vì thế không đính vào tường mà treo lơ lửng giữa không trung. Một cách cố tình, những tấm tranh 2 mặt trên lụa trong suốt được treo xen kẽ, tựa những lát cắt ký ức tạo thành một mê lộ của hình tượng và ảo cảnh.

Và khi người xem đứng ở bên này và bên kia tác phẩm lại khám phá ra một chiều không gian khác, một vùng sáng tạo thứ 3 mà Tuyền Nguyễn đã cố công vun đắp. “Đây là lần đầu tôi vẽ lụa, cũng là lần đầu sau rất nhiều năm, tâm nguyện của tôi được hoàn thành. Đó là đưa người xem, đưa công chúng vào tác phẩm” – họa sĩ cho biết.

Họa sĩ Tuyền Nguyễn tại triển lãm
Họa sĩ Tuyền Nguyễn tại triển lãm

Tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài, thử vẽ sơn dầu rồi đến acrylic trên canvas và bây giờ là lụa, Tuyền Nguyễn nói, chất liệu với anh là sự khám phá tương ứng với suy nghĩ và ý niệm nghệ thuật của anh ở từng giai đoạn. Anh không muốn phụ thuộc quá vào một chất liệu mà đặc biệt ưa thích những thử nghiệm mới trên chất liệu mới.

Tuyền Nguyễn, Chênh vênh #1, màu nước và acrylic trên lụa
Tác phẩm của Tuyền Nguyễn, Chênh vênh #1, màu nước và acrylic trên lụa

Bên cạnh điểm chung tái khám phá chất liệu truyền thống trong diện mạo mới, hai họa sĩ còn gặp nhau ở ý niệm: con người và vạn vật đều hữu hạn trước dòng chảy của không gian và thời gian. Trong sự luân chuyển đó, những hạt mầm sẽ lại đâm chồi.

Ký thác hư không do Wiking Salon và Galerie BAQ phối hợp tổ chức. Triển lãm được trưng bày tại số 72, Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 3, từ 9g đến 18g hằng ngày, kéo dài đến hết ngày 21/7/2024.

Nhã Ca

Ảnh: Wiking Salon

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI