Khám mề đay phát hiện nhiễm ký sinh trùng

10/09/2018 - 08:00

PNO - Cứ ngỡ mình hay nổi mề đay, ngứa ngáy do dị ứng, nhiều người đi khám “té ngửa” vì phát hiện bị nhiễm ký sinh trùng.

Gần 20 năm nổi mề đay hóa ra nhiễm giun đũa chó

Cách đây gần 20 năm, bà N.T.D., 48 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp, bắt đầu xuất hiện triệu chứng nổi mề đay. Cứ nghĩ do sở thích ăn cá biển khiến cơ thể dị ứng, bà D. mua thuốc dị ứng về uống nhưng bớt được vài tuần lại ngứa trở lại.

Kham me day phat hien nhiem ky sinh trung
Nổi mề đay mãn tính có thể là dấu hiệu gợi ý nhiễm ký sinh trùng.

Mới đây, khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám, bệnh nhân đã được thử rất nhiều cách như bôi kem dưỡng ẩm, dùng thuốc dị ứng, thậm chí thuốc kháng viêm có chứa corticoid. Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Phòng khám chăm sóc da Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giảng viên bộ môn da liễu Trường đại học Y Dược TP.HCM - ghi nhận tại các vùng da như cẳng tay, chân, thậm chí vùng âm hộ của bệnh nhân này bị tổn thương sừng hóa do cào gãi quá nhiều.

Qua nhiều xét nghiệm, chẩn đoán hỗ trợ bổ sung, bác sĩ xác định được loại ký sinh trùng bà D. nhiễm là giun đũa chó. Sau một tháng điều trị, triệu chứng ngứa của bệnh nhân đã được đẩy lùi.

Một trường hợp khác nhiễm ký sinh trùng vô cùng nghiêm trọng vừa được phát hiện qua triệu chứng nổi mề đay là sinh viên N.T.X., 20 tuổi, ngụ tại Q.6, TP.HCM. X. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vì nổi các mảng ngứa ở tay, chân, lưng. Sau khi cho thuốc điều trị tại chỗ nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại, X. được chỉ định làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tìm kiếm ký sinh trùng.

Kết quả khiến chính bác sĩ cũng bàng hoàng, bệnh nhân nhiễm ba loại ký sinh trùng là sán đầu gai, giun đũa chó và sán lá gan. “Men gan của bệnh nhân tăng cao, khi siêu âm thấy những vật thể lạ trong đường mật”, bác sĩ Vân Thanh kể.

Với trường hợp này, bác sĩ phải lần lượt “đánh” từng loại ký sinh trùng theo mức độ nguy hiểm của chúng. Đầu tiên, bệnh nhân được điều trị sán lá gan, hai tuần sau men gan của bệnh nhân giảm xuống. Sau ba tháng tích cực chữa trị, tình trạng mề đay nổi ngứa đã thuyên giảm.

Theo bác sĩ Vân Thanh, số bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng chiếm 20% trên tổng số người tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám mề đay được chỉ định làm xét nghiệm.

Viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng

Biểu hiện ngoài da liên quan tới ký sinh trùng không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em cũng có thể mắc phải. Thạc sĩ - bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhi bị viêm màng não do ký sinh trùng. Trong số này, nhiều bé ban đầu xuất hiện dấu hiệu ngoài da ngứa ngáy, thậm chí nhìn kỹ có thể nhận ra đường di chuyển của giun.

Loại ký sinh trùng trẻ em mắc phải được bác sĩ Khanh ghi nhận chính là Andrius, đường lây nhiễm thông qua thức ăn có chứa ấu trùng còn sống. Điều trị các bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng phải áp dụng phác đồ riêng. Một khi ký sinh trùng đã thâm nhập và gây viêm màng não, ngoài việc chống phù não bác sĩ sẽ phối hợp thêm thuốc kháng giun. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể xuất viện sau 7-10 ngày.

Để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm, người dân cần rửa tay bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn. Đồ ăn cần được sơ chế sạch sẽ, nấu chín. Có một số loại ký sinh trùng thâm nhập qua da khi đi chân trần trên đất, vì thế những người ở nông thôn nên lưu ý điều này. 

Bị ngứa kéo dài là nhiễm ký sinh trùng? 

Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh giải thích, trong quá trình nghiên cứu thấy có sự liên quan giữa tỷ lệ người bị nhiễm ký sinh trùng với triệu chứng nổi mề đay mãn tính. Sở dĩ có sự liên quan như vậy vì khi cơ thể nhiễm ký sinh trùng sẽ làm cho bạch cầu ái toan tăng cao, kháng thể cũng tăng cao tạo ra phản ứng mề đay, ngứa ngáy, hồng ban, tăng sừng trên da.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một gợi ý giúp cho việc chẩn đoán của bác sĩ, còn để xác định bệnh nhân chính xác nhiễm ký sinh trùng hay không còn phải dựa vào nhiều yếu tố như chẩn đoán hình ảnh, thậm chí sinh thiết mẫu mô tổn thương để tìm ấu trùng…

Vậy khi nào một người bị nổi mề đay, mẩn ngứa cần làm xét nghiệm tìm kiếm ký sinh trùng? 

Thứ nhất: Nếu bệnh nhân ở trong vùng dịch tễ (trong gia đình có người nhiễm ký sinh trùng đã và đang được điều trị; trong làng, xã, cụm dân cư phát hiện nhiều người bị nhiễm).

Thứ hai: Mề đay cấp tính thường sẽ tự lui trong vòng sáu tuần, nếu bị lâu hơn hoặc có giảm khi uống thuốc dị ứng nhưng ngưng thuốc lại lập tức ngứa tái phát thì nên đi khám và nói cho bác sĩ biết tình trạng. Qua đó sẽ giúp bác sĩ khu trú nguyên nhân gây bệnh nhanh hơn thông qua chỉ định xét nghiệm tìm kiếm ký sinh trùng.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI