Khám chữa bệnh tại nhà 'kiểu Uber'

08/11/2017 - 11:30

PNO - Dịch vụ (DV) khám chữa bệnh tại nhà theo phương thức... taxi Uber hiện đang dần phổ biến, thu hút sự chú ý của nhiều người.

Khách hàng chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại di động rồi kết nối với bác sĩ (BS). Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi DV này mang lại, vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngại về việc làm sao kiểm chứng được thông tin của BS, nếu lỡ xảy ra hậu quả xấu thì biết kêu ai?…

500.000 đồng/lần khám bệnh

Chị N.H. T. (33 tuổi, khu dân cư Đức Khải, Q.7, TP.HCM), tỏ ra rất hào hứng với DV vô cùng tiện lợi này. Một nách hai con nhỏ, nhà lại có cha mẹ già thường xuyên đau ốm, nên DV khám chữa bệnh tại nhà "kiểu Uber" đã giúp gia đình chị đỡ tốn kém bao thời gian, công sức.

Chị thử làm theo hướng dẫn từ quảng cáo của công ty (CT) DV y tế X. trên mạng xã hội, cài ứng dụng và đăng ký tài khoản. Sau khi bấm chọn một BS nhìn qua ảnh khá trẻ, thông tin thể hiện đang làm việc tại một bệnh viện (BV) nhi ở TP.HCM, chị được xếp lịch để BS đến nhà khám cho con gái, chi phí khám 500.000 đồng không trả trực tiếp cho BS mà trừ vào tài khoản tín dụng. BS chẩn đoán con chị bị viêm hô hấp trên, kê toa cho thuốc. 

Kham chua benh tai nha 'kieu Uber'
Chỉ cần cài chương trình vào điện thoại là người bệnh thoải mái kết nối và tự đặt hẹn với bác sĩ, giá khám chữa bệnh tận nhà khoảng 500.000 đồng/lần.

Sau lần đó, nhân viên của CT X. liên tục gọi điện…”chăm sóc”, mời chị đăng ký thêm các gói khám tổng quát, xét nghiệm cho các thành viên trong gia đình. Tất cả đều thực hiện tại nhà.

Đến lúc này, chị mới gợn lên nỗi băn khoăn: “500.000 đồng/lần khám tại nhà không phải quá cao, nhưng tôi thật sự không yên tâm về uy tín của các BS. Nếu đây là DV của một BV hay phòng khám nào đó thì chẳng cần phải băn khoăn; nhưng đây lại là một DV thông qua một CT tư nhân. Ai bảo đảm BS làm việc cho họ thật sự “xịn” như quảng cáo? Lỡ xảy ra chuyện gì, mình biết kêu ai?”.

Lập lờ giữa chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh

Theo hướng dẫn của chị T., chúng tôi thử liên hệ qua đường dây nóng của CT X., giọng người nhận điện thoại có vẻ là một cô gái trẻ. Cô này cho biết, CT không phải BV hay phòng khám; địa chỉ trên trang web chỉ là văn phòng làm việc. Cô xác định: “Bên em chỉ triển khai một phần mềm để giúp khách hàng tự kết nối với BS thôi”. Xem kỹ lại phần mềm này trên điện thoại, chúng tôi nhận ra, ngoài DV khám chữa bệnh tại nhà, còn có cả DV khám bệnh từ xa; dù Luật Khám chữa bệnh đã nghiêm cấm khám bệnh từ xa. 

Về loại hình khám chữa bệnh "kiểu Uber" này, một BS (đề nghị giấu tên), đang làm việc tại BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết, ông cũng từng được một CT DV y tế chào mời ký hợp đồng: “Họ nhờ người quen giới thiệu gặp tôi và đề nghị hợp tác. Nhân viên CT đưa ra một bản hợp đồng soạn sẵn có tiêu đề hợp đồng chăm sóc, tư vấn sức khỏe. Tuy nhiên, khi đọc đến các DV thì thấy có nhiều mục như khám bệnh tại nhà, khám bệnh tại phòng mạch riêng, tư vấn qua mạng…

Kham chua benh tai nha 'kieu Uber'
 

Nếu đã khám thì không còn là tư vấn nữa. Tôi có cảm giác họ đang lách luật. Đã khám thì hợp đồng phải ghi rõ là khám, sao lại ghi tư vấn, chăm sóc sức khỏe? Tôi từ chối, viện lý do ban ngày phải làm ở BV, xong việc còn có phòng mạch riêng nên không có thời gian”. 

Cũng theo BS này, CT DV y tế còn cho phép BS tự định mức thù lao. Trung bình mỗi lần khám từ 200.000 - 500.000 đồng. Bệnh nhân thanh toán qua thẻ, BS sẽ nhận lại tiền công khám bệnh theo thỏa thuận từ CT, không thu tiền trực tiếp của bệnh nhân.

Vị BS này cho rằng, nếu thật sự là BS giỏi, có tiếng thì không ai chạy sô "kiểu Uber" như vậy. Bệnh nhân thì rất khó kiểm chứng thông tin về BS. Các DV liên quan đến sức khỏe có mức độ nhạy cảm rất cao, không thể xem tính mạng bệnh nhân như một cuốc taxi được, sẩy một ly là đi một dặm.

Phải chọn các dịch vụ do bệnh viện hoặc cơ sở y tế tổ chức 

Dưới góc độ một người quản lý BV, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, TP.HCM khuyến cáo, mọi người cần hết sức cẩn trọng khi lựa chọn các sản phẩm, DV liên quan đến sức khỏe. Ví dụ, nếu DV khám chữa bệnh tại nhà này được quản lý bởi một BV hay cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép thì không có gì phải bàn; nhưng nếu chỉ do khách hàng tự kết nối với cá nhân, một BS thông qua phần mềm của một CT trung gian thì rất... phiêu lưu.

Lỡ BS đó tay nghề yếu hoặc làm việc thiếu trách nhiệm, điều trị không chính xác dẫn đến tai biến nguy hiểm thì hậu quả rất khó lường. Cụ thể như chính mô hình BS gia đình cũng phải do BV hoặc trạm y tế phường quản lý và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. 

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Bộ Y tế: “Để bảo đảm sức khỏe, tránh những sai sót, rủi ro không đáng có, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh vì chỉ các cơ sở y tế mới được phép hành nghề y.

Những loại hình DV mới thông qua mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ chưa hẳn là tiêu cực và cũng là xu thế phát triển của thế giới, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống; nhưng các đơn vị tổ chức khám chữa bệnh và BS phải rất cẩn trọng, tuân thủ pháp luật, tránh để xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Đối với những hoạt động khám chữa bệnh mới như bài viết phản ánh, không chỉ riêng Bộ Y tế mà các cơ quan chức năng liên quan cũng cần cập nhật thông tin, từ đó có quy định cụ thể để kiểm soát, đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI