Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế: Cả tháng, chỉ khám được... 2 bệnh nhân

29/03/2017 - 09:09

PNO - “Bác sĩ (BS) đi họp”, “BS nghỉ phép rồi”, “sang bệnh viện quận khám”… là những câu trả lời thường trực mà chúng tôi nhận được khi vào vai bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các trạm y tế phường, xã tại TP.HCM.

Kham chua benh bảo hiẻm y té tai tram y te: Ca thang, chi kham duoc...  2 benh nhan
Trạm Y tế Phường Tân Phú (quận 7) không bác sĩ, không người trực trạm - Ảnh: Thanh Huyền

Thoạt nhìn, chúng tôi cứ ngỡ Trạm y tế P.5, Q.3 (địa chỉ 424 Võ Văn Tần) phải “ở nhờ” quầy thuốc tây đang chiếm trọn không gian phía trước. Khi hỏi về việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nhân viên tại đây cho biết, BS trưởng trạm nghỉ phép cả tuần; nếu ai có nhu cầu, qua Bệnh viện Q.3 khám.

Những con số “đau lòng”

Ngày 28/3, chúng tôi đến Trạm y tế P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM. Nhìn từ ngoài, trạm khá khang trang. Ngoài hàng rào treo biển Phòng khám vệ tinh của Bệnh viện Q.7, khám BHYT. Danh mục khám và dịch vụ của trạm cũng được ghi rõ trên bảng gần cổng khá chi tiết. 

14h nhưng trạm y tế này vẫn đóng cửa im ỉm. Gọi mãi chẳng ai trả lời, tôi thử thò tay vào mở chốt cửa, bước vào. Tôi trình bày, muốn hỏi thông tin để đưa con đến khám bệnh thì cô gái đang cầm chổi quét nhà mời tôi vào ngồi chờ. Trong trạm y tế, chẳng thấy bệnh nhân (BN) nào, xe máy bốn-năm chiếc xếp chật lối đi.

Thấy một phòng treo biển Phòng khám BS gia đình, tôi ngó vào, chẳng thấy BS đâu, chỉ có mỗi cái giường trải drap trắng và chiếc bàn làm việc. Tới lúc này, một cô gái đi từ phòng khác sang, nói với tôi: “Chị khám bệnh thì sang Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Bệnh viện Quận 7”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Ở đây không khám à, sao treo biển khám bệnh BHYT đằng trước cổng, BS đâu rồi, ai trực trạm?”. Mấy cô gái nhìn nhau lúng túng: “Chúng em chỉ là sinh viên thực tập thôi, bọn em không biết. BS đi đâu rồi. Có cô trực trạm tên là L. nhưng cô ấy bây giờ không ở đây”.

Liên hệ với Trạm y tế P.9, Q.8, chúng tôi được trả lời: “Đến khám thì mang theo thẻ BHYT, mà đến vào buổi sáng, chiều BS phải đi nhận thuốc”. Tình hình tại Trạm y tế xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cũng chẳng khá hơn. Khi biết tôi có ý định khám bệnh, nhân viên trực trạm khuyên: “Nếu khám thì đến buổi sáng, chiều BS bận đi họp”.

Tương tự, tại Trạm y tế P.10, Q.10 (địa chỉ 456 Lý Thái Tổ), BS cũng không có mặt vì bận… đi họp. Nhân viên hẹn “sáng mai” với những ai có nhu cầu khám chữa bệnh.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Q.3, trên địa bàn quận hiện có Trạm y tế P.5 và P.12 đăng ký khám chữa bệnh BHYT, mỗi trạm có một BS phụ trách. Lượng BN đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế P.5 cũng “khá” với… 22 thẻ BHYT.

Trong cả năm 2016, tại đây có 45 lượt BN đến khám, nghĩa là chưa đến năm lượt/tháng. Riêng trong tháng Ba này, mới có hai BN tìm đến. Có phần “ngon” hơn, Trạm y tế P.12, có hơn 70 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Trong năm 2016, trạm tiếp nhận 236 lượt khám, tức trung bình chưa tới 20 lượt bệnh/tháng, nghĩa là nhiều ngày  không có BN.

Trong khi đó, tại Q.10, hiện có năm trạm y tế khám chữa bệnh BHYT gồm P.4, P.6, P.9, P.10 và P.13, cũng với mỗi trạm một BS. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Q.10, trong hai tháng đầu năm 2017, có 88 lượt khám tại năm đơn vị này. Cả năm 2016, năm phòng khám này có tổng cộng 902 lượt BN. Trung bình mỗi nơi có hơn 180 lượt/năm, tức 15 lượt/tháng, tính ra cứ hai ngày mới khám được một lượt BN. Hai trạm đầu tiên tham gia khám BHYT là P.9 và P.10 (nơi chúng tôi đến khảo sát) có lượng BN đông hơn cả, chiếm phân nửa lượt khám chữa bệnh.

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế ngày 27/3, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, trong năm 2016, cơ quan này ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 140 trạm y tế phường xã tại 24 quận huyện. Số liệu gửi về từ các trạm cho thấy, có đến 70 trạm (chủ yếu ở các quận nội thành, chiếm 50%) không có BN đến khám.

Thế mà, theo quy định, để phê duyệt cho phép tham gia khám chữa bệnh BHYT, ngoài điều kiện nhân lực tối thiểu một bác sĩ, trạm y tế phường xã phải được trang bị các thiết bị cơ bản như máy đo điện tim, máy hút đàm, máy siêu âm và các dụng cụ khám thông thường… Với những ngày hoặc thậm chí có những trạm không có người bệnh đến khám, làm sao tránh được câu hỏi của công luận: nhân lực và vật lực ấy để làm gì?

Bác sĩ phải chấp nhận “chui”, trạm thì “quá tải”

Trao đổi với chúng tôi ngày 28/3, BS Nguyễn Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.10 - nêu nhiều khó khăn đối với các trạm y tế tham gia khám BHYT. Do các trung tâm y tế dự phòng tại TP.HCM chưa có chức năng khám chữa bệnh, nên BHXH TP.HCM không thể ký hợp đồng trực tiếp mà phải thông qua bệnh viện quận huyện, rồi bệnh viện quận huyện mới ký lại hợp đồng với các trung tâm, để thông qua bệnh viện mới có thể làm các thủ tục thanh toán BHYT, dự trù thuốc men… cho các trạm y tế có khám chữa bệnh BHYT.

Hệ thống phần mềm quản lý giữa BHXH và Sở Y tế, theo BS Tùng, hiện cũng còn bất cập, chưa tương thích. Nhưng quan trọng hơn cả, chính là khó khăn về con người. “BS ở trạm chỉ có một thôi, nên khi có BS nghỉ hưu, BS mới ra trường về thay thế lại không thể lấy chứng chỉ hành nghề, cũng do chưa có chức năng khám chữa bệnh. Theo quy định, phải có thời gian thực hành, làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh 18 tháng mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề” - ông Tùng chia sẻ. Tại những trạm sử dụng lực lượng y sĩ đi học chuyên tu lên BS cũng cùng chung cảnh ngộ.

May mắn thay, đối với Q.10, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện quận phối hợp nhận BS chưa có chứng chỉ hành nghề tại Trạm y tế P.4 qua thực hành, đồng thời cử BS đủ điều kiện của bệnh viện qua khám tại trạm.

Bên cạnh những vướng mắc, ông Tùng còn cho biết, trạm y tế hiện đang phải gánh vác quá nhiều nhiệm vụ, mà cái nào cũng “trọng tâm”. Trước tiên, về công tác dự phòng, trạm y tế phải triển khai tổ chức thực hiện các chương trình phòng chống dịch bệnh, chương trình y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.

Trong đó, công tác thường xuyên là tiêm chủng mở rộng cho trẻ, khám và quản lý BN lao, tâm thần, phong, chăm sóc bà mẹ trẻ em, phụ trách vấn đề nguồn nước, ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng, bệnh mạn tính không lây nhiễm… Đó là chưa kể, khi có dịch bệnh, trạm phải tập trung quyết liệt cho công tác này. Nhiệm vụ thứ hai là khám chữa bệnh sơ cấp cứu, khám chữa bệnh BHYT; thứ ba là tham mưu công tác quản lý nhà nước cho lãnh đạo UBND phường xã về các vấn đề liên quan đến y tế như an toàn thực phẩm, phòng khám y tế tư nhân…

Trở lại với việc khám chữa bệnh tại trạm y tế, BS Tùng cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng Q.10 đã được Sở Y tế giám định và đồng ý cho thêm bảy trạm y tế nữa tham gia khám BHYT, đang chờ BHXH TP.HCM cấp mã số đăng ký. Theo ông, nếu làm tốt chủ trương này ở hơn 300 trạm y tế phường xã trên toàn thành, sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Sau khi nghe về những khó khăn ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cùng ước mơ “thực hiện tốt chủ trương”, chúng tôi đặt vấn đề chất lượng điều trị và niềm tin của người dân ở trạm y tế, BS Tùng cho rằng, chất lượng khám ở đâu cũng như nhau. “Sở Y tế đang tập huấn phác đồ điều trị áp dụng cho tất cả trạm y tế. Việc này giúp nâng cao chất lượng điều trị và dự trù tốt cho việc khám chữa bệnh tại trạm”, ông Tùng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lê Đăng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.7 cho biết, hiện trên địa bàn quận  có ba trạm y tế khám chữa bệnh BHYT tại phường Tân Phú, phường Tân Quy và phường Tân Hưng, mỗi trạm có từ một-hai bác sĩ, ngoài ra có khoảng sáu nhân viên bao gồm điều dưỡng, phụ trách dược… 

Cụ thể, Trạm Y tế phường Tân Phú do bác sĩ  B.L. phụ trách, giờ hoạt động của các trạm y tế là trong giờ hành chính. Tuy nhiên, khi phóng viên cho biết không tìm thấy bác sĩ và nhân viên nào của trạm chiều 28/3, ông Đăng tỏ ra bất ngờ, giải thích: “Có lẽ buổi chiều ít bệnh nhân nên bác sĩ đi đâu đó. 

Cũng có thể bác sĩ L. đi học bồi dưỡng”. Sau đó, ông Đăng liên hệ lại với phóng viên, cho biết: “Bác sĩ L. vắng mặt vì đi làm hồ sơ xác minh trẻ khuyết tật. Còn việc chỉ có sinh viên thực tập và không có nhân viên nào khác thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại”. 

T.H.

Quốc Ngọc - Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI