Tuy nhiên, hoạt động này chỉ dừng lại ở mức độ tư vấn chứ không phải khám bệnh như nhiều thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông vài ngày qua. Hiện, Luật Khám chữa bệnh không cho phép bác sĩ chẩn đoán, kê toa từ xa.
Suýt chết vì tự điều trị theo tư vấn
Chị T.T.D. (35 tuổi, ngụ đường Phạm Hữu Lầu, Q.7, TP.HCM) vừa trải qua bài học nhớ đời vì gọi điện hỏi bác sĩ (BS) rồi tự điều trị bệnh cho con trai bốn tuổi. Con trai bị sổ mũi. Nghĩ con chỉ viêm hô hấp trên như những lần khác, chị gọi điện thoại cho BS quen nhờ hướng dẫn thuốc cho bé uống.
Uống thuốc ba ngày, con chị không bớt bệnh mà còn chuyển qua khò khè, đêm ngủ hay nôn ói. Chị D. lên mạng, vào các trang tư vấn sức khỏe, tìm kiếm thông tin về tình trạng bệnh của con và nhận được lời khuyên “bé ói và khò khè là do nước mũi chảy xuống cổ họng, gây viêm họng, vài ngày sau sẽ giảm”, nhưng thực tế thì ngược lại.
“Đang ngủ, tôi cảm thấy chiếc mền rung lên. Nắm lấy tay con, tôi thấy người cháu run rẩy, chân tay lạnh toát, môi tái nhợt. Cặp nhiệt độ, cháu sốt đến 39,5 độ. Tôi liền gọi taxi đưa con vào bệnh viện”, chị D. kể. Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, BS chẩn đoán cháu bị viêm phổi nặng, nếu can thiệp trễ, nguy hại khó lường.
Thấy da con gái có những nốt bất thường, chị P.H.V. (28 tuổi, ngụ Q.2) gọi Facetime cho BS quen, nhờ chẩn đoán bệnh. Dù không phải chuyên khoa da liễu, vị BS vẫn nhiệt tình tư vấn: “Có lẽ bé bị nấm đấy, chắc bôi Nizoral là khỏi”.
Ra tiệm thuốc tây mua thuốc về bôi cho con, sau nhiều ngày, tổn thương trên da bé không giảm mà còn nặng thêm, lở loét. Đưa con tới BV khám, chị mới biết con bị viêm da tiếp xúc.
Trên mạng, các “chuyên gia” đua nhau tư vấn sức khỏe. Mới đây, nhiều người còn xôn xao về mô hình telehealth - chẩn đoán bệnh qua điện thoại.
Góp phần giảm tải bệnh viện?
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM dẫn giải, dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh. Theo ước tính của Cục Dân số, vào năm 2050, Việt Nam sẽ có tỷ lệ già hóa dân số vào bậc nhất thế giới. Mỗi người già mang trong mình ít nhất một bệnh lý mãn tính.
Nhiều trường hợp bệnh mãn tính không cần thiết phải vào cơ sở khám chữa bệnh hay BV, chưa kể, hao phí di chuyển và mất thời gian, nhất là với người già việc đi lại càng khó khăn. Bệnh nhân đi khám mất 3-4 tiếng đồng hồ, nhưng thời gian thụ hưởng thật chỉ chưa tới 30 phút.
Vì vậy, chỉ cần có giải pháp giảm thời gian chờ đợi là có thể giải quyết phần quá tải “ảo” này. Từ thực tế trên, giải pháp y tế ngoại viện, telehealth được Hội Y tế công cộng TP.HCM đưa ra nhằm cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân. Áp dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần giải quyết gánh nặng cho ngành y tế.
|
Trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
“Với mô hình telehealth cấp độ cao, cán bộ y tế và người dân sẽ trực tiếp nhìn thấy sắc diện của nhau khi nói chuyện thông qua các ứng dụng tương tự như Facetime. Nhờ vậy, tính tương tác cũng cao hơn và BS đưa ra lời khuyên, tư vấn chính xác hơn.
Tuy nhiên, với phương pháp này, bệnh nhân gần như đang được khám bệnh chứ không phải là khám bệnh thực sự. Nếu nói khám bệnh là hiểu sai hẳn bản chất của mô hình này. Luật Khám chữa bệnh cũng không cho phép làm vậy”, BS Giang nói.
Tuy nhiên, đánh giá về lợi và hại của việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh từ xa thông qua các ứng dụng như Viber, Facetime..., BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi Đồng 1, người có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho bệnh nhân trên trang Hỏi BS nhi đồng, nhận định: qua sắc diện, BS sẽ có cái nhìn khái quát về tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Tư vấn sức khỏe “mặt đối mặt” từ xa nâng cao tương tác giữa bệnh nhân và BS. Đôi khi bệnh nhân chỉ vì lo lắng thái quá... “sinh bệnh”, BS sẽ hướng dẫn họ cách theo dõi sức khỏe, nhận biết khi nào cần phải tới BV.
Tuy nhiên, BS tư vấn cho bệnh nhân phải là người giỏi nghề, và cần biết, đây chỉ là tham vấn chứ không phải khám bệnh. Dựa vào cảm quan, nếu BS phán đoán sai, bệnh nhân tới viện chậm trễ có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Chăm sóc sức khỏe từ xa giúp giảm tải bệnh viện: Viển vông!
Tư vấn qua các ứng dụng như Facetime hay Viber, theo tôi ưu điểm lớn nhất là người gọi được nhìn mặt người nói chuyện mà không tốn tiền. Chẳng hạn, một số bệnh nhân trở về Mỹ, Canada, dùng Facetime gọi cho tôi để cập nhật tình hình của họ, giúp tôi theo dõi bệnh nhân được sát hơn.
Tôi cho rằng, dù có tương tác bằng hình ảnh qua các phần mềm hỗ trợ để BS và bệnh nhân mặt đối mặt thì cũng chỉ là tư vấn thôi. Hình ảnh đó không giúp gì thêm cho chẩn đoán của BS. Trông chờ vào việc chăm sóc sức khỏe từ xa để giảm tải BV là viển vông. Nếu bệnh nhân ỷ lại vào cách này, lạm dụng gọi facetime hay các ứng dụng tương tự rồi tự điều trị thì rất nguy hiểm.
BS khi khám bệnh phải nhìn trực tiếp bệnh nhân, còn phải nắn, sờ để xem độ sang thương tới đâu. Chưa kể các kỹ thuật cận lâm sàng. Ngay tại BV, khi một bệnh nhân đến cùng một chuyên khoa khám bệnh, nhưng gặp hai BS đã đưa ra hai chẩn đoán vênh nhau.
Khi tư vấn qua điện thoại cho bệnh nhân, tôi chỉ nói chung chung các hướng giải quyết. Ví dụ, tại khu vực họ sinh sống những cơ sở y tế nào có thể can thiệp tốt tình trạng của họ. Đối với bệnh nhân đang được tôi điều trị, đã được khám trực tiếp và kê toa, khi sử dụng thuốc nếu thấy có sự bất ổn, họ gọi điện, tôi sẽ đưa ra tư vấn là nên hay không nên dùng thuốc tiếp, hẹn họ tái khám.
Với các bệnh nhân lạ, tôi không bao giờ tư vấn về điều trị, cũng như nhắn tên thuốc. Bởi bệnh nhân nói và mô tả về bệnh chưa chắc đúng. Đã có nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới muốn ứng dụng khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe bằng robot, nhưng cũng phải dừng lại bởi con người là một tổng thể vô cùng phức tạp.
BS Lê Thái Vân Thanh (giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TP.HCM)
|
Thanh Huyền