Khám bệnh từ xa: Tư vấn là chủ yếu

10/04/2020 - 15:53

PNO - Sợ dịch, ngại đến cơ sở khám chữa bệnh thì giờ đây bạn có thể đặt bác sĩ đến khám, mua thuốc trực tuyến và hỏi đáp y tế từ xa.

Ngồi nhà gặp bác sĩ

 Ngồi bất cứ đâu cũng gặp được bác sĩ dễ dàng
Ngồi bất cứ đâu cũng gặp được bác sĩ dễ dàng

Từ ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Thảo Nhi (ngụ Q.2, TP.HCM) không dám đưa người mẹ gần 70 tuổi đến bệnh viện mỗi tháng. Thay vào đó, chị chuyển sang chế độ khám sức khỏe từ xa. Bằng cách “gặp gỡ” qua facetime, zalo… bác sĩ sẽ chỉ định tiếp tục dùng loại thuốc nào, ngưng loại nào, kê đơn và giao thuốc đến tận nhà người bệnh. “Do đã theo lâu dài nên chỉ cần nhìn sắc diện bệnh nhân (BN) qua camera, bác sĩ có thể chẩn đoán được tình trạng sức khỏe BN và cho toa thuốc phù hợp. Từ lúc khám từ xa, tôi cũng đỡ lo khi không phải đến nơi đông người” - chị Nhi chia sẻ.

Còn anh Bùi Văn Vỹ (ngụ Q.9, TP.HCM) cho hay, con gái anh năm nay ba tuổi rất lười ăn, nhẹ cân so với các bạn cùng tuổi. Anh tính qua Tết đưa con đến bác sĩ dinh dưỡng thì xảy ra dịch bệnh. Anh đã được đồng nghiệp chia sẻ ứng dụng tư vấn sức khỏe trực tuyến, chỉ cần đăng ký tài khoản, người dùng sẽ gặp ngay bác sĩ qua video call.

Sau khi trình bày tình trạng sức khỏe, cân nặng của con gái, anh Vỹ được hướng dẫn các thực phẩm cần bổ sung, cách chế biến thực phẩm, một số vitamin hỗ trợ cho trẻ… Đơn thuốc cũng được gửi qua ứng dụng, có địa chỉ nhà thuốc gần nhà. Anh chỉ cần đem ra tiệm thuốc, đưa điện thoại ra sẽ có nhân viên lấy đúng loại trên toa.

“Không ngờ mọi thứ lại dễ dàng như vậy. Đợt rồi cạnh nhà tôi có một cháu bị sặc sữa, may nhờ bác sĩ từ xa hướng dẫn sơ cứu kịp thời nên cháu bé đã qua cơn nguy hiểm. Nhiều khi mình đã đọc kỹ các tài liệu hướng dẫn sơ cứu, nhưng khi gặp chuyện lại không thể áp dụng được. nếu có người hướng dẫn bên cạnh thì thực hành dễ hơn. Trường hợp thao tác không đúng, bác sĩ nhắc ngay để mình chỉnh sửa” - anh Vỹ cho biết.

Trăm hoa đua nở

Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ khi có dịch COVID-19, các ứng dụng y tế thông minh, cụ thể là chăm sóc sức khỏe từ xa, được nhiều người biết đến. Chẳng hạn, Công ty cổ phần giải pháp y tế thông minh Ecomedic xây dựng sản phẩm toàn diện tạo thành một vòng tròn khép kín chăm sóc sức khỏe như: quản lý phòng khám, đặt hẹn, quản lý nhà thuốc, trang web hỏi đáp về sức khỏe… Ngoài ra, những BN “muốn đi khám bệnh mà không có thời gian” cũng có thể đặt lịch hẹn, trò chuyện qua đoạn phim (video call) với phòng khám và bác sĩ trực tiếp.

Ứng dụng di động đa nền tảng Zinmed dành cho cộng đồng BN tiểu đường cũng được nhiều người sử dụng. Sản phẩm cung cấp thông tin định hướng tới từng nhóm bệnh và đối tượng cụ thể, hỗ trợ tra cứu dinh dưỡng và thực phẩm, tìm kiếm đánh giá phòng khám và bác sĩ. 

Hay eDoctor được cài đặt trên điện thoại di động, với những chức năng cơ bản được cung cấp miễn phí cho người dùng như hỏi đáp với bác sĩ, tra cứu thuốc, tìm phòng khám hay nhà thuốc gần nhất… 

Mới đây, Doctor Anywhere - ứng dụng chăm sóc y tế từ xa - đã thành công khi gọi vốn thêm 27 triệu USD. Doctor Anywhere là doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập tại Singapore. Ứng dụng này cho phép người dùng kết nối trực tuyến với đội ngũ bác sĩ trên khắp đất nước để tư vấn sức khỏe qua hội thoại video. Sau đó, thuốc sẽ được giao tận tay người dùng trong vòng ba giờ đồng hồ. Doctor Anywhere đang phục vụ hơn một triệu người dùng ở Việt Nam, Singapore và Thái Lan thông qua các nền tảng trực tuyến và ngoại tuyến. Riêng ở Việt Nam, trung bình hiện có hơn 350 ca tư vấn trên ứng dụng/ngày.

Bên cạnh đó, người dùng có thể tải về các ứng dụng trên điện thoại thông minh như Bookcarer, Dr.Oh, YouMed, Jio Health, Med247... sau đó dễ dàng đặt lịch khám online, tư vấn sức khỏe online hoặc có nhân viên y tế tới tận nhà lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả cũng trên điện thoại... 

Đại diện một ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa cho biết, lượng tăng trưởng của doanh nghiệp đang rất tốt, từ 20-30%/tháng. Nguyên nhân là do nhiều người lo lắng và ngại đến các cơ sở khám chữa bệnh; một số phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh đóng cửa nghỉ do dịch…

Người Việt bắt đầu đón nhận

Không thể phủ nhận xu hướng chăm sóc sức khỏe từ xa đang được nhiều quốc gia ứng dụng, nhất là trong thời kỳ có dịch COVID-19. Các nước châu Âu cũng đưa ra khuyến cáo người bệnh ở tại nhà và theo dõi sức khỏe từ xa với những trường hợp còn đang nghi ngờ hoặc lâm sàng nhẹ. Hay tại Mỹ, cũng tư vấn từ xa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng bắt đầu được nhiều người đón nhận.

Theo nhiều chuyên gia y tế, việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa giúp nhân viên y tế dễ dàng tiếp cận một lượng lớn người bệnh mới có các triệu chứng lâm sàng thông qua những hình thức trực tuyến như nghe, hỏi, quan sát BN để đánh giá cơ bản bước đầu, tư vấn sơ bộ cho người bệnh, khuyến cáo về thời điểm BN cần đến các trung tâm y tế; từ đó hạn chế việc tiếp xúc đông người, tăng hiệu quả phòng dịch...

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn băn khoăn về chất lượng, ví dụ như với một người có nhiều bệnh lý nền thì bác sĩ không thể nào nhìn qua video mà “bốc thuốc”. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1, người có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho bệnh nhân trên trang alobacsi, cho rằng, chăm sóc từ xa phải tùy từng bệnh nhân, từng loại bệnh chứ không phải bệnh nào cũng có thể chăm sóc được qua ứng dụng mà trong nhiều trường hợp cụ thể, bác sĩ phải “sờ tận tay, nhìn tận mắt”.  

“Người bệnh cần phân biệt rõ đây chủ yếu là tư vấn, tham vấn. Với những trường hợp BN quá lo lắng, bác sĩ từ xa sẽ hướng dẫn họ cách theo dõi sức khỏe, nhận biết khi nào cần phải tới bệnh viện. Nhân viên y tế muốn tư vấn từ xa phải là người giỏi nghề. Bởi nếu dựa vào cảm quan, nếu bác sĩ phán đoán sai, BN tới viện trễ có thể gây hậu quả nghiêm trọng” - bác sĩ Khanh lưu ý. 

Anh Đặng Tất Thắng (kiều bào Úc), nhà sáng lập Công ty TNHH Giải pháp công nghệ I3 Australia với nhiều dự án về y tế thông minh đang được ứng dụng tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước, nhìn nhận: “Về mặt lâm sàng, các ca bệnh mới cần gặp bác sĩ để bác sĩ có thể nghe, sờ, nhìn... Còn với các ca tái khám thì có thể tiến hành qua mạng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, tính pháp lý của bệnh án và các chứng từ liên quan như toa thuốc thông qua chữ ký số còn chưa phổ biến, nếu BN khám bảo hiểm y tế thì còn phức tạp hơn nữa”.

Ở sự kiện giao lưu với các bác sĩ diễn ra tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM hồi cuối tháng 2/2020, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Danh, chuyên gia tư vấn quản lý dự án và digital startup ngành y tế cho hay, mô hình y tế từ xa ở Việt Nam đang có điều kiện để phát triển, làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, dân số đông, ngày càng quan tâm tới nhu cầu chăm sóc sức khỏe...

Theo bác sĩ Danh, tại nước ngoài, y tế từ xa (telemedicine) đã phát triển rất mạnh mẽ, người bệnh không cần tới bệnh viện, chỉ cần gọi điện thoại hình ảnh với bác sĩ, nhờ những công cụ kết nối phía người bệnh và thiết bị có thể đọc dữ liệu nơi bác sĩ, bác sĩ có thể chẩn đoán, kê đơn thuốc... Còn tại Việt Nam, các ứng dụng hiện tại chỉ cho phép gọi, nhắn tin qua lại, trò chuyện với bác sĩ. Tuy nhiên, xu hướng sắp tới sẽ là sức khỏe kết nối, công nghệ sẽ đưa các nền tảng người bệnh, nhân viên y tế, bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe... thành hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng. 

Để sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, khách hàng chỉ cần tải app (miễn phí) của ứng dụng. Sau đó chọn gói dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc thai kỳ… mua theo năm (khoảng 15 triệu đồng/năm); các xét nghiệm tại nhà có nhân viên y tế đến tận nơi lấy mẫu, giá theo từng loại xét nghiệm; hoặc có thể tư vấn trên app với giá 100.000 đồng/10 phút. Ngoài ra, nhiều ứng dụng còn kết hợp với các công ty bảo hiểm nhân thọ, trở thành một trong những quyền lợi mà khách hàng được hưởng khi mua bảo hiểm.

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI