Tuy nhiên, các bệnh viện đang gặp khó vì cơ chế tài chính chưa rõ ràng. Hiện chưa có hướng dẫn thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, thanh toán chi phí cho các bác sĩ hội chẩn từ xa…
Telehealth giúp can thiệp kịp thời
Liên tục sốt 38-39 độ C, sau một ngày theo dõi tại nhà, bé N.M.A. (sáu tháng tuổi, tỉnh Bắc Giang) xuất hiện triệu chứng ngủ gà, những cơn co giật toàn thân kéo dài từ 1-2 phút. Quá lo lắng, gia đình vội đưa con vào Bệnh viện (BV) Sản Nhi Bắc Giang để điều trị. Tại đây, các bác sĩ (BS) khám và phát hiện trẻ có vết loét hàm ếch, thành sau họng loét có giả mạc trắng nhưng không có tổn thương dạng mụn nước ở lòng bàn tay, chân hay phần mông. Đáng lưu ý, bé A. cũng có chị gái ba tuổi và em họ một tuổi ở cùng nhà đều đang bị loét miệng. Bệnh nhi được chẩn đoán tay chân miệng không loại trừ viêm não, viêm màng não.
|
Một buổi khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Nhi Trung ương |
Trước tình trạng này, BV Sản Nhi Bắc Giang đã hội chẩn từ xa với BV Nhi Trung ương. Thông qua các dấu hiệu lâm sàng cũng như kết quả chụp chiếu, trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng có biến chứng viêm não, viêm màng não. Do thiếu thuốc điều trị nên để không bỏ lỡ “thời gian vàng”, bé A. đã được chuyển lên BV Nhi Trung ương. Nhờ can thiệp kịp thời, bệnh nhi đã hồi phục và được xuất viện cuối tuần qua.
Trường hợp cháu A. chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh được các BV tuyến huyện, tuyến tỉnh khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) với đơn vị tuyến đầu để có biện pháp xử trí kịp thời. Mới đây, cũng nhờ Telehealth, một thai phụ ngừng tim đã được hồi sinh kỳ diệu. Ngày 3/9, chị N.T.X. (28 tuổi, tỉnh Hòa Bình) bị dọa sẩy thai và được BS BV đa khoa tỉnh Hòa Bình sử dụng thuốc điều trị giữ thai.
Tuy nhiên, sau khi dùng, thai phụ bị sốc phản vệ nặng và nguy kịch. Dù được cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng bệnh nhân không đáp ứng dẫn tới ngừng tim gần 60 phút. Các BS phải ép tim liên tục trong 30 phút, sốc điện nhiều lần và ứng dụng thêm các biện pháp cấp cứu tích cực... tim mới đập trở lại. Tuy nhiên, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng suy đa tạng, huyết áp rất thấp và phụ thuộc vào thuốc trợ tim liều cao, tiên lượng tử vong cao.
Trong tình huống khẩn cấp, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiến hành khám chữa bệnh từ xa với BV Bạch Mai. Sau hội chẩn, BV Bạch Mai cử một kíp cấp cứu lên đường cùng với hệ thống thiết bị ECMO (tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) đến tỉnh Hòa Bình. Sau bốn tiếng đặt ECMO, tình trạng thai phụ đã ổn định hơn và đủ điều kiện an toàn để vận chuyển về BV Bạch Mai. Tỉnh dậy sau ba ngày điều trị, chị X. vẫn chưa tin mình còn sống: “Khoảnh khắc cuối cùng tôi nhớ được là người nhà đưa đến BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở một nơi xa nhà và vừa được sống thêm một lần nữa”.
Bệnh viện gặp khó vì chi phí cho Telehealth
Khám chữa bệnh từ xa được Bộ Y tế triển khai năm 2020, tới nay đã kết nối hơn 1.000 điểm khám chữa bệnh trên cả nước, kể cả vùng núi, hải đảo. Trong đó, gần 20 BV trung ương kết nối khám chữa bệnh từ xa như BV Bạch Mai (kết nối được 300 điểm), BV Việt Đức (kết nối gần 130 điểm), BV Đại học Y (kết nối với gần 200 điểm)…
Theo giáo sư Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới được thực hiện theo phương thức 1-1, một BV tuyến trên hỗ trợ cho một cơ sở tuyến dưới thì hiện nay, được mở rộng theo mô hình 1-N. Cụ thể, một BV tuyến trên hỗ trợ nhưng tất cả BV tuyến dưới đều có thể tham gia hội chẩn, theo dõi, qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn. Quan trọng nhất là nâng cao chất lượng khám bệnh, giúp người dân không phải đi xa mà vẫn được các BS tại BV tuyến đầu khám chữa bệnh.
Theo giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong đại dịch COVID-19, Telehealth giúp người dân hạn chế việc di chuyển cũng như tập trung đông người tại BV tuyến trung ương, làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Với những ca bệnh nặng, các BS tại nhiều BV có thể cùng hội chẩn để cùng đưa ra những giải pháp điều trị.
Dù vậy, cái khó của Telehealth theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển, phó giám đốc BV Nhi Trung ương, là không phải BV, cơ sở y tế nào cũng có thể đáp ứng được hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để có thể thực hiện. Để các bác sĩ có thể hội chẩn chính xác, ngoài kết quả xét nghiệm, hình ảnh chụp chiếu đòi hỏi phải được gửi với chất lượng cao, rõ nét từng chi tiết mà nếu không có hạ tầng kỹ thuật tốt thì không thể đảm bảo.
Thêm vào đó, dù tới nay, hàng loạt BV đã kết nối Telehealth nhưng vẫn còn vướng mắc liên quan tới cơ chế tài chính. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, cho biết, hiện vẫn chưa có hướng dẫn thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, thanh toán chi phí cho các BS tham gia hội chẩn từ xa, chi phí đường truyền…
Liên quan vấn đề này, phía Bảo hiểm y tế cho biết đã xác định Telehealth là một dịch vụ y tế được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng quy định một cách chi tiết, rõ ràng…
Huyền Anh