“Bắt bệnh” dòng Mê Kông
Mùa nước nổi năm nay, nước sông Tiền trong vắt, kèm phù sa. Ở một số vị trí, nhóm quan trắc sinh học của chuyên gia sinh học Huỳnh Vũ Ngọc Quý (Trưởng bộ môn Sinh thái và Tài nguyên môi trường - Viện Kỹ thuật Biển) ghi nhận có các sinh vật với đặc tính ưa nước mặn đã xâm nhập. Anh Quý lo năm nay, người dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị hạn mặn xâm nhập tiêu tán mùa màng. Đến dưới chân cầu Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long), nhóm chuyên gia dừng thuyền. Sau khi dùng thiết bị đo độ trong, độ nhiễu động của nước, quan sát sự sống ven bờ, anh Quý quyết định thực hiện thu mẫu quan trắc sinh học.
Thấy nhóm chuyên gia khệ nệ xách đống đồ nghề, người dân xúm lại hỏi thăm. Lâu nay, sau mỗi lần các chuyên gia đến đo đo, vớt vớt, người dân luôn được nhận những lời khuyên bổ ích liên quan đến “sức khỏe” dòng sông, cũng là vùng mưu sinh của họ.
|
Các “bác sĩ” đang dùng máy đo độ nhiễu động của nước sông Mê Kông |
Để kiểm tra sức khỏe của đoạn sông này, các “bác sĩ” chọn một vị trí cố định, rồi lấy mẫu trong độ dài 10km về thượng nguồn và 10km về hạ nguồn.
Chuyên trách việc lấy mẫu tảo bám đáy, anh Ngọc Quý nhanh chóng đặt các dụng cụ ở ven bờ sông Tiền. Anh cẩn thận tính toán từng bước đi để chọn vị trí cách bờ chừng 5m. Khi đến đúng điểm, anh tìm những hòn đá nằm dưới dòng sông lâu ngày. Vớt đá lên, anh Quý tỉ mẩn cạo lấy mẫu tảo bám trên đó. Trên đoạn sông chừng 100m, cứ 10m anh sẽ tiến hành lấy một mẫu.
Cùng lúc này, nhóm chuyên gia khác đang tìm chỗ nước cạn để vớt động vật nhuyễn thể. Họ dùng lưới quét dọc theo bờ sông chừng 20m. Để thu được những mẫu nghiên cứu chất lượng, các “bác sĩ” phải thực hiện 100 lần quét lưới.
Trên chiếc thuyền nhỏ, hai chuyên gia khác dùng xô nhỏ vớt động vật phù du, cẩn thận lọc giữ lại từng sinh vật nhỏ nhất trôi trên mặt sông để đóng gói, mang về phòng thí nghiệm.
|
Việc thu mẫu tảo bám đáy đòi hỏi các “bác sĩ” của dòng sông phải tỉ mỉ, cẩn thận |
Gần trưa, nhóm nghiên cứu chuyển sang công việc khó khăn nhất là thu thập mẫu động vật đáy. Họ đưa thuyền ra giữa dòng, ném gầu xuống để vớt bùn, cát lên. Chiếc gầu nặng thả sâu tới vài chục mét nên sức kéo rất mạnh, có thể giật văng người trên thuyền xuống nước bất cứ lúc nào.
Từ các mẫu sinh vật lấy được, các “bác sĩ” sẽ kết hợp với chỉ số hóa lý để đánh giá chất lượng nước, xếp hạng sức khỏe sinh thái của dòng sông thành bốn mức: rất tốt, tốt, trung bình, xấu.
Phương pháp đánh giá này được Ủy hội sông Mê Công thực hiện ở Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Tại Việt Nam, quan trắc sinh học được thực hiện ở tám điểm trên sông Tiền, sông Hậu đoạn chảy qua các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và được gửi về ủy hội hai năm một lần. Ủy hội sẽ tổng hợp cho ra một bộ dữ liệu hoàn chỉnh để chia sẻ và kiến nghị chính phủ các nước liên quan nhằm tìm giải pháp giúp dòng sông khỏe mạnh.
Anh Ngọc Quý kể rằng, những chuyến đi cho anh và cộng sự nhiều trải nghiệm khó quên. Đó là cảm giác lênh đênh theo con nước, chuyện trò thâu đêm với những người chất phác, thật thà. “Có lần, ở vùng biên thuộc tỉnh Long An chúng tôi gặp vỏ lãi buôn lậu chạy trốn lực lượng chức năng và họ suýt đâm vào thuyền của đoàn. Cũng có lần bị chìm thuyền ở giữa sông, tôi suýt bỏ mạng. Rồi không ít lần bị rơi máy móc quý giá xuống sông, thuê người lặn tìm vài giờ không thấy”, anh Ngọc Quý chia sẻ.
Để dòng sông hồi sinh
Đến sông Tiền, đoạn chảy qua thị trấn Thường Thới Tiền (H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), bằng cảm quan, anh Ngọc Quý nhận ra ngay sự thay đổi của dòng nước. Hai bên bờ sông bây giờ rất ít rác thải. Điều này khác hẳn với hiện trạng rác thải từng được cảnh báo.
|
Nhóm chuyên gia quan trắc sinh học trong một chuyến thực địa hạ lưu sông Mê Kông |
Theo dữ liệu của các chuyên gia, vào những năm 2013 - 2015, chất lượng nước sông Tiền và sông Hậu kém nhất, do ô nhiễm từ nguồn xả thải sinh hoạt trong nội địa, các nhà máy xả thải, nạn nuôi cá lồng…
Kỹ sư sinh học Đỗ Thị Bích Lộc (nguyên cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới) nói với tôi: “Chất lượng nước sông Mê Kông là sinh kế của hàng chục triệu người ở nhiều quốc gia. Ở những nơi chất lượng nước kém, chúng tôi sẽ tìm giải pháp để dòng sông hồi sinh”.
Từ năm 2015 đến nay, kết quả quan trắc sinh học cho thấy sức khỏe sinh thái của sông Tiền, sông Hậu cải thiện rõ rệt. Hầu hết các vị trí đánh giá đều cho kết quả mức B (tốt) và một số ít ở mức C (trung bình).
Anh Ngọc Quý kể: “Kết quả này là sự nỗ lực của nhiều phía, trong đó có sự thay đổi nhận thức về môi trường của người dân. Đơn cử, ở khu vực thị trấn Long Bình, H.An Phú, tỉnh An Giang trước đây vấn nạn xả thải rất khủng khiếp. Bây giờ người dân đã xây dựng nhà vệ sinh, không còn vứt rác xuống sông nữa”.
Từ năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đặt hàng các chuyên gia phân tích nước sông Sài Gòn. Nhóm của cô Bích Lộc đã dành hai năm lặn lội, phân tích chất lượng nguồn nước trên dòng sông này qua hai mùa mưa và hai mùa khô. Kết quả, sức khỏe sinh thái của sông Sài Gòn ở nhiều điểm chỉ ở mức trung bình; tại khu vực xả thải từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chất lượng nước rất kém. Vào mùa mưa, nước thải có xu hướng lan xuống gây ô nhiễm khu vực bến Bạch Đằng.
“Người ta ví von công việc của mình là bác sĩ bắt bệnh và kê toa cho dòng sông, còn việc điều trị là của cơ quan chức năng. Nhóm chúng tôi đã có rất nhiều đề xuất bảo vệ sông Sài Gòn. Sau đó, các cơ quan chức năng TP.HCM áp dụng và có biện pháp bảo vệ, gìn giữ dòng sông”, cô Lộc chia sẻ.
Sau sông Sài Gòn, cô Bích Lộc và các cộng sự lại ngược dòng Đồng Nai, xuôi dòng Thị Vải, Lòng Tàu hay về dòng Vàm Cỏ Đông… để tiếp tục “khám sức khỏe” những dòng nước.
67 tuổi, đã nghỉ hưu 12 năm, cô Bích Lộc vẫn sát cánh cùng các chuyên gia trẻ nghiên cứu về các dòng sông. Trò chuyện với tôi, cô Bích Lộc bày tỏ trăn trở: Hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn gắn liền với sự sống của hàng chục triệu người dân, trong đó có bản thân cô. Hiện nhiều đoạn sông “bị thương” do nạn xả thải, xâm lấn. Cần nghiên cứu và xây dựng hệ thống tham chiếu để làm công cụ đánh giá môi trường trên sông. Khi có hệ thống tham chiếu, các chuyên gia sẽ kịp thời “bắt bệnh” cho những đoạn sông kém khỏe mạnh, tìm ra “phương thuốc” điều trị.
“Nước là sự sống và nước sạch là nguồn cội của sự sống. Những cuộc xâm lấn xây dựng quy mô lớn, những ống xả thải âm thầm dưới lòng sông đã và đang bức tử các dòng sông. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần suy ngẫm về cách con người ứng xử với thiên nhiên”, kỹ sư sinh học Đỗ Thị Bích Lộc nhắn nhủ.
Sơn Vinh