Bệnh nhân BV quận bằng ba BV lớn cộng lại
9g sáng 8/5, khu tiếp nhận bệnh nhân BHYT gồm 20 quầy từ khâu thu tiền, phát thuốc, duyệt thủ tục... được xây dựng khang trang ở BV Trưng Vương (Q.10) bắt đầu thưa người bệnh. Còn ở khu khám bệnh BHYT, các phòng khám ngoại tổng quát, tim mạch, đo điện tim, nội tiết, thần kinh, hô hấp... chỉ lác đác hai-ba bệnh nhân đang chờ gọi tên, chỉ cần đợi ba-bốn phút là đã được vào khám.
Đến 9g30 cả 12 phòng khám ở khu vực các bệnh mạn tính này còn chưa đến 30 người (kể cả người nhà bệnh nhân đi theo). Chị Phùng Huệ Bình, 42 tuổi (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đến khám bệnh tim kể: “Trước đây, mỗi lần đi khám phải chờ vật vã, có khi đến chiều mới xong. Còn bây giờ, gần 8g mới khám thì chưa đến 10g đã xong. Do ở đây khám nhanh, lại ít bệnh nhân nên người nhà tôi muốn đăng ký khám BHYT ban đầu ở BV này nhưng không được vì BHYT bắt buộc chuyển về BV quận theo nơi cư trú. Dù chuyển về BV Q.Tân Phú nhưng nếu khám bệnh, tôi vẫn chọn BV Trưng Vương, chấp nhận tốn thêm ít tiền còn hơn chen lấn ở BV quận”.
Mới 10g sáng nhưng số bệnh nhân làm thủ tục BHYT tại BV Trưng Vương vắng tanh - Ảnh: Phùng Huy
Tương tự, tại BV An Bình, mới 10g sáng nhưng khu phát thuốc BHYT, vốn là khâu cuối cùng có bệnh nhân tập trung đông nhất, chỉ có hai cửa phát thuốc hoạt động, với vỏn vẹn bốn bệnh nhân. Nhiều ghế ngồi dành cho bệnh nhân chờ thu tiền, làm thủ tục... vắng vẻ đìu hiu.
Tại BV Nhân dân Gia Định, với 58 bàn khám dành cho bệnh nhân BHYT, nhưng số bệnh nhân đến khám vắng vẻ. Khoảng 10g, khu làm thủ tục BHYT ở lầu một hay khu phát thuốc dưới tầng trệt đã thưa người.
Các bệnh nhân BHYT bị buộc chạy từ BV tuyến trên về khám tại BV quận/huyện, khiến tuyến dưới rơi vào tình trạng quá tải. BV Q.Bình Thạnh, nằm sát với BV Nhân dân Gia Định nhưng số bệnh nhân đăng ký BHYT nhiều gấp đôi so với BV Nhân dân Gia Định. 11g sáng 7/5, khu khám Nội ở BV Q.Bình Thạnh đã lên con số thứ tự gần 400, nhiều bệnh nhân ngồi vật vờ trước cửa đợi chờ đến lượt. 15g chúng tôi trở lại thì hai bãi xe BV không còn chỗ nhận xe, nhiều bệnh nhân phải chạy lòng vòng tìm chỗ gửi. Chị Lê Thị Mỹ, 38 tuổi (ngụ Q.Gò Vấp) than: “Trước đây, tôi đăng ký khám bệnh ban đầu ở BV Nhân dân Gia Định, sau đó bị gián đoạn. Khi tôi đăng ký trở lại thì BHYT không cho đăng ký ở BV Nhân dân Gia Định mà phải chuyển sang BV Q.Bình Thạnh. Khám các bệnh về chuyên khoa nội tiết ở đây cực lắm. Tôi đến khám từ sáng sớm mà chờ đến số thứ tự 500 mới được khám”. Điều nghịch lý ở chỗ, dù là BV tuyến quận nhưng BV Q.Bình Thạnh được tiếp nhận hơn 200.000 bệnh nhân đăng ký. Con số này lớn hơn ba BV Trưng Vương, Nhân dân Gia Định và An Bình cộng lại, chỉ với 192.000 thẻ BHYT”.
Hay như BV đa khoa khu vực Hóc Môn có hơn 160.000 bệnh nhân đăng ký BHYT và mỗi ngày BV này khám cho khoảng 2.000 lượt bệnh. Bệnh nhân Phạm Phương Thanh - thương binh 2/4 - than thở: “Khu ngồi chờ khám bệnh nắng gắt lại thiếu quạt máy. Mỗi lần đi khám phải thức dậy lúc 4g sáng bốc số thứ tự mà đến gần trưa mới khám xong. Tôi tuổi cao, sức khỏe không được tốt, mỗi khi đau nặng mới dùng BHYT, còn nhức đầu, sổ mũi thì ra tiệm thuốc gần nhà mua cho nhanh”.
11g trưa nhưng bệnh nhân chờ khám tại BV Q.Bình Thạnh vẫn đông đúc - Ảnh: Văn Thanh
BHYT TP.HCM sẽ tháo gỡ
“Chúng tôi đã làm công văn gửi BHXH TP khẳng định BV An Bình không rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí số bệnh nhân đến khám BHYT còn quá thấp so với mục tiêu 200.000 thẻ của BV. Nếu BV còn quá ít bệnh nhân đến khám thì bác sĩ chỉ biết ngồi chơi!”, BS Vũ Minh Đức, Phó Giám đốc BV An Bình cho biết. Theo BS Đức, BHXH chỉ nên điều chỉnh đăng ký KCB ban đầu cho những BV nào rơi vào tình trạng quá tải. BV An Bình có đầy đủ các chuyên khoa và với 600 giường nội trú, đáp ứng được 2.500 lượt khám mỗi ngày, nhưng hiện chỉ khoảng 1.000 bệnh nhân đến khám, do đó việc chuyển bệnh nhân đi sẽ gây giảm thu trầm trọng cho BV.
Đồng tình quan điểm này, BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Trưng Vương cho rằng, 80% bệnh nhân đến khám ở BV Trưng Vương theo dạng BHYT; do đó, kể từ khi bệnh nhân bị chuyển bớt đi nơi khác đã khiến BV giảm thu rất nhiều. “Mục tiêu của BHYT phải đảm bảo lợi ích hài hòa cho người bệnh, tạo sự hài lòng và nâng cao chất lượng KCB. Do đó, việc điều tiết lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế phải theo lộ trình, không nên chuyển ồ ạt".
Nhiều BS đề nghị BHYT nên cho phép bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên được lựa chọn nơi KCB ban đầu, thay cho bệnh nhân phải từ 85 tuổi trở lên như quy định. Đặc biệt, BHYT ưu tiên cho những bệnh nhân từng tham gia BHYT diện bắt buộc khi còn tuổi lao động. Nguyên nhân do những bệnh nhân lớn tuổi thường mắc các bệnh mạn tính như: tim mạch, nội tiết, hô hấp,... nếu được điều trị ở BV lớn sẽ tốt hơn, đồng thời hạn chế được thời gian và thủ tục chuyển viện.
Các BV tuyến trên băn khoăn, việc điều chuyển về BV quận/huyện tạo cơ hội cho tuyến dưới nâng cao tay nghề, nhưng với tình trạng quá tải, cơ sở vật chất, năng lực tay nghề đội ngũ tuyến dưới liệu có đáp ứng nhu cầu KCB? Trong khi đó, các BS tuyến trên phải “ngồi không” là sự lãng phí lớn. BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM - cho biết, theo quy định của luật BHYT thì người đăng ký BHYT được lựa chọn nơi KCB ban đầu gần nơi cư trú cho thuận tiện nhưng chỉ đăng ký từ tuyến huyện trở xuống. Thế nhưng, quy định này phù hợp với các tỉnh/thành khác vì ít BV nên dễ thực hiện; riêng tại TP.HCM, khi mạng lưới khám bệnh BHYT đã có từ năm 1992 và người bệnh đã đăng ký rải khắp từ tuyến trung ương xuống tuyến quận/huyện nên việc phân bổ gặp khó khăn. BHXH TP.HCM và Sở Y tế TP đã chủ động lên phương án trao quyền cho mỗi BV tự đăng ký chỉ tiêu thẻ BHYT, dựa trên năng lực của mỗi cơ sở KCB. Tuy nhiên, danh sách này còn đang trình BHXH TP phê duyệt.
Văn Thanh