Khai trương văn phòng Một điểm đến hỗ trợ phụ nữ hồi hương tại Cần Thơ

03/03/2021 - 16:00

PNO - Sáng 3/3, tại TP.Cần Thơ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN TP.Cần Thơ tổ chức khai trương Văn phòng dịch vụ Một điểm đến nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương thứ hai tại Việt Nam.

Văn phòng OSSO Cần Thơ đặt tại Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long (số đường A6, khu vực 11, phường Hưng Phú, quận Cái Răng). Trước đó, Văn phòng OSSO Hà Nội được khai trương vào tháng 10/2020 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (số 20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ).

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, đây là hoạt động nằm trong dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) hỗ trợ kỹ thuật được triển khai thực hiện từ tháng 3/2020.

Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, TP Cần Thơ cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Văn phòng OSSO đầu tiên tại miền Tây Nam bộ
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Văn phòng OSSO đầu tiên tại miền Tây Nam bộ

Trên cơ sở nghiên cứu và nhu cầu thực tế của phụ nữ di cư hồi hương, Văn phòng OSSO là đầu ra quan trọng của dự án trên, được thành lập nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ. 

"Kể từ khi dự án được khởi động, tới nay nhiều hoạt động đã được triển khai, trong đó có chuỗi các hội thảo vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương được tổ chức tại 5 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn dự án là: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang. Qua đó, giúp tìm hiểu sâu sắc hơn về những khó khăn của phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ và nhu cầu cần được hỗ trợ của họ khi trở về", bà Nga nói.

Theo Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ di cư kết hôn khi trở về Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến trẻ em đi cùng, tìm kiếm cơ hội việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả sơ bộ nghiên cứu ban đầu về trải nghiệm của phụ nữ di cư kết hôn trở về do dự án thực hiện trong tháng 7/2020 cho thấy: 55,1% phụ nữ di cư kết hôn hồi hương đã ly hôn chồng Hàn Quốc nhưng không có giấy tờ ly hôn có giá trị pháp lý khi trở về. Những khó khăn về pháp lý của nhóm này là không có đủ giấy tờ ly hôn; không có thông tin của chồng nên không trích lục được bản án ly hôn. Mặt khác, họ không thực hiện ly hôn được tại Việt Nam do không ghi chú kết hôn; không có đủ chi phí để giải quyết các thủ tục tại Hàn Quốc...

Đầu năm 2021, Hội LHPN TP Cần Thơ giới thiệu cho tôi về Văn phòng Một đểm đến với nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình, tôi rất vui mừng. Hy vọng nơi đây sẽ kết nối các chị em cùng cảnh ngộ giúp nhau vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống, nhất là tâm lý, sức khỏe, việc làm, giáo dục..., một phụ nữ di cư hồi hương chia sẻ.
"Đầu năm 2021, Hội LHPN TP Cần Thơ giới thiệu cho tôi về Văn phòng Một đểm đến với nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình, tôi rất vui mừng. Hy vọng nơi đây sẽ kết nối các chị em cùng cảnh ngộ giúp nhau vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống, nhất là tâm lý, sức khỏe, việc làm, giáo dục..." - một phụ nữ di cư hồi hương chia sẻ.

Một thống kê gần đây cho thấy, giai đoạn 2011 - 2019 đã có 13.996 vụ ly hôn giữa vợ Việt Nam và chồng Hàn Quốc. Tính đến năm 2019, chỉ có 41.430 phụ nữ Việt Nam từ các cuộc hôn nhân Việt Nam - Hàn Quốc còn cư trú tại Hàn Quốc.

Kim Ngân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI