Khai thác tiềm năng du lịch không nhỏ từ nhà vườn Huế

25/12/2024 - 07:22

PNO - Huế có gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn), mỗi ngôi nhà như một “bảo tàng” nhỏ, chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân.

Chỉnh trang để đón du khách

Nhà vườn Huế xuất hiện vào thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn, tập trung nhiều nhất ở Kim Long, Thủy Biều, Vỹ Dạ, Hương Vinh… Cùng với việc làm nơi thờ cúng tổ tiên, sinh hoạt, nhiều nhà vườn đã đón khách tham quan, phát triển du lịch sinh thái. Tiêu biểu như nhà vườn của ông Hồ Xuân Đài tại số 12, kiệt 22, đường Thanh Nghị (Thủy Biều). Ông Đài cho biết, nhà vườn đã đón khách tham quan từ năm 2012.

Nội thất tuyệt đẹp của một ngôi nhà rường sau khi trùng tu
Nội thất tuyệt đẹp của một ngôi nhà rường sau khi trùng tu

Những tháng cao điểm, gia đình ông đón khoảng 10 đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm đạp xe, làm kẹo mè, ngâm chân thảo dược và thưởng thức ẩm thực Huế. “Sắp tới, gia đình tiếp tục đầu tư chỉnh trang khuôn viên nhà vườn, cung cấp dịch vụ homestay, kết nối tour tuyến, tạo ra hệ sinh thái cộng đồng để khai thác du lịch đêm” - ông Đài chia sẻ.

Tại phường Kim Long hiện có khoảng 60 ngôi nhà rường cổ vẫn còn nguyên vẹn nét kiến trúc truyền thống với những khu vườn rộng, nhiều loại cây trái như dâu, thanh trà, măng cụt… Mới đây UBND TP Huế đã đầu tư kinh phí hỗ trợ trùng tu, chống xuống cấp nhà vườn nhằm khai thác tiềm năng du lịch.

Toàn thành phố hiện có 87 nhà vườn. Giai đoạn 2015-2020, có 11 nhà vườn được trùng tu, tôn tạo nhà chính và hỗ trợ các dịch vụ bổ trợ để đón khách tham quan với kinh phí hơn 6,4 tỉ đồng. Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đã tạo ra sự đồng thuận, hợp tác của người dân, hình thành ý thức bảo vệ di sản nhà vườn Huế gắn liền với khai thác hiệu quả kinh tế.

Ngoài các đề án tu bổ, tôn tạo các nhà rường tại TP Huế, UBND TP Huế đang phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai hỗ trợ tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn của một số nhà vườn nhằm gìn giữ, bảo tồn những giá trị đặc trưng của nhà vườn Huế, góp phần phát huy hiệu quả khai thác kinh tế du lịch nhà vườn Huế, tạo được sự đồng thuận và hình thành ý thức tự nguyện của các chủ nhà vườn khi tham gia đề án.

Ông Trần Song - Phó chủ tịch UBND TP Huế

“Trước đây, có rất nhiều đoàn khách đến tham quan nhà và thích thú với kiến trúc đặc trưng của nhà vườn Huế. Song, trải qua hơn 130 năm sử dụng mà không được trùng tu, nhiều hạng mục ngôi nhà xuống cấp, khuôn viên vườn chưa được chỉnh trang nên nhếch nhác, từ đó gia đình không đón khách tham quan. Chúng tôi sẽ tổ chức đón khách trở lại sau khi nhà được trùng tu xong” - bà Ngộ - một chủ nhà vườn nhận được sự hỗ trợ từ dự án - cho biết.

Phát triển dịch vụ du lịch nhà vườn

TP Huế đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cải tạo vườn, sửa chữa phòng lưu trú, nhà vệ sinh để tổ chức kinh doanh khai thác, phát triển dịch vụ, du lịch tại 9 nhà vườn đặc trưng ở Kim Long, Thủy Biều, Bao Vinh, với kinh phí khoảng 2,3 tỉ đồng. Bên cạnh đó là hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân, chuyển đổi nghề, truyền nghề, tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng tour tuyến du lịch và hạ tầng cơ bản với kinh phí khoảng 15,8 tỉ đồng… Trong năm 2024, thành phố đã trùng tu 2 nhà vườn với kinh phí 2,8 tỉ đồng, theo hướng bảo tồn kiến trúc đặc trưng của nhà rường, nhà vườn Huế.

Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm cùng chủ nhà vườn Hồ Xuân Đài ở phường Thủy Biều, TP Huế
Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm cùng chủ nhà vườn Hồ Xuân Đài ở phường Thủy Biều, TP Huế

Song song đó, TP Huế cũng phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch, các cơ sở lữ hành tổ chức khảo sát các nhà vườn nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh các sản phẩm du lịch nhà vườn Huế đặc trưng, hình thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút du khách.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương sắp hoàn thành sẽ kết nối 2 “thủ phủ” nhà vườn Huế là Kim Long và Thủy Biều, thúc đẩy và hình thành thêm các tour tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở đây. Để phát huy hiệu quả kinh tế, sở sẽ tiếp tục tổ chức khóa tập huấn cho chủ các nhà vườn và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, phát triển các tour du lịch cộng đồng, quảng bá du lịch nhà vườn Huế qua các kênh, đồng thời mời các chuyên gia chia sẻ thêm kinh nghiệm phát triển du lịch nhà vườn…

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI