Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em mới chia tay được hơn năm. Quá trình chia tay rất giằng co, kéo dài: có lúc sống ly thân, có lúc anh ta về nhà năn nỉ làm lành, nhưng rồi cuối cùng em đã quyết định dứt khoát. Mâu thuẫn không thể giải quyết, đổ vỡ không thể hàn gắn. Lúc có bản án công nhận ly hôn, em đang ở nhà ba mẹ.
Sau đó, em phát hiện mình cấn thai, đứa bé vẫn là con của chồng em, em biết chắc chắn, vì em không có quan hệ với ai khác. Nhưng lúc đó, phần mệt mỏi, phần giận dữ, em quyết định không nói gì với chồng cũ và cả nhà chồng nữa. Em nghĩ dù có khó khăn thế nào em cũng sẽ cố gắng làm việc để lo cho con. Em không muốn liên quan gì đến nhà chồng cũ.
Khi sinh con, em không báo với ai bên nhà đó. Em quyết định đặt tên con gái theo họ của em. Nay bé hơn sáu tháng, em đã bắt đầu đi làm lại. Một lần em khoe ảnh con với mấy bạn đồng nghiệp ở công ty, chồng cũ của em biết tin. Bên nhà chồng cũ có gọi điện nói chuyện với ba má em, sau đó má anh ta có mang sang một ít quà, chắc là muốn nhìn mặt cháu nội.
Bà ghé lúc em đi làm, ba mẹ em cũng bồng cháu ra, nghe nói bà nội xúc động lắm vì đây là đứa cháu đầu tiên. Mới đây, chồng cũ của em liên lạc, nói muốn chu cấp cho con, đưa ra một khoản tiền nuôi con hằng tháng với điều kiện em làm lại khai sinh để con mang họ cha.
Em đã nói thẳng vào mặt anh ta là em không cần và sẽ không làm, rằng giữa em và gia đình bên ấy coi như dứt tình, không còn gì nữa. Vậy nhưng ba má em thì có ý ủng hộ anh ta, mong em khi nào bớt giận sẽ suy xét lại, rằng chuyện đó nên làm. Em đúng hay sai hở chị?
Tần An (TP.HCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Em Tần An thân mến,
Việc khai sinh cho con, đặt tên con theo họ mẹ là quyền của em. Pháp luật không ngăn cấm điều này và do khi sinh con, em đã ly hôn nên cũng không cần phải có sự đồng ý của bên chồng. Bây giờ quyền vẫn trong tay em, muốn sửa lại khai sinh để con mang họ cha hay không là do em hoàn toàn quyết định.
Tuy nhiên, có lẽ em cũng nên xem xét lại. Có thể khi quyết định, em đã dựa trên cảm xúc, trên nỗi oán hận, không muốn dính dáng gì đến nhà chồng cũ nên muốn mối quan hệ đó phải được chấm dứt hoàn toàn.
Nhưng sự thật là đứa bé có cha, có gia đình bên nội bên ngoại. Dù cha mẹ đã chia tay nhưng gốc gác, dòng họ của con vẫn đã được xác định, chồng cũ của em vẫn là cha của con em đến suốt đời.
Nếu gia đình chồng cũ và bản thân anh ấy muốn được nhận con, nhận cháu, muốn có trách nhiệm đối với con cháu họ, em nên cân nhắc, không phải chỉ vì món tiền chu cấp nuôi con.
Em hãy để món tiền ấy sang một bên, hãy quyết định điều này dựa trên quyền lợi của con. Em hãy đặt mình vào vị trí của con mà suy nghĩ.
Đường đời của em và con đều còn rất dài, vậy nên quyết định nào thuận với tự nhiên, thuận với phong tục tập quán, thuận với mong ước của những người thân nên được chọn. Thuận buồm xuôi gió thì thuyền đi nhẹ nhàng, đi nhanh, đi xa.
Em còn có thể làm lại, có thể tìm kiếm hạnh phúc thực sự của mình. Chẳng có lý do gì để khăng khăng trói buộc mình với nỗi oán giận cũ. Em có thể nghĩ thế này cho nhẹ lòng: khi quyết định đăng ký khai sinh con theo họ mẹ, em đã làm đúng vào thời điểm ấy. Bây giờ, trước mong muốn của hai bên nội ngoại, em có thay đổi cũng là quyết định đúng.
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGUÒI TRONG CUỘC
Hà Phương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Không ai cản được việc người khác tìm về cội nguồn
Tôi chân thành khuyên bạn hai điều từ kinh nghiệm cá nhân tôi: một là để chồng nhìn con, để con có cha; hai là rạch ròi về cuộc sống riêng, không liên quan đến người cũ nữa.
Tôi là đứa trẻ không có cha, lớn lên mà không biết cha mình là ai. Suốt tuổi thơ, điều tôi trăn trở nhất chính là cha mình là ai, đang ở đâu. Điều đó trở thành một nỗi ám ảnh lớn và dai dẳng.
Thật đáng tiếc khi mình tước đi của con điều cơ bản nhất là có cha. Thực tế, người lớn cũng không thể cản được việc con trẻ tìm về cội nguồn, như tôi sau này đã tìm đến cha mình, dù mẹ tôi hết sức che giấu, cản ngăn.
Việc bạn nên làm là nói với nhà chồng cũ về ý định tự mình nuôi con, sau này con lớn, con sẽ tự quyết định có tìm về nguồn cội hay không. Đừng để sự ghét bỏ cá nhân của mình làm mọi thứ rối thêm, khiến cuộc sống trở nên nặng nề. Lúc này, điều bạn cần chính là an vui chứ không phải thêm phiền não.
Ái Nhân (TP.Thủ Đức, TP.HCM): Cứ để mọi thứ bình thường
Bạn không có quyền tước đoạt quyền làm cha của chồng cũ và không cho con gái nhìn mặt nhà nội. Dù bạn có mang con đến sống ở đâu thì cũng không thay đổi được thực tế ấy, chi bằng cứ để mọi thứ bình thường.
Tôi có một người bạn luôn cự tuyệt và cấm con qua lại với bên nội sau ly hôn. Đến khi chị mắc bệnh nan y, chồng cũ đề nghị được thay chị đưa đón con để chị an tâm dưỡng bệnh, chị cũng nhất định không đồng ý.
Lẽ ra chị sẽ nhẹ lòng hơn trong những ngày nằm trên giường bệnh nếu biết buông bỏ. Thật ra không dễ để buông, nhất là khi chuyện của bạn xảy ra cách đây chưa lâu. Thôi thì bạn cứ cố tập mỗi ngày một chút để quen dần với việc chấp nhận.
Chuyện phụ cấp nuôi con, bạn có quyền từ chối vì ngay từ đầu bạn đã xác định như thế. Khi nhận tiền, có thể có những yêu cầu khác kèm theo khiến bạn không hài lòng.
Hãy thẳng thắn với nhà chồng rằng khi con lớn, bạn sẽ nói rõ mọi chuyện cho con hiểu, để con biết về nguồn cội còn bây giờ, nhằm tránh làm phiền đến cuộc sống riêng của hai mẹ con, họ không nên xuất hiện.
Nên nhớ, quyền quyết định vẫn thuộc về bạn.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn