Khai màn Giai điệu mùa thu 2013

17/08/2013 - 12:19

PNO - PNO - Tối 16/8, Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2013 đã chính thức khai màn ở Nhà hát Thành phố. Tuy khán phòng vẫn còn nhiều chỗ trống nhưng sự cuồng nhiệt của khán giả ở cuối đêm diễn hẳn cũng làm ấm lòng các nghệ sĩ.

Sự cuồng nhiệt ấy thể hiện bằng những tiếng hú, hét, nguýt sáo - điều hiếm thấy ở các đêm nhạc cổ điển; và những tràng pháo tay dài xen giữa những đoạn nghỉ ở cuối tiết mục tổ khúc dân ca Việt Nam Dòng chảy do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng biên soạn và sáng tác.

Có thể nói, tổ khúc dân ca Việt Nam Dòng chảy là một trong những tác phẩm được người yêu nhạc cổ điển tò mò chờ đợi ở liên hoan nghệ thuật tuổi lên chín này. Liệu dân ca với giao hưởng sẽ là một sự kết hợp độc đáo hay khiên cưỡng? Nhưng rõ ràng, với số đông khán giả của đêm diễn, cách làm này đã không chỉ dừng lại ở việc tác phẩm “nghe lọt lỗ tai” mà còn “đi vào lòng người”.

Dòng chảy do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng biên soạn và sáng tác dựa trên 21 bài dân ca nổi tiếng của ba miền Bắc - Trung - Nam, được xây dựng như một vở hoạt cảnh kết hợp giữa ca, múa và nhạc. Trong lần đầu tiên công diễn, Dòng chảy chỉ kịp giới thiệu 35 phút của tác phẩm, gồm Khúc mở màn ba chương Suối, SôngBiển, được tác giả ví von tựa dòng chảy của thời gian, dòng chảy của tự nhiên, mà cũng là dòng chảy của đời người.

Những khúc dân ca Đi cấy, Cò lả, Lý cây đa (Bắc Bộ), Người ơi người ở đừng về (quan họ Bắc Ninh), Hò ba lý (Trung Bộ), Lý kéo chài, Lý ngựa ô, Bắc kim thang (Nam Bộ)… của tổ khúc này qua phần trình diễn của dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) và đội Chim Vành Khuyên của Nhà Thiếu nhi TP.HCM đã đưa người nghe đi từ cảm giác gần gũi đến ngạc nhiên.

Khai man Giai dieu mua thu 2013
Tổ khúc dân ca Việt Nam
Dòng chảy

Nghe và thấy từ hàng ghế khán giả là những tiếng hát theo (hoặc rõ lời, hoặc chỉ âm ử theo giai điệu) và ánh nhìn reo vui suốt tổ khúc, hẳn Trần Mạnh Hùng (người vẫn thường ngồi lặng lẽ ở một góc khán phòng khi dàn nhạc trình diễn tác phẩm của mình) cảm nhận được thành công bước đầu của tác phẩm này.

Sự đầu tư nghiêm túc về phục trang và vũ đạo cho tiết mục còn bồi đắp thêm cảm giác ấn tượng cho khán giả. Nhưng cũng thấy thương cho các nghệ sĩ khi sân khấu trở nên chật chội với sự “ra quân” cùng lúc của cả dàn nhạc giao hưởng lẫn dàn hợp xướng HBSO cùng đội hát thiếu nhi Chim Vành Khuyên lên tới cả trăm người. Các nghệ sĩ vì vậy phải loay hoay biểu diễn trong một không gian vốn đã quá nhỏ hẹp cho những đêm diễn lớn. Nếu không gian thoáng hơn, biết đâu sẽ giúp cho các nghệ sĩ có thêm điều kiện “tung tẩy” ý tưởng dàn dựng!

Khai man Giai dieu mua thu 2013
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (cầm hoa)

Trước đó, ở phần một của đêm hòa nhạc và hợp xướng này, người nghe được thưởng thức những phần trình diễn khá đầy đặn của các nghệ sĩ. Mở màn là tác phẩm truyền thống Trở về đất mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (qua phần phối phí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng). Tiếp sau đó là tác phẩm Concerto cho kèn clarinet, bassoon và dàn nhạc cung Si giáng thứ của nhà soạn nhạc Carl Stamitz qua phần thể hiện của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Bảo (clarinet) và NSƯT Nguyễn Trí Dũng (bassoon) cùng dàn giao hưởng HBSO. Hai nghệ sĩ trẻ piano Trần Diệu Linh, Trần Diệu Ân cũng đã chinh phục khán giả với tác phẩm Concerto cho violon cung La thứ được J.S Bach và J. Gottlieb biên soạn cho dương cầm.

Khai man Giai dieu mua thu 2013
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh

Khai man Giai dieu mua thu 2013
Quốc Bảo (trái) và Trí Dũng trong tiết mục
Concerto cho kèn clarinet, bassoon và dàn nhạc cung Si giáng thứ

Khai man Giai dieu mua thu 2013
Hai chị em Trần Diệu Ân (phải) và Trần Diệu Linh song tấu piano

Liên hoan Giai điệu mùa thu 2013 sẽ còn tiếp tục với các đêm diễn (đều vào lúc 20g):

17/8: Nghệ sĩ Bùi Công Duy và nhóm Hà Nội Ensemble
18/8: Múa đương đại Chạm tay vào quá khứ
19/8: Hòa nhạc với các tài năng trẻ từ quỹ Spivakov
20/8: Vũ kịch Cô bé lọ lem
21/8: Piano recital của nghệ sĩ Đức Hinrich Alpers
22/8: Hòa nhạc giao hưởng

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI