Khai mạc Lễ hội xoài Đồng Tháp

28/04/2023 - 22:46

PNO - Đồng Tháp, An Giang muốn thông qua Lễ hội xoài Đồng Tháp 2023 (khai mạc tối 28/4 tại Đồng Tháp) để nâng cao chuỗi ngành hàng cho loại trái cây này.

Trong khuôn khổ lễ hội đã có nhiều hoạt động như: không gian trưng bày, giới thiệu chuỗi ngành hàng xoài và kết nối giao thương; hội thi ẩm thực, gian hàng ẩm thực phục vụ các món ngon từ xoài; trải nghiệm không gian thực tế ảo "Vương quốc xoài Đồng Tháp"; hội thi "Trái xoài ngon", lễ hội đường phố…

Nhiều du khách tham quan gian hàng trưng bày xoài tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp)
Nhiều du khách tham quan gian hàng trưng bày xoài tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp)

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp - thông qua Lễ hội xoài, thương hiệu xoài Ðồng Tháp sẽ được quảng bá đến thị trường trong và ngoài nước; hướng đến nâng cao giá trị cây xoài, thu hút khách du lịch. Đồng thời, đây cũng sẽ là dịp kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài...

Trước đó, cũng trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra hội thảo Kết nối tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài nhằm định hướng, nâng tầm thương hiệu, giá trị của xoài thông qua chất lượng, khai thác giá trị mới từ du lịch, chế biến... cho địa phương này nói riêng và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của
Xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt 19.600 ha với sản lượng 260.000 tấn, tăng 6.585 ha so với năm 2016. Trong đó, nhiều nhất là cây xoài, với 12.633 ha, chiếm 68% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh và đứng thứ 2 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp  cho biết, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh, xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực. Tổng diện diện tích trồng xoài của Đồng Tháp lên đến 14.399 ha, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái với sản lượng hàng năm gần 140.000 tấn. Trong đó, "Xoài Cao Lãnh" đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ số địa lý.

Hiện xoài Đồng Tháp có mặt ở khắp các kênh phân phối, bán lẻ từ các chợ truyền thống đến siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử.... và xuất khẩu sang châu Âu, Nga, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Đồng Tháp đã tổ chức sản xuất phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất xoài tập trung quy mô lớn. Đồng thời ứng dụng khoa học và công nghệ trong tổ chức sản xuất xoài theo hướng an toàn, bền vững, có gắn kết truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ.

Nhãn hiệu xoài Cao Lãnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ số địa lý Cao Lãnh
Nhãn hiệu "xoài Cao Lãnh" đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ số địa lý "Cao Lãnh"

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng nhiều vùng trồng còn nhỏ lẻ, manh mún. Diện tích xoài có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP được cấp mã số vùng trồng còn quá khiêm tốn.

Ngoài ra, hiện chưa có nhiều nhà đầu tư đủ tiềm lực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ xoài; Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương còn hạn chế trong đầu tư, áp dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu; Sản phẩm ra thị trường chủ yếu dưới dạng tươi, chất lượng chưa đồng đều, chưa qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Ngoài ra, hệ thống logistics chưa phát triển, các cơ sở, công ty còn bị động phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng dịch vụ này, giá thành thuê mướn vận chuyển khá cao.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI