Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội

24/11/2021 - 10:30

PNO - Sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến.

Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc,Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Dự hội nghị tại các điểm cầu Trung ương và các điểm cầu trong toàn quốc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp hội, hội chuyên ngành về văn hóa nghệ thuật của Trung ương, nhà khoa học, nhà văn hóa, trí thức văn nghệ sĩ tiêu biểu.

Như vậy là 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trước khi diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã tham quan, nghe giới thiệu về Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị

Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, triển lãm quy tụ 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu; 123 tài liệu hiện vật quý hiếm được trưng bày theo 6 chuyên đề theo dòng chảy văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.

Trong đó có nhiều hiện vật quý được giới thiệu tới người xem như: tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam - Hà Nội số ra ngày 10/11/1945 trong đó có đăng Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sách Một nền văn hóa mới in bài viết của hai tác giả Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi giới thiệu về tình hình, triển vọng của văn hóa Việt Nam dưới thời Pháp thuộc và chương trình kiến thiết một nền văn hóa Việt Nam mới trong tương lai in lần thứ hai năm 1945.

Những nhạc cụ tự chế của bộ đội Cụ Hồ để phục vụ các chiến sĩ nơi chiến trường được trưng bày cho thấy văn hóa văn nghệ luôn được sử dụng như một vũ khí tinh thần mạnh mẽ đồng hành cùng dân tộc trong những cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều hiện vật về Bác như bộ sưu tập thiệp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng Chân dung Bác Hồ của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946, đôi guốc mộc, bộ quần áo nâu cho thấy sự giản dị của Bác Hồ - một nếp văn hóa đẹp.

Nghị quyết của UNESCO (năm 1987) tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đĩa hát do bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên Xô tặng Bác Hồ…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Trong báo cáo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định đường lối xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn xác định đặt văn hóa là một trong ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta, bên cạnh và ngang hàng với chính trị, kinh tế, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Coi trọng văn hóa, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa VIII) đã ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đến năm 2008, Bộ Chính trị khóa X lại bàn và ra Nghị quyết số 23 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. 

Nghị quyết nêu quan điểm “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người”. 

Năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận và ra Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. 

Nhờ quan điểm lãnh đạo mà văn hóa thời gian qua đạt được nhiều thành tựu. Đặc biệt, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay. 

Đã có hàng trăm, ngàn tỉ đồng được quyên góp để hỗ trợ các địa phương và người dân gặp khó khăn từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, đoàn thể và người dân. 

Tuy nhiên cũng có nhiều hạn chế trong văn hóa do việc thể chế hóa đường lối văn hóa của Đảng còn chậm. Trong thực tế thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn quá thiên lệch về kinh tế, chính trị, coi nhẹ văn hóa, chưa hiểu đầy đủ vai trò, tác dụng của văn nghệ. 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu nhiều yếu kém, bất cập trong văn hóa thời gian qua như yếu kém trong bố trí, sử dụng cán bộ làm văn hóa, có nơi bố trí những người không có chuyên môn, thiếu hiểu biết về văn hóa làm cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ. 

Vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ chưa được quan tâm đúng mức, chưa xác định đúng vị thế của văn hóa, văn nghệ trong mối quan hệ với chính trị, kinh tế, xã hội. Một điểm hạn chế nữa là ngành văn hóa chưa ban hành được hệ giá trị chuẩn về văn hóa và con người Việt Nam làm cơ sở triển khai trong thực tiễn. 

Chưa đề xuất được những giải pháp mang tính đột phá khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực Đông Nam Á. 

Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có dấu hiệu xuống cấp, mai một, biến dạng, chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Văn học nghệ thuật thiếu vắng những tác phẩm lớn. Nhập siêu văn hóa kéo dài, mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp. 

Đặc biệt, môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp, tính cộng đồng làng xã suy giảm, quan hệ xã hội đôi khi mang tính thực dụng, vụ lợi. 

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm… còn xảy ra ở nhiều nơi. Doanh nghiệp gian lận thương mại, làm tổn hại tới cả sức khỏe và sinh mạng con người. Không ít đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. 

Thừa nhận những nguyên nhân khách quan và chủ quan, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng rút ra 6 bài học để khắc phục những hạn chế, phát triển văn hóa, đạo đức xã hội, kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác, cái tiêu cực tha hóa con người, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 

Việc này chỉ có thể làm được khi việc xây dựng môi trường văn hóa phải được thực hiện đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Với quan điểm chỉ đạo coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý… ban tổ chức hội nghị đưa ra mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. 

Mục tiêu cụ thể sẽ là hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam, gia đình Việt Nam thời kỳ mới tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, phát huy cao độ lòng yêu nước… 

Một mục tiêu quan trọng khác được đặt ra sau hội nghị này cho ngành văn hóa là phải xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống... phát triển công nghiệp văn hóa. 

Những giải pháp trọng tâm cũng được đưa ra, trong đó nhấn mạnh giải pháp phát huy vai trò to lớn của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người; đổi mới tư duy quản lý, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật… 

Đặc biệt là giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng để đảng viên trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội.

Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ

Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngành văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa", xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để "khơi thông nguồn lực" và "thúc đẩy sáng tạo"; tăng cường "củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa" nhằm tháo gỡ các rào cản chính sách, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự hạch toán có sự tài trợ một phần của Nhà nước, xây dựng cơ chế đặc thù với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Trên tinh thần "tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ" quá trình đổi mới thể chế theo hướng hội nhập quốc tế đã từng bước hình thành khung chính sách. 

Quốc hội đã ban hành các bộ luật, Chính phủ ban hành các nghị định để quản lý, phát triển văn hóa nhằm chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa vốn vô cùng giàu có, phong phú như: di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, loại hình nghệ thuật đặc sắc, lễ hội mới và sự kiện, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, các danh nhân văn hóa, các cơ sở vật chất và không gian văn hóa thành sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. 

Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; tổ chức tốt hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. 

Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: 

- Đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện "lệch chuẩn" trong hưởng thụ văn hóa. 

- Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa…

- Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn. 

- Cơ chế chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú, giàu có của Việt Nam thành sự đa dạng, giàu bản sắc và có khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ. 

- Một hệ sinh thái thực sự để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như tạo ra sự cân bằng, đa dạng và bền vững hơn cho nền kinh tế chưa đủ điều kiện để hình thành. 

- Thể chế về văn hóa đang trong quá trình từng bước hoàn thiện, công tác cán bộ của ngành văn hóa nói chung, đội ngũ văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng nói riêng còn có sự bất cập.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người

Để Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể theo hướng nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người - xây dựng con người để phát triển văn hóa. 

Văn hóa hiện diện ở các cấp độ vô cùng đa dạng, các nền văn hóa khác nhau sẽ có những cách thức khác nhau nhằm đạt được mục tiêu khác nhau trong chiến lược phát triển văn hóa. 

Nhưng có một điểm chung cốt lõi trên bản đồ văn hóa thế giới, đó là những quốc gia chuyển hóa tốt nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm trong mối liên kết với các trụ cột phát triển khác luôn là các quốc gia có nền tảng vững chắc để phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời có khả năng ứng phó linh hoạt, hiệu quả trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

6 kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ý thức trách nhiệm về phát triển văn hóa mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành nỗ lực, tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 33 và Kết luận số 76, trước hết là ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa: Làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Chúng ta cần có “Nhận thức đúng để hành động đẹp”.

2. Xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án luật, nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa.

Triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững. 

Chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam. 

Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian, bởi "văn học là nhân học".

3. Định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Việc tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội chính là giải pháp căn cốt để hình thành hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, tạo sự chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ra thế giới nhằm gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, định vị "thương hiệu quốc gia", nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Ưu tiên xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp và mỗi gia đình là những đơn vị văn hóa thực chất. 

Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ.

Khi nhiệm vụ xây dựng văn hoá trở thành thường trực, nền tảng văn hoá được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa; "hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại" đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa.

4. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Do đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. 

Chú trọng nhiều hơn tới mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, xây dựng gia đình tiến bộ - ấm no - hạnh phúc nơi hình thành con người có văn hóa. 

Phải xuất phát từ tình yêu Mẹ Tổ quốc với trách nhiệm lớn lao, nghĩa cử cao đẹp vì Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đã để lại cho chúng ta kho tàng di sản và nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, đến người mẹ của từng gia đình - những người mẹ đã trao truyền, lưu giữ văn hóa cho các con các cháu của mình bằng những việc bình dị nhưng rất đỗi cao quý thiêng liêng. 

Những giá trị nhân văn đó cần được đề cao. Văn hóa nuôi dưỡng tình thương, tình thương là cội nguồn sức mạnh.

5. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

6. Quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. 

Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Vì vậy đề nghị, Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Theo TTXVN

 
TIN MỚI