Khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL- Hậu Giang 2016: Liên kết để tồn tại và phát triển

11/07/2016 - 16:57

PNO - Ngày 11/7/2016, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long- Hậu Giang 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016) đã chính thức khai mạc...

Một trong những sự kiện mở màn là Hội nghị Xúc tiến đầu tư có chủ đề “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”.

MDEC 2016 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề nóng đang đặt ra của vùng như: ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng (BĐKH, NBD), vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động SXKD của doanh nghiệp và người dân; bàn giải pháp khuyến khích nông nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp - nông dân khởi nghiệp; tháo gỡ khó khăn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nông dân vùng ĐBSCL chủ động gia nhập và phát triển bền vững.

Khai mac Dien dan hop tac kinh te DBSCL- Hau Giang 2016: Lien ket de ton tai va phat trien
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư “Hậu Giang – Tiềm năng đầu tư và phát triển”

Trước tình hình hạn mặn gay gắt do biến đổi khí hậu gây ra, MDEC 2016 sẽ tập trung bàn thảo nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó với hội thảo “Giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh”. Sự kiện này có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan ngoại giao, các nhà khoa học hàng đầu cả nước trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, hợp tác quốc tế và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp… Ngay sau khi kết thúc, MDEC sẽ ra Tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm của BCĐ Tây Nam bộ, lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, địa phương, tập hợp sáng kiến, đề xuất của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong vùng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cụ thể hóa thành các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển vùng.

Tại hội nghị, tỉnh Hậu Giang giới thiệu và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư 5 dự án lớn trong 2 lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng là nông nghiệp, du lịch với tổng vốn đầu tư 263 triệu USD. Đó là: Dự án Chợ nông sản chất lượng cao, quy mô 100 ha, vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD; Dự án Nhà máy bảo quản, chế biến trái cây, vốn đầu tư 50 triệu USD, vùng nguyên liệu 11.700 ha; Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang, diện tích 5.200 ha, vốn đầu tư 50 triệu USD; Dự án chế biến nước khóm (dứa) cô đặc xuất khẩu, vốn đầu tư 8 triệu USD, công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm; Dự án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, vốn đầu tư 5 triệu USD, quy mô diện tích 2.800 ha.

Cùng ngày, tỉnh Hậu Giang cũng phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Công Thương, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội chợ Công Thương đồng bằng sông Cửu Long (quy mô khoảng 1.000 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước); Hội nghị Liên kết phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Nội dung chủ yếu được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị Liên kết phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long là cơ chế, chính sách phát triển du lịch và đề xuất những giải pháp liên kết các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; liên kết giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các vùng miền trong nước và quốc tế để phát triển các loại hình du lịch, thị trường du lịch, các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng - nhất là du lịch xanh. Một trong những giải pháp hàng đầu được các tỉnh, thành trong vùng nhất trí thực hiện trong thời gian tới là tăng cường liên kết trong xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch để vùng đồng bằng sông Cửu Long thực sự trở thành một điểm đến mang tầm khu vực và quốc tế.

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI