Khai giảng trên đất Pháp

05/09/2015 - 07:17

PNO - Dù ở đâu, dù năm hay 10 năm nữa tôi cũng mong con mình luôn được chào đón năm học mới trong không khí thoải mái.

Khai giang tren dat Phap
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Hôm nay là một ngày đặc biệt, con gái nhỏ của tôi tựu trường. Một năm học mới lại bắt đầu.

Nếu không có thư mời tham dự lễ khai giảng năm học mới được gửi đến nhà từ tuần trước, có lẽ tôi cũng “quên” là mình có con đang tuổi đến trường. Khác với bầu không khí “nóng” ở Việt Nam thì ở Pháp, ngày tựu trường lại đến một cách nhẹ nhàng thoải mái cả với phụ huynh (PH) lẫn con trẻ.

Con tôi năm tuổi, đang ở độ tuổi mầm non nhưng do ở đây không có quá nhiều trẻ nên các bé học chung trường với bậc tiểu học và tất nhiên có cùng chung một lễ khai giảng.

9g sáng, cả gia đình tôi cùng đến trường với bé, đã có khá đông PH tụ họp trong sân trường. Mọi người đứng thành một vòng tròn ngay trước cửa lớp học đã được đặt sẵn một cái bàn nhỏ với vài cái bánh bông lan do PH làm đem đến, vài hộp bánh quy do nhà trường chuẩn bị, bình trà, bình cà phê và thêm mấy chai nước ngọt.

Đợi mọi người có mặt đông đủ, thầy giáo phụ trách phát biểu mấy câu ngắn gọn, cám ơn PH đã đến dự buổi học đầu tiên của con em, mời mọi người tham quan một vòng trong trường xem cơ sở vật chất sau kỳ nghỉ hè đã được sửa sang ra sao và sau đó mời mọi người uống cà phê ăn bánh.

Trong lúc mọi người nói chuyện trao đổi thì đám trẻ chạy nhảy nô đùa cùng nhau, chẳng quan tâm gì đến phần “nghi lễ” đơn giản của người lớn. Tất cả chỉ kéo dài trong khoảng 30 phút rồi PH chào tạm biệt nhau ra về, các con vào lớp bắt đầu buổi học đầu tiên của năm học mới.

Thầy giáo tiễn chân PH với một xấp giấy là chương trình học chính khóa, ngoại khóa, các hoạt động thể chất, lịch nghỉ, lịch chơi của các bé trong năm học mới và yêu cầu PH nếu có gì không hài lòng thì phản hồi.

Con tôi học trường công lập. Vì là trường công nên không phải đóng học phí, cũng chẳng có các khoản phí trong phí ngoài nào khác ngoài khoản tiền ăn trưa tại căng tin, 2 euro một bữa, tương ứng với giá tiền một que kem.

Ở Pháp, bất cứ đứa trẻ nào từ sáu đến 15 tuổi đều phải đi học, đó là luật bắt buộc. PH lựa chọn trường nào thuận tiện cho việc đưa đón con nhất để đăng ký cho con vào học chứ hoàn toàn không phân biệt trường điểm hay trường chuẩn chi cả, vì đã là trường công thì cơ sở vật chất lẫn giáo viên đều theo một chuẩn giống nhau.

Nếu muốn một môi trường giáo dục khác hơn thì PH có thể chọn trường tư, dĩ nhiên phải đóng học phí và tùy mức độ đặc biệt mà mức học phí cũng cao thấp khác nhau.

Ở đây không phải đứa trẻ nào cũng học hết cấp ba. Quy định bắt buộc của nhà nước là tất cả học sinh phải hoàn thành bậc học cơ sở, sau đó các em tự lựa chọn học tiếp lên cấp ba để vào đại học hay chuyển qua học nghề.

Việc định hướng nghề nghiệp cho trẻ được gia đình và nhà trường chuẩn bị từ khi các em học hai năm cuối của bậc trung học cơ sở. Sự định hướng này khiến các em không lãng phí thời gian bởi suy cho cùng nếu chọn làm đầu bếp, thợ làm bánh hay thợ cắt tóc thì cái bằng tốt nghiệp cấp III chẳng giúp gì được nhiều, trong khi đó ba năm rèn nghề đủ để tạo nên một người thợ giỏi.

Nền tảng giáo dục, nền tảng xã hội ở đây hướng cho người ta cách tôn trọng và trân trọng một con người bởi chính giá trị thực của người đó chứ không phải bằng cấp có được. Một người thầy hay một người thợ đều có giá trị như nhau.

Thế nên giờ tôi chẳng còn ngạc nhiên khi nghe bạn mình khoe con gái cô ấy muốn đi chăn nuôi ngựa hay chỉ thích sau này lớn lên thành người đánh đàn trên đường phố.

Tôi sẽ còn dự nhiều buổi lễ khai giảng nữa của con, tại đây, nhưng cũng có thể ở một nơi khác và biết đâu ngày nào đó sẽ là một lễ khai giảng của con ở ngay quê nhà Việt Nam.

Dù ở đâu, dù năm hay 10 năm nữa tôi cũng mong con mình luôn được chào đón năm học mới trong không khí thoải mái như hôm nay. Một khởi đầu tươi mới nhẹ nhàng luôn hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ đến.

Đan Hà (Ouessant, Pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI