Khai giảng 2015: Mong sao không phải là khởi đầu hình thức!

05/09/2015 - 10:54

PNO - Ngày khai giảng năm học không phải là cái khởi đầu hình thức, đó là sự khởi đầu thấy được hẳn hoi.

Khai giang 2015: Mong sao khong phai la khoi dau hinh thuc!
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Mỗi năm, đầu tháng Chín, mùa thu của Thanh Tịnh lại về trong ký ức. Ngày khai giảng năm học không phải là cái khởi đầu hình thức, đó là sự khởi đầu thấy được hẳn hoi: lũ học trò sau mấy tháng hè lớn hẳn lên, có đứa trên mặt đã lấm tấm mụn trứng cá, có đứa bỗng nhiên trầm lặng hẳn, khép nép áo dài đi ngang cửa phòng giáo viên.

Phòng học đổi, giáo viên chủ nhiệm đổi, tên lớp “+1”, sổ đầu bài mở ra trang đầu tiên, danh sách lớp ghi lại một trang hoàn toàn mới… Theo chân những con người bé nhỏ ấy bước lên thêm một bậc thang nữa trên con đường học hành, có lẽ chỉ những ai chọn nghề giáo mới cảm nhận được cái xôn xao thiêng liêng của thời khắc đầu năm học.

Vậy mà những năm gần đây, có nhiều trường chỉ những đứa trẻ được bầu chọn mới có thể đi dự lễ khai giảng. Lễ khai giảng không còn đủ mặt bạn bè trong lớp cũ, không được tò mò nhìn nhau trong lớp mới, chỉ những “học sinh tiêu biểu” đứng rời rạc, nghiêm trọng, không biết cười, không biết giỡn cùng ai.

Lẽ tất nhiên, những lễ khai giảng chỉ gồm “học sinh tiêu biểu” như thế sẽ rất yên lặng, rất trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho những bài diễn văn dài lê thê, cho những nghi thức rườm rà. Sẽ đỡ mất công quản lý học trò - cái lũ “nhất quỷ nhì ma” ấy, nhưng đồng thời cũng đánh mất đi những niềm vui thực sự của trẻ, những niềm hạnh phúc ồn ào kiểu trẻ con.

Người lớn có ích kỷ chăng khi tước đi niềm vui được chạy nhảy, la hét cười đùa, không đứng vào hàng lối, nghe cái gì thích nghe, và ồn ào nói chuyện khác khi bị bắt phải nghe những lời tẻ nhạt?

Những lễ khai giảng ấy không dành cho học trò, cũng không dành cho giáo viên, bởi thầy chỉ vui khi có trò. Những lễ khai giảng ấy chỉ dành cho các vị cán bộ quản lý trịnh trọng mở đầu một thứ mà chưa chắc họ đã hiểu hết niềm vui, rồi có lẽ sẽ quên đi ngay trong hàng trăm phát biểu quan trọng khác, ở nơi khác.

Trong khi bắt những đứa trẻ phải nghỉ ở nhà, không được đi dự lễ khai giảng, thì nhà trường tốn rất nhiều công sức mời cho bằng được những vị quan khách đến dự lễ khai giảng! Đôi khi, chỉ vì một ông bà nào đấy đến trễ, cả cô, cả trò xếp hàng dang nắng đợi, cả chương trình phải điều chỉnh theo.

Trong khi đó, xôn xao biết bao nhiêu, hồi trống trường đầu năm học - “cái trống trường em, mùa hè cũng nghỉ. Suốt ba tháng liền, trống nằm ngẫm nghĩ…”. Xôn xao biết bao nhiêu những câu chuyện đầu năm bạn bè dành để kể nhau nghe.

Xôn xao biết bao nhiêu chuyện tự dưng bên lớp kia có cô bé nào lớn hẳn lên đang nhìn mình vừa lạ vừa quen. Xôn xao biết bao nhiêu chuyện ông thầy chủ nhiệm năm nay “hắc” lắm nhen mậy, ổng dạy toán mà, đừng hòng “quay” trong giờ kiểm tra. Thông tin đáng quan tâm đối với lũ học trò không nằm trên micro, chẳng biết những người đọc diễn văn có biết điều đó?

Xin trả ngày khai giảng trọn vẹn cho học trò và thầy cô giáo, để lũ trẻ có thể nói lên điều chúng mong muốn khi một năm học mới bắt đầu.

Không phủ nhận chuyện đối với nhiều giáo viên, ngày khai giảng cũng đã hao hụt mất một phần ý nghĩa, bởi trước đó cũng đã không có mùa hè. Dạy hè, dạy thêm, dạy trung tâm văn hóa ngoài giờ tiếp nối việc dạy chính khóa.

Năm học mới bắt đầu đối với nhiều người chỉ là thêm một khối lượng giờ phải lên lớp, vậy thôi. Nhưng khai giảng dù sao vẫn còn là một dấu mốc tách bạch.

Dẫu có phải bươn chải mưu sinh, dẫu nghề chưa nuôi được người, vẫn phải có những ngày khai giảng để người ta định tâm, ý thức trách nhiệm về nghề khi bắt đầu vào giai đoạn làm việc chính khóa. Việc dạy học cần khai giảng, ngày khai giảng cần giữ được ý nghĩa sâu sắc của mình, cho cả thầy và trò là vậy.

Năm nay, cả nước rộn ràng bàn chuyện ngày khai giảng, những lớp học trò sẽ là đối tượng được thụ hưởng trước nhất. Mong sao câu chuyện này sẽ đi đến tận cùng, để thấy trong ngày ấy còn có một đối tượng nữa cũng cần quan tâm: các thầy cô giáo.

Mong sao khi ý thức được rằng bản thân khai giảng đã là một khởi đầu đặc thù của nghề giáo, của trường lớp, nhà trường sẽ không vì gánh nặng thành tích mà đặt lên trang giáo án của thầy cô những chỉ tiêu của năm học, những tỷ lệ phần trăm cần đạt được của lớp, và bao nhiêu thứ phong trào khác nữa.

Nhà trường là của thầy cô và học sinh, xin hãy để các thầy cô khai giảng cùng các em như một hoạt động sư phạm đầu năm, thật nhẹ nhàng vui vẻ và có ý nghĩa sâu sắc.

Thư Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI