Khai báo y tế điện tử, thừa mà thiếu

16/08/2021 - 06:34

PNO - Khi TPHCM triển khai kiểm tra “di biến động dân cư” tại các chốt nội thành, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng kẹt dồn do người dân phải xếp hàng chờ khai báo bằng ứng dụng trên điện thoại. Hình ảnh người, xe bị dồn ứ ở các chốt kiểm soát đã được chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều lo lắng: coi chừng nỗ lực chống dịch thành công cốc!

Một trong những lý do gây ùn tắc ở các chốt kiểm soát, là việc cơ quan chức năng yêu cầu người dân khai báo y tế bằng một ứng dụng mới: Hệ thống “Khai báo di chuyển nội địa” tại website http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (với thiết bị cầm tay là ứng dụng “Phần mềm quản lý công dân vùng dịch”).

Chuyện bà con lúng túng trong thao tác cài đặt bằng QR code một ứng dụng mới, và khai báo các thông tin không thuộc lòng trong điều kiện trưa nắng, sóng 3G chập chờn… thì cũng dễ hiểu. Nhưng, có một chuyện khó hiểu là, vì sao đã có khá nhiều ứng dụng khai báo y tế điện tử được khuyến cáo sử dụng, giờ lại tiếp tục yêu cầu cài đặt một ứng dụng mới?

Ngay từ những ngày đầu chống dịch năm 2020, ứng dụng NCOVI (tờ khai y tế tự nguyện) và Bluezone (ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần) do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai đã sớm đưa vào khai thác. Người dân được yêu cầu cài đặt hai ứng dụng này. Ngoài ra, những người nhập cảnh còn phải cài ứng dụng Vietnam Health Declaration (khai báo y tế cho người nhập cảnh), người sử dụng bảo hiểm y tế còn có ứng dụng VssID.

Gần đây, người dùng điện thoại di động nhận được tin nhắn yêu cầu cài ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”. Trước đó, việc khai báo y tế còn có hệ thống tokhaiyte.vn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Và mới đây, với các tài xế hoạt động vận tải, hệ thống luongxanh.drvn.gov.vn đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc.

Nhưng không chỉ có các cơ quan phòng, chống dịch COVID-19 cấp Trung ương; nhiều tỉnh, thành cũng xây dựng riêng ứng dụng khai báo y tế bằng những hệ thống ghi nhận người đến, đi nơi công cộng, thông qua quét mã QR như Thừa Thiên - Huế với hệ thống Hue-S. Một số doanh nghiệp lớn cũng xây dựng các ứng dụng có chức năng khai báo y tế như MobiFone, Viettel. 

Sự ra đời nhiều phần mềm hỗ trợ hoạt động quản lý phòng, chống dịch bệnh là những nỗ lực đáng quý, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhấn mạnh: “Cùng với xét nghiệm chủ động và tiêm vắc-xin, ứng dụng công nghệ thông tin được Chính phủ xác định là một trong ba mũi tấn công nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19”.

Thông tin từ việc khai báo y tế của người dân không chỉ có ý nghĩa như một thủ tục hành chính, mà sẽ góp vào dữ liệu lớn (big data) của cả quốc gia. Từ cơ sở dữ liệu này, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, quản lý… sẽ có những quyết sách, chỉ đạo phù hợp. Khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào mọi lĩnh vực, nhu cầu xây dựng, tập hợp dữ liệu lớn luôn đặt ra.

Nếu Google, Facebook có thể ghi lại từng cú nhấp chuột của chúng ta như những dữ liệu để nhận diện thói quen, mối quan tâm của thành viên trên mạng… thì chúng ta vẫn còn ì ạch trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Rất nhiều đơn vị đều muốn có dữ liệu lớn, nhưng dường như chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng để tập hợp, liên kết các hệ thống. 

Quá nhiều ứng dụng, mỗi nơi một kiểu, đã dẫn tới tình trạng người dân lúng túng trong việc khai báo y tế. Một nhà báo kể, anh khai đã tiêm vắc xin trên các ứng dụng, nhưng mỗi lần dùng ứng dụng mới, lại phải khai từ đầu. Các ứng dụng này không liên kết dữ liệu với nhau. Người dân không phân biệt đâu là ứng dụng của ban chỉ đạo, đâu là ứng dụng của các doanh nghiệp.

Câu chuyện “loạn” ứng dụng khai báo y tế nhắc nhớ nhiều chuyện ứng dụng công nghệ thông tin khá lãng phí ở nước ta nhiều năm qua, như chuyện xây dựng font chữ tiếng Việt thời chưa có Unicode, hoặc xây dựng các phần mềm kế toán, phần mềm quản lý… Bài học từ việc thiếu nhạc trưởng trong bức tranh ứng dụng công nghệ thông tin, dẫn đến lãng phí nguồn lực quốc gia nhiều năm trước cũng được tổng kết.

Nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin vào hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Hàng tỷ dân như Trung Quốc, người ta vẫn quản lý thông tin cá nhân, trong đó có thông tin y tế bằng QR code dễ dàng (kể cả Hoa kiều). Chúng ta tự hào về trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng có vẻ như còn chậm, còn vướng. Mong rằng Chính phủ sẽ sớm xóa tình trạng thừa mà thiếu này, để bức tranh ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam khởi sắc hơn, không chỉ trong đại dịch. 

Phan Văn Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI