Chuyện một quán cà phê ở Hội An chỉ tiếp khách Tây, không tiếp khách Việt, khiến dư luận hết sức bất bình trong mấy ngày qua, bởi Hội An là một thành phố di sản, nơi cả chính quyền lẫn người dân đều đã có rất nhiều cố gắng để giữ gìn những nét đẹp văn hóa, giá trị tốt đẹp truyền đời.
Trên nhiều trang web, diễn đàn du lịch, rất nhiều du khách cũng bày tỏ sự bức xúc khi bị từ chối phục vụ hoặc được phục vụ bằng thái độ coi thường, tại nhiều địa điểm, cơ sở du lịch. Vì đâu nên nỗi?
|
Quán Cyclo's Road Café ở Hội An bị than phiền về việc chỉ ưu tiên tiếp khách Tây, kỳ thị người Việt (Ảnh: Fapage Cyclo's Road Café) |
Câu chuyện dưới đây được ghi lại theo lời kể của chị Thùy Như - người từng có hơn một năm chạy xe ôm công nghệ và hiện đang chạy taxi công nghệ - những trải nghiệm từ thực tế công việc khiến chị cảm thấy thoải mái và thích chở khách Tây hơn khách ta.
Cha tôi vốn là tài xế xe buýt. Từ bé, tôi đã mê xe, thích một ngày được ôm vô-lăng chạy xe trên phố. Rồi một ngày, công việc văn phòng không còn thuận lợi, tôi quyết định sắm xe hơi chạy dịch vụ. Trong thời gian chờ học bằng lái, chờ gom góp tài chính, tôi đăng ký chạy xe ôm công nghệ, coi như tập làm quen đường sá, coi thử khách khứa thế nào…
Con gái chạy xe ôm có lẽ là chuyện lạ đối với rất nhiều người, nên thường tôi cũng hay được khách cho thêm tiền. Không nhiều, xe ôm mà, nhưng cũng vui vui. Và bên cạnh những chuyện vui vui đó là những chuyện buồn mà có lẽ chỉ giới lái xe công nghệ chúng tôi mới biết.
Chẳng hạn như khách đặt địa chỉ đón ở trung tâm thương mại. Mình chạy đến nơi, gọi khách mới biết là khách không có ở đó mà là “Chị chạy lên thêm chút nữa mới tới. Em đặt địa chỉ ở đó cho chị dễ tìm thôi”.
Chạy lên chút nữa theo hướng dẫn, lại gọi khách, lại được chỉ “chạy thêm chút nữa”. Khoảng 3, 4 cái “chút nữa” đó là cả cây số hơn. Đâu ai tính tiền xăng, tiền điện thoại cho mình. Kể cả ở điểm đến, tôi vẫn thường xuyên được yêu cầu “chạy tới chút nữa”, rồi “quẹo bên đây”, “tới chút nữa”…
|
Đánh giá của một du khách Hàn Quốc về Cyclo's Road Café |
Có một lần, khách đặt xe, tôi chạy đến thì gặp một cậu bé, chắc cỡ 13, 14 tuổi, ôm một chiếc giỏ to. Cậu bé bảo tôi đợi, vì “còn bố em với em em nữa”. Tôi hoảng hồn khi nhìn thấy một người đàn ông dắt theo một cậu bé cỡ 10 tuổi đang tiến tới, xách thêm một cái giỏ to nữa. Nhìn 3 cha con và 2 cái giỏ, tôi xin hủy chuyến, không thể chở được.
Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất. Cái tệ nhất khiến tôi buồn suốt cả ngày hôm ấy là cảnh ông bố giơ tay tát cậu con lớn, miệng quát: “Ai bảo mày nói có 3 người, để nó không chịu chở”. Ông bố khôn lỏi đã đành, lại còn dạy con trò khôn lỏi thông qua hình phạt tát tai vì đã nói thật.
Khách đi xe hơi vẫn thường được mặc định là văn minh, lịch sự hơn. Tôi không chắc. Nhiều hơn một lần, lưng ghế lái của tôi bị những bàn chân khách đạp lên, in cả dấu giày. Hôm tôi chở một vị khách trung niên. Địa điểm đón thể hiện trên ứng dụng là Cửa Bắc chợ Bến Thành (đường Lê Thánh Tôn).
Tôi gọi cho khách, hỏi chính xác ở Cửa Bắc không và được khách xác nhận đúng. Tôi mới dặn khách là tôi sẽ từ hướng Thủ Khoa Huân chạy đến, nhờ khách chú ý giùm xe và bảng số, vì khu vực chợ Bến Thành lúc nào cũng đông.
Tôi đến, không thấy khách đâu, gọi khách, vẫn được xác nhận là “Anh đang đứng ngay chợ Bến Thành, ngay cửa chợ”. Sau 3 cuộc gọi và hai lần vòng đầu xe quanh chợ, tôi vẫn không thấy khách. Đang hoang mang thì khách gọi lại, mắng tôi như té nước vì “sao lâu quá vẫn chưa tới”. Thêm một lần quay đầu xe nữa thì mới phát hiện vị “Thượng Đế” của tôi đứng ở Cửa Đông, đường Phan Bội Châu.
Suốt hành trình, ông cứ lèm bèm chuyện ông lỡ đặt xe công nghệ, “chứ taxi thì đầy ra”. Tôi cố giải thích cho khách hiểu rằng Phan Bội Châu là Cửa Đông và tôi đã nhờ khách xác định đúng cửa chợ, rồi nhận về câu trả lời: “Anh mới ở Bắc vào, anh không biết. Em chạy xe em phải tự biết chứ”.
Mới tuần trước, tôi đón một vị khách ăn mặc rất chi lịch sự. Thấy trên xe tôi có nước (Tôi vẫn để nước suối trên xe, trong túi treo đẹp, phục vụ khách miễn phí), khách hỏi “nước này uống được không”, tôi nói được, thế là chàng thản nhiên lấy hai chai… bỏ vào ba lô cất, xong lấy chuối ra ăn và để lại cho tôi 2 cái vỏ chuối sau khi rời xe.
Chúng tôi làm dịch vụ, luôn sẵn lòng trợ giúp, chăm sóc khách hàng. Nhưng với những khách hàng như tôi vừa kể thì chúng tôi biết phải sống sao đây? Nói chúng tôi thích phục vụ khách Tây, cũng có phần đúng, không sai đâu. Như mới hôm qua, tôi đón 4 vị khách Tây từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Tây ba lô nên mỗi người đều vác một ba lô to. Xe tôi đến, thay vì lên xe ngồi chờ, hai anh khách Tây ra hiệu cho tôi cứ ngồi yên trong xe, nói: “It’s ok, we can do” (Không sao, chúng tôi tự làm được), rồi tự chất ba lô vào cốp xe.
Khách Tây khi đặt xe vẫn luôn mở ứng dụng, giám sát hành trình của xe và đứng đợi sẵn để xe đến là đi ngay, còn một phần kha khá khách ta thì xe đến, tài xế gọi mới thủng thẳng đi ra, yêu cầu tài xế chạy vào hẻm, đến tận trước nhà hoặc yêu cầu tài xế đợi rất lâu. Thậm chí, đây là điều đau đớn cho giới tài xế xe công nghệ: khách đặt xe, hủy chuyến, ghi chú “Tài xế yêu cầu hủy”.
Khách không bị hãng xử lý gì, chứ chúng tôi thì bị mất tỷ lệ hoàn thành chuyến xe, bị hạ điểm tín dụng, nhiều khi mất những khoảng tiền thưởng (vài chục ngàn đồng) nhỏ nhoi.
Chúng tôi phải làm gì với khách hay vẫn phải như lâu nay, cắn răng mà chịu để kiếm đồng tiền lương thiện?
Liên Châu (ghi)