Khách vay cá nhân mong có gói hỗ trợ từ ngân hàng

30/03/2020 - 06:52

PNO - Phần lớn các gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đều dành cho đối tượng doanh nghiệp, bỏ ngỏ đối tượng cá nhân.

Xoay không ra tiền trả nợ ngân hàng

Anh Nguyễn Hoài Linh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, đang vay ngân hàng gần bốn tỷ đồng để mua một chiếc xe tải cỡ nhỏ chở hàng bỏ mối sỉ, hai xe du lịch (loại bốn chỗ và bảy chỗ) dành cho thuê. Toàn bộ nguồn thu đều để dành đóng lãi ngân hàng (gần 40 triệu đồng/tháng). Dịch COVID-19 bùng phát khiến hai chiếc xe du lịch trùm mền vì không có khách thuê, xe tải chở hàng cũng ế ẩm vì học sinh đều nghỉ học. 

“Trong đợt đóng lãi hôm 15/3, tôi phải chạy mượn thêm của người thân một ít. Đến kỳ sắp tới, tôi chưa biết phải xoay xở ra sao. Tôi đã rao bán bớt một chiếc xe để trả nợ, nhưng rao nửa tháng nay vẫn chưa ai mua, dù giá bán ra đã lỗ gần phân nửa. Nếu ngân hàng cho hoãn nợ vài tháng hoặc giảm lãi, sẽ đỡ cho chúng tôi nhiều lắm” - anh Linh tâm sự. 

Khách vay cá nhân bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19, nên các ngân hàng cần có gói hỗ trợ
Khách vay cá nhân bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19, nên các ngân hàng cần có gói hỗ trợ

Tương tự, chị Thu Đào (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng đang gặp khó khăn với khoản nợ 1,5 tỷ đồng vay ngân hàng để mua nhà. Chồng chị Đào làm nghề tư vấn chứng khoán, chị làm trong cơ quan Nhà nước nên cũng đủ trang trải sinh hoạt và đóng tiền ngân hàng 15 triệu đồng/tháng. Từ khi có dịch, chồng chị Đào thất nghiệp, chị thắt lưng buộc bụng cũng không đủ tiền để trả nợ ngân hàng. Nếu bán nhà ra ngoài ở thuê, lương một mình chị cũng không xoay xở nổi. Chị Đào cho biết, hai tháng qua, chị đều mượn tiền cha mẹ để trả nợ ngân hàng vì sợ rơi vào nhóm nợ xấu, nhưng chị không biết mình còn cầm cự được bao lâu nữa. 

Không riêng gì anh Linh, chị Đào mà hàng ngàn khách vay cá nhân khác cũng đang gặp ảnh hưởng tương tự do dịch COVID-19. Tất cả đều mong mỏi được ngân hàng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hoặc là giảm lãi suất vay trực tiếp lên các khoản vay cũ. 

Cá nhân đề xuất, ngân hàng mới xem xét

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TP.HCM thông tin, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng vào đầu tháng 3/2020 (có 250.000 tỷ đồng dành cho tín dụng và 30.000 tỷ đồng dành cho thuế) là để hỗ trợ chung cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí cho tất cả khách hàng. 

Với rất nhiều người lao động, công việc gặp khó khăn khi dịch bệnh kéo dài khiến các khoản vay mua nhà, mua xe... tại các ngân hàng thời điểm này thực sự là gánh nặng
Với rất nhiều người lao động, công việc gặp khó khăn khi dịch bệnh kéo dài khiến các khoản vay mua nhà, mua xe... tại các ngân hàng thời điểm này thực sự là gánh nặng

Thông tin thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank - cho biết, ngân hàng đã triển khai việc kiểm tra, rà soát và đánh giá từng khách hàng để đưa ra biện pháp hỗ trợ kịp thời. Với khách hàng là doanh nghiệp, TPBank xem xét gia hạn nợ, miễn phí chuyển tiền, giảm lãi suất từ 0,5-1% trực tiếp trên hợp đồng, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới hoặc tái cấp hạn mức với lãi suất giảm so với quy định từ 1,5-2,5% để ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngay trong tháng Ba, ngân hàng đã cơ cấu, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục triển khai việc này trong các tháng tới.

“Riêng với  khách hàng cá nhân, chúng tôi chỉ xem xét giảm từ 0,5-1% so với lãi suất trên hợp đồng; tùy cá nhân mà có mức giảm khác nhau và phải xem xét tình trạng từng khách hàng. Hiện ngân hàng chưa có chương trình giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với nhóm khách hàng này” - ông Hưng nói. 

Số ngân hàng thực hiện các gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân hiện nay chưa nhiều, chỉ giảm lãi chứ không cơ cấu lại nợ. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Cố vấn cao cấp Ngân hàng NCB - cho rằng, các ngân hàng chỉ mới tập trung nhiều vào doanh nghiệp và chưa có hướng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân do phát sinh thêm nhiều chi phí, tốn thời gian xác minh. Nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người làm công ăn lương cũng gặp khó khăn, nhẹ nhất là giảm thu nhập, nặng hơn là mất việc.

“Cũng như với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng nên cơ cấu lại nợ như giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ ít nhất là ba tháng cho khách hàng cá nhân. Ngân hàng nào tăng được nguồn vốn huy động thì nên tính thêm việc giảm lãi suất trực tiếp lên các gói vay cũ. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng chung, do đó, xã hội cần phải chung tay giúp nhau vượt khó” - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, khách hàng cá nhân đang vay cần tìm hiểu xem ngân hàng có gói hỗ trợ này không và liên hệ, đề xuất hỗ trợ bởi các ngân hàng chỉ hỗ trợ khi có đơn đề xuất. Đồng thời, để giúp khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn, các ngân hàng cần có gói hỗ trợ cho khách cá nhân vay mới.

“Gói này cần phải có lãi suất ưu đãi giảm 25% so với lãi suất hiện tại, thủ tục vay cần đơn giản vì người vay là cá nhân, không có giấy tờ xác lập hoặc giấy phép kinh doanh giống doanh nghiệp. Nhưng để ngân hàng tránh thất thoát, cần một tổ chức sàng lọc ở địa phương như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đứng ra giới thiệu và xác nhận. Mức vay dao động từ 10-30 triệu đồng/người, không thế chấp. Nếu làm được điều này, các ngân hàng đã giúp Nhà nước rất nhiều trong việc ổn định lại cuộc sống của người dân sau đại dịch” - chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng đề xuất. 

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • lelong 30-03-2020 19:49:43

    vay 500tr mở quán cafe chi phí lãi+ gốc mỗi tháng hơn 13tr thuê mặt bằng 15tr/tháng giờ quán cafe buộc đóng cửa không biết phải làm sao? chỉ mong ngân hàng thấu hiểu nổi khổ của dân buôn bán nhỏ mà giảm lãi suất, thật sự không biết xoay sở kiểu gì trong tình hình việc làm không có, mọi người hạn chế chi tiêu, tiền tích lũy đã xài hết 2 tháng nay, bán nhà vào thời điểm này vì 500tr thì oan quá

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI