Khách trọ

12/04/2015 - 18:12

PNO - PN - Hồi đó anh là khách trọ, cô là con gái cưng của ông bà chủ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh ở chung phòng với đứa em trai. Anh là sinh viên mới tốt nghiệp đang lang thang xin việc, còn đứa em thì đang học năm cuối phổ thông. Sáng sớm, khi khu trọ còn ngái ngủ thì mùi cơm sôi từ phòng anh bay tỏa, là anh nấu bữa sáng để đỡ tiền hàng quán, mà phải dậy sớm để đứa em ăn xong kịp đi học.

Khach tro

Má cô khen “Biết tiết kiệm vậy là tốt”.

Mỗi cuối tháng, má cô khi thu tiền phòng thì thế nào cũng có người xin khất lại vài ba ngày, rồi lần lữa thêm vài ba ngày nữa, riêng hai anh em luôn đúng hẹn. Tiền cha mẹ gửi ra hàng tháng cho anh em chi tiêu, luôn được trích cất riêng phần tiền phòng. Má cô rất mến cái tính đúng hẹn này, “Còn trẻ mà đã biết ngăn nắp chuyện tiêu xài”.

Vậy nhưng cũng có lần anh xin nợ lại tiền phòng vào ngày mùng Năm tháng tới. Anh xin nợ, tay gãi đầu mà miệng cười tươi tắn, là do anh đã ký được hợp đồng làm việc dài hạn rồi, xin chậm tiền trọ vì công ty của anh trả lương hàng tháng vào ngày mùng Năm. Má cô hỏi “Từ nay tự trả tiền phòng chứ không cần xin cha mẹ nữa hả?”, anh cười “Dạ”. Không chỉ vậy, anh còn có thể giúp cha mẹ nuôi em ăn học. Má cô tấm tắc “Biết thương cha mẹ, thương em vậy là có trách nhiệm, và quan trọng là có tình nghĩa”.

Có tiền rồi, rủng rỉnh được rồi, anh vẫn dậy sớm nấu nướng cho đứa em vì sợ cơm hàng cháo chợ không vệ sinh, lỡ em bị đau bụng trúng ngày làm bài kiểm tra, lớp cuối cấp mà, liên miên kiểm tra. Mùi cơm gạo sôi mỗi sáng sớm bây giờ có thêm mùi cá thịt thơm tho. Không riêng gì ba má cô mà cả khu trọ đều tấm tắc con trai thời buổi này được như vậy là hiếm có, nhà ai có được con rể như anh thì yên tâm là con gái mình được nương tựa người hiền.

Thế rồi mỗi lần đến kỳ thu tiền phòng, má cô lấy cớ bận tay làm gì đó để sai cô tới phòng anh lấy tiền. Bóng đèn bị cháy, má sai cô gọi điện thoại nhờ anh trên đường đi làm về ghé tiệm mua giùm cái bóng mới, vòi nước bị hư, má cô cũng nhờ anh thay... Rồi, má cảm ơn bằng cách nấu chè sai cô bưng xuống mời hai anh em cùng ăn cho vui.

Rồi thì anh và cô thành vợ chồng.

Khach tro

Tháng lương đầu tiên sau khi cưới, anh đưa cho cô hai phần ba, phần còn lại anh nói đã gửi cho đứa em đang học đại học. Thấy cô tần ngần nhìn số tiền mình vừa đưa, anh nói thêm “Cuộc sống ở thành phố đắt đỏ lắm”.

Cô rơi vào hụt hẫng. Dĩ nhiên trước đây cô biết anh giúp cha mẹ nuôi em ăn học, nhưng điều cô biết và cách anh xử sự mà không màng hỏi qua ý cô là rất khác nhau.

Cô rất buồn, và giận, nhưng ngại anh nghĩ mình hẹp hòi cho nên nín lặng. Cô tự an ủi mình rằng anh làm điều đúng đắn, nhưng mà nỗi buồn vẫn xuất hiện. Cứ lúc cô vừa nguôi ngoai thì đã tới kỳ lương và anh thản nhiên đưa cô hai phần ba tiền lương. Cô cảm thấy mình không được chồng tôn trọng.

Được lãnh thưởng cuối năm, anh nói sẽ mua cho đứa em chiếc xe máy để tiện đi làm thêm. Anh nói như thông báo, vậy thôi, cô vẫn không được hỏi ý kiến. Có tiền thưởng lẽ ra phải là vui vẻ, nhưng cô lại buồn.

Cô thấy thật là vô lý khi mỗi kỳ lương thưởng mình phải lặp lại nỗi buồn. Cô phản ứng lại với nỗi buồn của mình bằng cách mạnh tay mua sắm vài thứ xa hoa như một cách đáp trả. Mỗi khi ngắm nhìn cô trong bộ váy áo hàng hiệu mới mua, má cô hồ hởi hỏi “Hai đứa sống vui không con?”, giọng má như biết chắc câu trả lời là rất vui.

Cô nhận ra má mình vẫn nhìn anh bằng con mắt của bà chủ nhà trọ, và cô cũng bất ngờ nhận ra anh vẫn xử sự như người khách trọ đáng được khen ngợi, trong khi cô không còn là con gái bà chủ nhà trọ mà là vợ của anh, người đồng hành và san sẻ mọi điều cùng anh trên đường đời.

***

Đứa em học xong đại học, anh không phải trích tiền lương để gửi nữa. Nỗi buồn trở thành một vết sẹo mà cô muốn đẩy nó vào quá khứ. Cô tự đặt lên bàn cân, anh chăm chỉ làm việc và không nhậu nhẹt chơi bời, điều mà bạn bè cô thường than thở tâm sự về chồng của họ. Cái đáng gọi là lỗi đối với cô cũng chỉ vì anh là một người anh có trách nhiệm với em của mình. Ừ, cô tự nhủ với mình như vậy để có thể vui vẻ bên anh.

Nhưng anh vẫn vô tâm gây ra nỗi buồn mới. Đó là ngày đứa em thông báo đã ký được hợp đồng làm việc dài hạn ở một công ty khá nổi tiếng với mức lương cao. Cô lắng nghe hai anh em nói chuyện với nhau qua điện thoại. Anh khen em mình giỏi giang, đứa em cảm ơn nhờ có anh chăm sóc mà em mới được ngày hôm nay.

Không một lời nhắc tới cô.

Bận rộn với con nhỏ nên cô không còn thời gian để mình rơi vào nỗi buồn dai dẳng như trước đây nữa. Mỗi khi câu nói vô tình của chồng gợi nhắc, cô vượt qua nỗi buồn bằng cách thì thầm với con trai: “Mai mốt lớn lên lấy vợ, hãy nhớ là của chồng, công vợ nhé con”.

 NGUYÊN HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI