|
Lực lượng chức năng chuẩn bị đưa 14 du khách có tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 30 nhiễm COVID-19 ra khỏi khách sạn Moonlight - TP. Huế. |
Đóng cửa dịch vụ để né khách Tây
Sau khi anh Lê Quốc Vinh - một chuyên gia truyền thông - cùng tiến sĩ Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB, thuộc dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do EU tài trợ) - chia sẻ trên mạng xã hội chuyện du khách gõ cửa sáu khách sạn ở tỉnh Ninh Bình nhưng đều bị từ chối, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình đã liên hệ và một số khách sạn ở tỉnh đã rộng cửa chào đón vị khách này.
Chị Chu Hương ở Hà Nội cho biết, các dịch vụ không kỳ thị dân Tây, nhưng họ sợ nếu phục vụ Tây, lỡ bị cách ly, sẽ ảnh hưởng nhiều người xung quanh. Phở Bát Đàn gần nhà chị trước đây vốn đông khách, nay cũng tạm ngừng hoạt động vì chẳng lẽ không tiếp khách Tây nếu họ vào ăn.
Từ vị thế những du khách được săn đón bao năm, bỗng nhiên người da trắng trở thành đối tượng bị xa lánh sau khi những "bệnh nhân người Anh" trên chuyến bay VN0054 dương tính với SAR-CoV-2.
Có lẽ nhiều người chưa quên những lời chua xót giữa châu Âu: “Tôi là người Việt, tôi không phải vi-rút”. Hồi tháng Một, sinh viên Việt Nam bị kỳ thị tại trường, người Việt bị chửi bới trên hè phố châu Âu vì bị nhầm là người Trung Quốc - nơi khởi phát bệnh dịch COVID-19.
Cách đây chỉ vài tuần, người châu Á đeo khẩu trang cũng bị trêu chọc, xua đuổi. Cảm giác đồng bào mình bị kỳ thị nơi xứ người khiến chúng ta uất nghẹn. Vậy mà giờ đây, chúng ta lại đối xử với những người da trắng tại Việt Nam gần giống như vậy.
Đáng nói, trong số họ, có rất nhiều người sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ nhiều năm, họ khỏe mạnh và không hề có lịch sử đi lại các vùng dịch. Tâm lý “thà cẩn thận còn hơn dính COVID” của người Việt khiến họ bị đối xử phân biệt.
Người da trắng lang thang
Một cô gái ở tỉnh Quảng Ninh chứng kiến nhóm khoảng 20 du khách lang thang trên bờ biển Bãi Cháy, TP. Hạ Long, đã thốt lên: “Họ không có khách sạn để ở, trông rất tội nghiệp”. Khi chia sẻ điều này trên mạng, có người bình luận: “Thương đấy, nhưng nào ai dám đón họ về chỗ mình. Lỡ có chuyện gì thì mang vạ”.
Rõ ràng, người Việt vẫn giàu lòng trắc ẩn, nhiều người cũng hiểu rõ vì sao du khách đang mắc kẹt tại Việt Nam. Tới cuối tháng 2/2020, chúng ta kiểm soát tốt bệnh COVID-19. Tại những tỉnh thành như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, chính quyền đã quyết liệt xử lý các bảng thông báo mang tính kỳ thị khách Trung Quốc, Hàn Quốc của khách sạn, nhà hàng. Du khách Tây Âu cũng phần nào chủ quan, cho rằng COVID-19 chỉ như cúm mùa và ở các nước nhiệt đới nắng nóng thì khó lây bệnh nên họ vẫn thực hiện các tour du lịch.
Một chủ căn hộ dạng cho thuê phòng gia đình tại chung cư V. (TPHCM) nói rằng, anh luôn mong muốn có chỗ cho khách Tây ở, nhưng vì ban quản lý chung cư không cho khách nước ngoài ra vào. Thật khó tránh tình cảnh này, bởi chẳng ai muốn cả ngàn căn hộ bị cách ly vì một ca dương tính với vi-rút.
Với các chủ khách sạn đang phải lo công ăn việc làm của bao người, vì sự sống còn trong kinh doanh, càng khó trách họ hủy đơn đặt phòng ngang xương hay ép họ nhận khách Tây Âu. Thực tế, đã có những du khách sau khi du lịch khắp nơi, chúng ta mới truy tìm để cách ly y tế khi có thông tin người cùng chuyến bay nhiễm COVID-19.
Khi thông tin khách về từ Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Latvia... nhiễm bệnh, thị trường du lịch không còn an toàn, tỉnh An Giang thông báo tạm dừng nhận khách nước ngoài đến tham quan và lưu trú từ ngày 14/3. An Giang không tiếp nhận các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ có vận chuyển khách nước ngoài cập các bến đón, trả khách và bến bãi tự phát ở tỉnh.
Từ ngày 15/3, tỉnh Bến Tre cũng dừng tiếp nhận khách du lịch là người nước ngoài đến tham quan. Trước đó, một số địa phương khác như Đồng Tháp, Tiền Giang đã thông báo ngưng nhận khách nước ngoài. Từ chiều 14/3, tỉnh Thừa Thiên - Huế không đón du khách vào tham quan các di tích, bảo tàng và danh lam thắng cảnh, bất kể người Việt hay quốc tế.
|
Resort Sun&Sea tại TP.Huế được ông chủ trưng dụng làm điểm cách ly du khách ẢNH: Đ.Q. |
Khách sạn thành điểm cách ly
Những ngày này, nếu bắt gặp một vài người nước ngoài vất vưởng, bạn có thể hiểu họ đang mang nhiều nỗi lo lắng. Khi các chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn nói "xin lỗi, tôi rất tiếc", ranh giới giữa cẩn trọng phòng dịch và kỳ thị thật khó phân định. Nhưng rõ ràng, cách cư xử ấy trên diện rộng gây ấn tượng rất xấu về sau. Dịch rồi sẽ đi qua, chúng ta phải làm ăn để sống. Liệu còn khách nào tới với du lịch Việt Nam nữa không?
Trên các diễn đàn của dân kinh doanh du lịch, nhiều ý kiến gợi ý nên áp dụng mô hình kết hợp cơ sở lưu trú - chính quyền - cơ quan y tế: lập danh sách để các chủ cơ sở lưu trú, dịch vụ tình nguyện đăng ký đón khách nước ngoài. Chủ cơ sở sẽ cam kết giám sát, thường xuyên báo cáo cơ quan chức năng về khách, chấp nhận tự cách ly (ngay trong địa điểm mình kinh doanh), chấp nhận sự giám sát từ ngành y tế. Đây là cách tối ưu để vừa kinh doanh, vừa kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Hiến kế cho cơ sở kinh doanh lưu trú
Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra thân nhiệt, khai báo thông tin y tế cá nhân, kiểm tra lịch trình của khách trên hộ chiếu, sau đó đối chiếu với thông tin khách từ Tổng cục Du lịch.
Nếu khách có triệu chứng hoặc thân nhiệt cao hơn bình thường, báo cơ sở y tế gần nhất; nếu khách từ chối việc khai báo thì không cho đặt phòng. Nếu khách trải qua các bước trên và không có bất cứ biểu hiện sức khỏe nào thì cho khách nhận phòng. Chính quyền cần phối hợp với các cơ sở lưu trú để gửi thông tin hành khách các chuyến bay không an toàn, từ đó các cơ sở lưu trú sẽ nắm bắt và đối chiếu với thông tin do khách cung cấp.
Ngày 16/3, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward - ngỏ lời cảm ơn tới tất cả các y, bác sĩ và các cơ quan Việt Nam vì đã giúp Đại sứ quán Anh hỗ trợ các công dân Anh. Ông Gareth Ward nói: “Rất nhiều du khách Anh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Nam. Tôi muốn khẳng định rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, làm tất cả những gì có thể để chống lại vi-rút corona và hỗ trợ những người cần giúp đỡ trong thời điểm khó khăn này".
Gavin Wheeldon - một du khách Anh đang cách ly tại TP. Hà Nội từ ngày 14/3 đến nay - đã viết nhật ký về cuộc sống trong khu cách ly. Anh dành nhiều lời khen ngợi những người lính Việt Nam trong khu cách ly và chia sẻ rằng đi cách ly giống như đi nghỉ.
|
Ông Trần Văn Long - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt cho biết: “Đặc điểm của khách Tây Âu là chủ quan với bệnh dịch, họ không thích đeo khẩu trang và “lười” tuân thủ các quy định về y tế, không nên để họ di chuyển thiếu kiểm soát. Chính quyền mỗi tỉnh thành nên tìm một khu nghỉ cách biệt để tập trung khách Tây Âu, hỗ trợ ăn ở cùng những chi phí khác cho họ. Tôi nghĩ cách đó vừa an toàn, vừa không mất lòng khách”.
Bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - chia sẻ, sau khi tỉnh có chủ trương đón khách châu Âu xuống sân bay Vân Đồn, một chủ khách sạn 4 sao đã tình nguyện dành toàn bộ 120 phòng cho việc cách ly khách nước ngoài, bao thầu mọi chi phí ăn ở cho khách suốt thời gian 14 ngày cách ly. Nhiều khách sạn tiêu chuẩn khác dành phòng ốc cho việc cách ly tập trung, các giáo viên trong thời gian nghỉ dịch cũng tình nguyện phục vụ cơm nước cho khách…
Trước đó, người Huế tự hào vì có resort 4 sao bên phá Tam Giang tham gia cùng chính quyền tiếp nhận khách cách ly. Người Hội An cũng tự hào có resort thơ mộng ngay Cửa Đại rộng cửa đón khách nước ngoài về cách ly. Các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang chắc sẽ không bỏ qua cơ hội vận động chủ khách sạn, chủ cơ sở lưu trú tiếp nhận, phục vụ các du khách nước ngoài.
Với chủ khách sạn trong mùa kinh doanh ế ẩm, đây vừa là điều có ích cho cộng đồng, vừa tạo thiện cảm lâu dài, góp phần quảng bá dịch vụ và thương hiệu.
COVID-19 đang làm phân hóa và thay đổi thế giới. Sự tồn tại hay biến mất của một thương hiệu, một địa chỉ lưu trú có thể là ngay giữa dịch, cũng có thể là sau dịch. Ngoài ra, không nên chỉ nhìn trước mắt mà làm hỏng hình ảnh một Việt Nam thân thiện, mến khách đã được chúng ta xây dựng nhiều năm qua.
T. Minh