Khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy du lịch

10/04/2025 - 13:40

PNO - Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.

Theo đó, năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39%. Khách nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với quý I năm 2024. Điều này góp phần khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Năm 2025, để tăng tốc phát triển du lịch, mục tiêu của Việt Nam là đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch phải tăng trưởng 12 - 13% so với năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TTDL) đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.

Cụ thể, Bộ VH-TTDL phải chủ động đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bộ VH-TTDL phối hợp với Bộ Ngoại giao nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch; khuyến khích doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng đại diện tại nước ngoài...

Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm như: du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trăng mật, du lịch golf...

Thủ tướng nhấn mạnh, cần thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tiêu dùng du lịch gắn với "xuất khẩu tại chỗ" các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh.

Khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam - ảnh: Quốc Thái
Khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam - ảnh: Quốc Thái

Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và quản lý tài nguyên du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

“Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh” - công điện nêu rõ.

Bộ VH-TTDL phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan, địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không, cảng biển, nhà ga phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là tại các địa phương trọng điểm đón khách du lịch thông qua việc hợp tác công – tư hoặc xã hội hóa.

Cùng với đó, các đơn vị tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại khu, điểm du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường điểm đến. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm để tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn, văn minh, thân thiện.

Về chính sách thị thực, theo Thủ tướng, cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch như: miễn thị thực (bao gồm cả chính sách miễn thị thực ngắn hạn), cải tiến thủ tục xét duyệt thị thực cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam theo các chương trình kích cầu du lịch...

Các đơn vị đề xuất cụ thể các chính sách ưu đãi thị thực cho các đối tượng đặc thù như: nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao nổi tiếng thế giới, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, tỉ phú nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích du lịch, triển khai các nhiệm vụ, đề án về hội nhập quốc tế...

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện, tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch, quản lý điểm đến du lịch trên địa bàn.

Thủ tướng lưu ý tới các công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá, chống đeo bám, lừa đảo du khách; thiết lập và công bố đường dây nóng đa ngôn ngữ để tiếp nhận và xử lý phản ánh của du khách; kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI