Khách quốc tế đến nhiều, vì sao các công ty lữ hành vẫn đói khách?

12/03/2024 - 12:53

PNO - Đây là câu hỏi ông Võ Việt Hòa - Giám đốc khối du lịch quốc tế, Saigontourist - đặt ra tại tọa đàm du lịch do báo Người Lao Động tổ chức ngày 12/3.

Ông Võ Việt Hòa dẫn chứng, theo thống kê, du khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh, nhưng Saigontourist gần như chỉ khai thác được dịch vụ cho thuê xe, dịch vụ được cho là "xương xẩu", với nguồn khách này. "Doanh nghiệp trong nước chưa hưởng lợi. Chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, để lợi nhuận không ra ngoài, giúp ngành phát triển lành mạnh" - ông Hòa nêu.

Khách quốc tế đến TPHCM. Ảnh: Quốc Thái
Khách quốc tế đến TPHCM ngày càng đông - Ảnh: Quốc Thái

Nguồn khách từ Nhật Bản chưa tăng, do người Nhật đang thắt chặt chi tiêu. Việt Nam cũng chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như Thái Lan, Úc, châu Âu, Hàn Quốc. Các chuyến bay từ Nhật về TPHCM đông khách nhưng dường như đều là doanh nhân. Nhiều đoàn khách cao cấp từ Trung Quốc gần đây đến bằng du thuyền. Đây là dấu hiệu cho thấy năm 2024 nguồn khách này có thể tốt hơn. Trung Quốc có chính sách khuyến khích du lịch. Tuy nhiên, khách Trung Quốc lại không xem Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung là điểm đến chính.

Đại diện Saigontourist cho rằng, mặc dù visa nhập cảnh Việt Nam đã thông thoáng hơn nhiều so với 2 năm trước, nhưng vẫn cần hấp dẫn hơn nữa. Thái Lan, Malaysia, Singapore hiện đã miễn visa cho Trung Quốc. Việt Nam cũng cần tính đến chính sách miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel - cho rằng, có thực tế du khách Việt đi Thái Lan rất đông. Mỗi người có thể đi 5, 6 lần, trong khi khách du lịch đến Việt Nam chỉ 1 lần rồi không quay lại. Theo thống kê, chi phí để khai thác 1 khách cũ quay lại chỉ bằng 1/5 so với khai thác khách mới. Ông Kỳ cho rằng, ngành du lịch cần có quy hoạch vùng, quy hoạch lại sản phẩm các địa phương để hỗ trợ chứ không phải cạnh tranh nhau, từ đó tạo kết nối, cùng khai thác.

"Về kết nối du lịch để tạo sản phẩm, hạn chế nằm ở khâu liên kết không sâu và lỏng lẻo, đủ rẻ và hấp dẫn để thu hút khách. Hướng sắp tới, 6-8 đơn vị mạnh nhất trong ngành du lịch như Sungroup, Vingroup, Vietnam Airlines… được đề nghị ngồi lại với nhau để hỗ trợ phát triển thị trường du lịch nước ngoài" - ông Nguyễn Quốc Kỳ cho hay.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá sáng 12/3. Ảnh: Q.T
Đại diện các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý tham dự tọa đàm đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch - Ảnh: T.P

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - công tác truyền thông quảng bá ở nước ngoài rất quan trọng. Chính sách visa mới đã tạo được hiệu ứng rất mạnh. Sở Du lịch TPHCM đã tận dụng truyền thông, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các điểm đến trước khi chính sách được đưa ra, do đó hiệu quả đạt được rất đáng khích lệ.

Với hoạt động thu hút du khách, theo kinh nghiệm của ngành du lịch TPHCM là tăng nhận thức trong công tác quản lý. Hai năm nay, TPHCM thúc đẩy chương trình mỗi quận/huyện 1 sản phẩm đặc trưng. Trước đây, mỗi quận/huyện chỉ có 1 cán bộ phụ trách du lịch, nay đã có tổ công tác về du lịch. Nhờ đó, các doanh nghiệp du lịch được hưởng lợi nhiều. TP cũng tăng cường quảng bá du lịch, tạo cầu nối để kết nối các doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, hình thành kênh thông tin, trao đổi chính thức, thường xuyên giữa Bộ, các hãng hàng không và các địa phương. Thông qua việc trao đổi, tham vấn ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hãng hàng không có thể điều tiết giá vé máy bay, lịch bay đảm bảo phục vụ tốt nhất cho du khách. Việc phối hợp với các hãng hàng không cũng giúp các địa phương thu hút khách du lịch vào mùa du lịch thấp điểm, qua đó hạn chế tình trạng du lịch theo mùa hiện nay.

"Song song đó là nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thu hút các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật quốc tế lớn đến Việt Nam, qua đó phát triển du lịch gắn với các sự kiện văn hóa tầm cỡ, chuyên nghiệp (như sự kiện âm nhạc của nhóm Blackpink ở Hà Nội)…" - ông Nguyễn Hồng Minh nêu.

Tăng cường đón khách tỉ phú, giới siêu giàu...

Bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho hay, thời gian qua, Đà Nẵng đã và đang là điểm đến của phân khúc khách du lịch có chi tiêu cao, người nổi tiếng đến nghỉ dưỡng, khách MICE đến hội họp, khách quay gameshow… mang giá trị nhận diện hình ảnh, điểm đến, góp phần thu hút khách quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Mới đây, tỉ phú Bill Gates đến Đà Nẵng và lưu trú dài ngày, điều này cho thấy năng lực cung cấp dịch vụ đầy đủ và cho thấy Đà Nẵng có đủ điều kiện đón khách hạng sang, định vị là điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện. Đồng thời cho thấy tiềm năng du lịch của Đà Nẵng, góp phần định vị điểm đến trên bản đồ khu vực và thế giới. Ngoài giới siêu giàu, Đà Nẵng cũng hướng tới du lịch cưới với du khách Ấn Độ và các cặp đôi muốn tổ chức đám cưới tại Việt Nam.

Theo bà An, sắp tới, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung sản phẩm mới hút khách hạng sang, người nổi tiếng... đồng thời, xây dựng chính sách đặc thù, ưu đãi cho các cặp đôi, tổ chức đám cưới, có chính sách hỗ trợ thủ tục, hỗ trợ truyền thông, thủ tục chào mừng. 

Quốc Thái

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI