Khách ơi, mau tới chợ!

09/06/2017 - 16:30

PNO - Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM đặt mục tiêu từ tháng Bảy, các chợ đầu mối ở TP.HCM sẽ chỉ được bán thịt heo rõ nguồn gốc.

Và tiến tới, các chợ truyền thống buộc phải bán hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Động thái này của TP cũng là một cách trợ lực cho các chợ, đặc biệt là trong bối cảnh một số tiểu thương đã ra sức kéo khách đến quầy sạp bằng các cách “marketing”, cạnh tranh với nhiều kênh mua sắm mới. 

Khach oi, mau toi cho!
Chị Nhan Thị Kim Dung - chợ Bàu Cát bỏ công sắm kệ, sắp xếp sản phẩm đẹp hơn cả tại siêu thị để khách dễ dàng chọn lựa.


Tung chiêu marketing mới, quầy chợ nhộn nhịp 

“Chợ đang có nhiều kiểu marketing  mới lắm!”, một nhân viên văn phòng gần chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) rủ đồng nghiệp đi chợ trong giờ nghỉ trưa. Các tiểu thương đã nỗ lực giữ khách cho bằng được trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 

Muốn “quyến rũ” khách thì quầy hàng phải sáng đẹp. Chị Nhan Thị Kim Dung đã bài trí quầy mỹ phẩm thật đẹp mắt để nhiều người đi chợ Bàu Cát (Q.Tân Bình, TP.HCM) biết đến. Kệ trên, chị để kem đánh răng; kệ dưới để sữa tắm rồi xà phòng…

Loại nào theo loại ấy với từng cụm thương hiệu rõ ràng. Chị lưu ý xếp sản phẩm nằm để khách đi ngang cũng có thể thấy rõ. Không chỉ sáng đẹp, với quầy hàng thực phẩm, yếu tố vệ sinh phải được đặt lên hàng đầu. Với suy nghĩ này, chị Lê Thị Ánh Mai, tiểu thương hàng rau tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) hào phóng chi hơn 10 triệu đồng để thay sạp gỗ bằng sạp inox. Nhiều người đi chợ thấy chị Mai chăm chút sản phẩm tỉ mỉ như vậy nên đến sạp ủng hộ chị ngày càng đông.

Không dừng lại ở đó, tiểu thương còn quyết giành chiến thắng trong trận chiến giữ khách bằng cách chiều lòng “tới bến”.

Chị Lệ Thủy (hàng gia dụng, chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình) chỉ bán 100% sản phẩm chính hãng và để khách thoải mái đổi trả nếu sản phẩm không tốt như quảng cáo.

Đặc biệt, với những sản phẩm điện gia dụng, chị còn nhận sửa trọn đời, tuy chi phí phát sinh ngoài thời gian bảo hành khách sẽ tự trả nhưng mọi người rất thích. Có lẽ nhờ vậy mà chỉ trong một giờ, chúng tôi thấy chị đã có hơn 20 cuộc giao dịch mua bán hàng.

Trường hợp chị Đỗ Thị Minh Nguyệt (chợ Nguyễn Tri Phương) cũng thế. Dù bán rau VietGap được đóng gói, nhưng chị sẵn sàng xé lẻ rồi bán cho những khách mua ít. Thậm chí, chị còn tỉ mỉ nhặt rau, có khi nhận luôn việc mua cá, thịt, sau đó giao tận nhà theo yêu cầu. 

Thực phẩm an toàn vẫn là số một

Đặc biệt trong xu hướng đổi mới ở chợ, nhiều tiểu thương đã chuyển sang bán thực phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu của khách.

Khach oi, mau toi cho!
240 là số chợ truyền thống đang hoạt động tại TP.HCM.

Cụ thể như chị Đỗ Thị Ty, tiểu thương ở chợ Bàu Cát chọn cách thỏa mãn tâm lý “khát” rau quê, chị nói: “Rau sạch có thể bị làm giả thông qua bao bì nhưng rau quê thì không thể giả, bởi lá và cây rau quê đều còi cọc mà mùi rất thơm”. Rau quê được lấy từ nhà dân ở Long An, đựng trong rổ hoặc mẹt tre trông rất… quê, vậy mà có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu rau an toàn mà giá thành phải chăng, một tiểu thương khác còn chịu khó mướn đất rồi tự trồng tại Hóc Môn. 

Làm sao để khách tin tiểu thương bán thực phẩm an toàn? Như một cách khẳng định ngầm rằng tiểu thương tại chợ luôn bán hàng chất lượng và trung thực với khách, Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương đã treo những tấm bảng lớn, hướng dẫn cách phân biệt rau, củ, quả Việt Nam và Trung Quốc tại bốn cửa chính. Bên cạnh đó, các tiểu thương còn hướng dẫn khách sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc thịt 
tại quầy.  

Sức mạnh cộng hưởng

Nói về việc làm sao để khách hàng thích đi chợ hơn trước, bà Trần Thị Thái Thanh, Phó trưởng Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, cho biết: “Không chỉ tiểu thương mà cả Ban quản lý phải cùng chung tay cứu lấy chợ”.

Ngoài việc vận động tiểu thương xây dựng chợ văn minh, chúng tôi còn trang bị hàng chục máy đón gió cho thoáng mát; 48 camera an ninh; tại mỗi cụm chợ đều có số điện thoại ban quản lý được phóng lớn để sẵn sàng hỗ trợ khách. Không chỉ thế, nhằm kích cầu tiêu dùng, có những đợt tiểu thương còn đồng loạt treo bảng khuyến mãi.

Và không chỉ chợ Phạm Văn Hai mà các chợ khác như Bàu Cát, Nguyễn Tri Phương, Ban quản lý cũng chung tay cùng tiểu thương. Sự phối hợp đồng bộ này đã tạo sức mạnh cộng hưởng mời gọi khách tới chợ hiệu quả hơn. 

Khi nào Ban quản lý và tiểu thương còn năng động đáp ứng nhu cầu khách hàng thì chợ sẽ còn đông người mua sắm. Song xét kỹ, sự đông khách hiện nay vẫn chỉ xảy ra ở một vài sạp có nhận thức và chịu đổi mới. Làm thế nào, đầu tư từ đâu… để chợ có sự phát triển bền vững? Trả lời cho câu hỏi này cần có sự nghiên cứu thấu đáo từ nhiều phía để sớm gỡ khó cho các chợ. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI